Người Việt dùng hàng Việt là yêu nước Việt:

Đưa hàng hóa "made in Quảng Bình" vào hệ thống siêu thị: Bao giờ cho đến... bao giờ?

Cập nhật lúc 07:32, Thứ Sáu, 30/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh ta có một số nhãn hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ như nước mắm (Quy Đức, Khánh Cường), khoai deo (Hải Ninh), rượu (Võ Xá, Tuy Lộc), mây tre đan (Quảng Phương), chiếu trúc (Điệp Xuân)... Sắp tới, một số nhãn hiệu đang đợi cấp giấy chứng nhận như bánh mè xát Tân An (Quảng Thanh, Quảng Trạch), nước mắm của Hiệp hội nước mắm Nhân Trạch (Bố Trạch)... Tuy nhiên, điều đáng buồn là các hàng hóa “made in Quảng Bình” được trưng bày trong các siêu thị nội tỉnh lại rất hạn chế. Và tất nhiên, đối với các hệ thống siêu thị cỡ lớn tầm quốc gia như Big C, Co-op.Mart, Metro.., hàng hóa “cây nhà lá vườn” của tỉnh ta lại càng “vắng bóng”.

"Ẩn hiện" hàng hóa nội tỉnh

 

Với mẫu mã còn đơn điệu, rượu Võ Xá khó

Với mẫu mã còn đơn điệu, rượu Võ Xá khó khó "chen chân" vào được hệ thống các siêu thị.

Theo thống kê của Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 10 siêu thị tổng hợp và chuyên doanh. Trong đó, riêng TP.Đồng Hới có 6 siêu thị (gồm 3 siêu thị tổng hợp: Hiếu Hằng, Thế Anh, Nguyễn Văn Cừ và 3 siêu thị chuyên doanh).

Nếu các siêu thị tổng hợp kinh doanh tất cả các danh mục hàng hóa (trừ các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm), thì những lĩnh vực như nội thất, thiết bị trường học, vật liệu xây dựng, điện tử, máy tính, hàng may mặc... là đối tượng mà siêu thị chuyên doanh trên địa bàn tỉnh hướng đến. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, chúng tôi tạm chưa bàn đến siêu thị chuyên doanh, mà chỉ quan tâm đến sự “xuất hiện” của hàng hóa nội tỉnh tại các siêu thị tổng hợp.

Dạo một vòng 3 siêu thị tổng hợp trên địa bàn TP Đồng Hới mới thấy tìm hàng hóa “made in Quảng Bình” quả thật “khó quá khó”. May mắn, chúng tôi “gặp” được mặt hàng đặc sản khoai deo của HTX khoai deo Hải Ninh (Quảng Ninh) ở siêu thị Hiếu Hằng (27 Nguyễn Hữu Cảnh), mặc dù chúng được trưng bày ở nơi khá khó tìm. Và nếu không có sự hướng dẫn của chị Trần Thị Bê, Quyền Giám đốc siêu thị Hiếu Hằng, chắc sẽ rất lâu để tìm ra đặc sản khoai deo Quảng Bình trong hằng hà sa số hàng hóa nơi đây.

Chị Trần Thị Bê cho biết siêu thị đã và đang tạo nhiều điều kiện để hàng hóa có xuất xứ từ trong tỉnh được bày bán, bởi sẽ góp phần làm giảm chi phí vận chuyển, cũng như tạo niềm tin cho người tiêu dùng, xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hóa tỉnh nhà. Nhưng trên thực tế, rất ít hàng hóa nội tỉnh có cơ hội tiếp cận thị trường siêu thị.

Đơn cử như trường hợp 3 mặt hàng: nước mắm, rượu và hàng đông lạnh. Tỉnh ta có nhiều thương hiệu nước mắm nổi tiếng như Quy Đức, Nhân Trạch, Bảo Ninh... nhưng trong những siêu thị nội tỉnh lại khó “chen vai” với các loại nước mắm khác. Thậm chí, ở siêu thị ta cũng đã bày bán các sản phẩm nước mắm đặc sản tỉnh bạn như Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Phan Thiết... Đối với mặt hàng rượu, tình hình cũng không lạc quan hơn. Rượu Võ Xá, Tuy Lộc... nức tiếng gần xa, nhưng “quãng đường” tiếp cận khách hàng siêu thị lại khá xa xôi. Rượu ta đành “nhường đường” cho rượu vodka (Hà Nội), rượu Bàu Đá (Bình Định)...

Tương tự như vậy là trường hợp của các mặt hàng đông lạnh. Lợi thế về đặc sản biển của Quảng Bình thì ắt hẳn ai cũng biết, nhưng tất cả các mặt hàng đông lạnh tại các siêu thị ở tỉnh ta đều phải nhập từ những siêu thị lớn như Big C, Metro... Bởi theo như chị Trần Thị Bê, rất khó để tìm ra ở tỉnh ta một cơ sở sản xuất đóng gói hàng đông lạnh đạt tiêu chuẩn. Đó là chưa kể đến nhiều hàng hóa khác cũng bỏ lỡ cơ hội tiếp cận kênh phân phối đầy tiềm năng này.

Đối với siêu thị nội tỉnh đã khó khăn đến vậy, thì để đến với những hệ thống siêu thị lớn, cao cấp hơn, hàng hóa xuất xứ nội tỉnh lại càng gặp nhiều gian nan, vất vả hơn.

Thử tìm nguyên nhân...

Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ, khẳng định, khi đưa hàng vào siêu thị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ được cung cấp thông tin thị trường, có hợp đồng siêu thị dài hạn, có khối lượng mua lớn, có cơ hội quảng bá thương hiệu, tăng cường sự hỗ trợ, liên kết, hợp tác từ nhiều đối tác.

Thậm chí đối với những hệ thống siêu thị lớn, sản phẩm sẽ được chuyển đến nhiều địa phương khác nhau, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ở tỉnh ta, sự khó khăn trong vấn đề này trước hết là bởi hàng hóa mới xây dựng được thương hiệu trong tỉnh, được người dân trong tỉnh biết đến và tin dùng, nhưng vẫn chưa phổ biến nhiều ở các địa phương khác. Thêm vào đó, do đầu tư kinh phí còn hạn chế, nhiều mặt hàng mẫu mã còn đơn điệu và thiếu tính đa dạng về chủng loại. Do đó, chưa đủ sức hấp dẫn, ấn tượng với người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng tiêu dùng cao cấp.

Đặc sản Khoai deo Hải Ninh ở siêu thị Hiếu Hằng, nhưng lại được trưng bày ở nơi khó nhận thấy.
Đặc sản Khoai deo Hải Ninh ở siêu thị Hiếu Hằng, nhưng lại được trưng bày ở nơi khó nhận thấy.

Trên phương diện người cung cấp dịch vụ, theo chị Trần Thị Bê, mặt hàng “made in Quảng Bình” khó “chen chân” vào các hệ thống siêu thị là bởi các doanh nghiệp, nhà sản xuất tỉnh ta chưa thực sự quan tâm, đầu tư đến quy trình đưa hàng hóa vào siêu thị. Quy trình này không rắc rối, phức tạp và được sự hỗ trợ tích cực, nhanh chóng từ các cơ quan chức năng trong tỉnh như đăng ký nhãn hiệu, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, đo lường chất lượng; đăng ký mã số, mã vạch; có tem nhãn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng...

Chị Hoàng Thị Thương (Trung Bính, Bảo Ninh, TP.Đồng Hới) hơn 20 năm sản xuất nước mắm và tạo được uy tín, niềm tin cho người tiêu dùng. Nhưng chị vẫn chưa đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nước mắm của mình. Chị lý giải mình đã tuổi cao sức yếu, sợ sau này không có ai nối nghiệp, do đó, sẽ làm lãng phí nhãn hiệu đã đăng ký. Hơn nữa, hiện tại, nước mắm của chị vẫn bán chạy, đầu mối lấy hàng tại nhà. Nếu đăng ký nhãn hiệu, chị e sợ hàng giả, hàng nhái sẽ làm mất đi thương hiệu của mình. Như vậy, chính tâm lý của người sản xuất cũng đã là rào cản lớn đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị - một trong những kênh phân phối hiệu quả nhất.

Một hạn chế không nhỏ khác nằm ở chính tâm lý tiêu dùng của chúng ta. Đối với hàng hóa nội tỉnh, người mua có thói quen với việc trực tiếp đến cơ sở sản xuất lấy hàng, hoặc thông qua các cửa hàng, đại lý nhỏ..., chưa tạo được thói quen mua hàng ở siêu thị. Chính vì vậy, vô hình chung, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ít quan tâm, thậm chí bỏ qua kênh phân phối siêu thị. Do đó, cơ hội để xâm nhập thị trường tiềm năng ngày càng hẹp hơn.

Tuy nhiên, để đưa hàng hóa vào siêu thị, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực từ nhiều cơ quan chức năng, các siêu thị cần có sự khích lệ và giúp đỡ mạnh mẽ, hiệu quả hơn đối với các doanh nghiệp trong tỉnh. Chị Lê Thị Hoa (Chủ nhiệm HTX sản xuất – kinh doanh rượu làng nghề Võ Xá, Võ Ninh, Quảng Ninh) cho biết mặc dù HTX rất muốn đưa hàng vào các siêu thị, nhưng siêu thị khi nhận hàng lại muốn ký gửi tiền trước khiến HTX gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, hầu hết siêu thị đều chỉ nhập hàng nhiều vào dịp lễ, tết. Đây cũng là thời điểm nguồn hàng HTX không đủ cấp, lượng dự trữ lại ít. HTX cũng không có nhiều vốn để đầu tư phát triển mẫu mã và quảng bá sản phẩm.

Trong tương lai, chị Lê Thị Hoa kỳ vọng HTX sẽ được hỗ trợ nhiều hơn từ cơ quan chức năng và hệ thống siêu thị để mở rộng thị trường và kênh phân phối, phát triển mẫu mã, tăng lượng hàng hóa...

Theo Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020 của UBND tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được nhận các tài liệu chuyên môn, các văn bản quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ miễn phí do Sở Khoa học và Công nghệ phát hành.

Các tổ chức cá nhân thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam được hỗ trợ mức tối đa 5 triệu đồng/1 nhãn hiệu hàng hóa đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

                                                                              Mai Nhân







 

,
.
.
.