Thoát nghèo nhờ... rau!

Cập nhật lúc 08:42, Thứ Ba, 06/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Đồng Trạch là một trong những xã có diện tích trồng rau lớn của huyện Bố Trạch nói riêng và của cả tỉnh nói chung. Những năm qua, trong tổng số 700/1.318 hộ dân nơi đây, đã có nhiều gia đình thoát nghèo nhờ nghề trồng rau, đồng thời bước đầu đã xây dựng được thương hiệu rau sạch cho địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Trạch, ông Hoàng Văn Chiệc phấn khởi "khoe" với chúng tôi: Hiện địa phương có khoảng 50 ha trồng rau với 700 hộ tham gia. Thu nhập bình quân ước tính của các hộ trồng rau không chuyên là khoảng 2 triệu đồng/tháng và xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng đối với các hộ chuyên nghiệp. Đây là một con số đáng phấn khởi đối với người dân Đồng Trạch nói riêng, đồng thời mở ra hướng đi mới cho nông dân Bố Trạch trên con đường xóa đói giảm nghèo.

Theo chân ông Hoàng Văn Chiệc, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Đình Phúng, một trong những hộ trồng rau sạch nổi tiếng ở Đồng Trạch. Với thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí, gia đình ông Phúng là một trong những điển hình thoát nghèo nhờ rau của xã Đồng Trạch. Ông Phúng cho biết, ngay sau khi xuất ngũ năm 1975, nhận thấy đất quê mình có khả năng trồng rau, ông đã trồng thử nghiệm vài loại rau. Từ đó, phong trào trồng rau ở Đồng Trạch bắt đầu phát triển mạnh. Sau hơn 30 năm, hầu hết các hộ dân ở địa phương đều tham gia trồng rau. Người trồng nhiều thì dăm ba sào, người ít cũng đủ ăn và bán cho người dân các địa phương lân cận. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng rau của gia đình ông Phúng, thời gian qua huyện đã hỗ trợ một phần kinh phí và kỹ thuật để xây dựng mô hình rau an toàn. "Tôi đã đưa sản phẩm của mình (gồm dưa chuột, dưa hấu, rau cải, rau cần...) đến cơ quan chức năng để kiểm tra. Tất cả sản phẩm đều bảo đảm giới hạn an toàn theo quy định, thậm chí các loại rau như cải, cần, xà lách... có chỉ số an toàn rất cao!", ông Phúng cho biết thêm.

Mô hình trồng rau an toàn do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ tại xã Đồng Trạch. Ảnh: N.M
Mô hình trồng rau an toàn do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ tại xã Đồng Trạch. Ảnh: N.M

 Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà trực tiếp là Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã và đang triển khai hỗ trợ 25 hộ trồng rau ở Đồng Trạch để phát triển mô hình rau an toàn. Tổng số vốn đầu tư của dự án là 234 triệu đồng, trong đó Chi cục bảo vệ thực vật hỗ trợ 179 triệu, số còn lại do các hộ hưởng lợi đóng góp. Dự án bao gồm các hạng mục: quy hoạch vùng rau an toàn; xây dựng cơ sở hạ tầng (đường điện, giếng nước...); hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật; tiếp thị tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, công tác tư vấn kỹ thuật... Sau gần một năm triển khai, dự án đã mang lại những hiệu quả rõ nét. Không chỉ các hộ dân hưởng lợi từ dự án tuân thủ tuyệt đối quy trình trồng rau an toàn, mà hầu hết các hộ tham gia trồng rau ở địa phương đều ý thức được tầm quan trọng của rau sạch nên đã tự học hỏi kinh nghiệm của nhau và tuân thủ theo quy trình. "Về chất lượng, chúng tôi có thể bảo đảm hầu hết rau ở địa phương đều đạt các chỉ số an toàn theo quy định. Đây là một điều đáng mừng và hy vọng trong tương lai, nông dân xã tôi sẽ khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường!", ông Hoàng Văn Chiệc tâm sự.

So sánh thế mạnh giữa nghề trồng rau và trồng lúa, nhiều người dân Đồng Trạch đều nhất trí với ý kiến rằng trồng lúa vất vả hơn nhiều, nhưng thu nhập lại thấp hơn nghề trồng rau. Theo thống kê sơ bộ, bình quân mỗi năm Đồng Trạch thu từ nghề trồng lúa khoảng 10 tỷ đồng, từ nghề rau khoảng 15 tỷ đồng. Trong tương lai, để Đồng Trạch có thể phát huy tối đa thế mạnh của mình, chính quyền và nhân dân địa phương mong muốn Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và UBND huyện tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ Đồng Trạch thực hiện các giai đoạn tiếp theo của dự án trồng rau an toàn đã triển khai trong năm 2011. Cụ thể là nguồn vốn vay ưu đãi đối với các hộ tham gia dự án cùng hệ thống đường giao thông để giúp người nông dân thuận lợi hơn trong quá trình tham gia sản xuất cũng như vận chuyển sản phẩm. Bên cạnh đó, để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm và khẳng định được thương hiệu rau sạch Đồng Trạch, địa phương mong muốn được hỗ trợ để xây dựng nhà sơ chế sản phẩm, đồng thời có một điểm bán hàng ở chợ Hoàn Lão. Việc triển khai các hoạt động tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng cũng là một trong những hoạt động quan trọng mà người dân Đồng Trạch mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng.

Mong muốn của người dân Đồng Trạch là hoàn toàn chính đáng. Hy vọng rằng, dự án trồng rau an toàn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ sẽ nhanh chóng được triển khai giai đoạn tiếp theo. Không chỉ người trồng rau Đồng Trạch được hưởng lợi, mà người tiêu dùng cũng được tiếp cận và sử dụng nguồn thực phẩm an toàn và có địa chỉ đáng tin cậy. Tin rằng, với tinh thần lao động cần cù và có trách nhiệm của những người nông dân Đồng Trạch, sự hỗ trợ quan trọng của các cơ quan chức năng, trong tương lai gần, các sản phẩm rau củ của địa phương sẽ khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường, tạo điều kiện để người nông dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nghề truyền thống.

                                                                                      Ngọc Mai

 

 

 

,
.
.
.