Người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Cập nhật lúc 10:08, Thứ Ba, 11/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Đó là cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luyến, ở thôn 7, xã Quảng Phong (Quảng Trạch). Mỗi năm, sau khi trừ đi chi phí sản xuất, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Luyến lãi ròng 130 triệu đồng.

Năm 1982, anh Nguyễn Trọng Luyến xuất ngũ trở về quê hương, không vốn liếng, không nghề nghiệp anh bắt đầu vật lộn với cuộc mưu sinh trên mảnh đất nghèo khó. Anh Luyến tâm sự: "Những ngày đầu sau khi rời quân ngũ, cuộc sống gia đình tôi hết sức khó khăn, nhìn quanh bốn phía chỉ toàn thấy đất đai cằn cỗi, nhiều lúc tôi cũng đâm chán nản. Nhưng nhờ những năm tháng rèn luyện trong quân đội nên tôi hạ quyết tâm phải vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng cho gia đình". Năm 2000, theo chủ trương dồn điền đổi thửa của xã, gia đình anh thuê lại diện tích đất nông nghiệp một vụ năng suất thấp để cải tạo và làm trang trại theo mô hình cá lúa.

Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm trong cách chọn mô hình và kỹ thuật nuôi cá nên ba năm đầu trang trại lỗ hàng chục triệu đồng. Những lúc như vậy, vợ chồng anh nản vô cùng nhưng lại nghĩ đến các con, anh chị lại càng quyết tâm phấn đấu thoát nghèo... Để khắc phục những khó khăn ban đầu lập nghiệp, anh tích cực đi tham quan tìm hiểu một số mô hình trang trại vườn- ao- chuồng điển hình ở địa phương. Không những vậy, anh tìm mua sách báo và theo dõi các kênh truyền hình để học hỏi kỹ thuật chăn nuôi. Vừa học tập kinh nghiệm, anh Luyến còn đầu tư cải tạo đất nhằm chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế phù hợp với chất đất và địa hình nơi đây.

CCB Nguyễn Trọng Luyến với công việc hàng ngày của mình tại trang trại. Ảnh: N.L
CCB Nguyễn Trọng Luyến với công việc hàng ngày của mình tại trang trại. Ảnh: N.L

Hơn ba năm ròng, hai vợ chồng anh Luyến đã đầu tư gần 380 triệu đồng để thuê máy đào ao, đắp bờ và mua giống cá, giống vịt,...phát triển kinh tế. Cuối cùng, gia đình anh cũng đã biến "vùng đất xấu" thành vùng đất sản xuất có hiệu quả với một trang trại tổng hợp gần 4 ha. Trong đó, anh dành hẳn 2,5 ha để nuôi  nhiều giống cá giá trị cao như: cá trắm, cá mè, cá rô phi, cá chép cho thu hoạch gần 3 tấn/năm và mỗi năm thu lãi trên 50 triệu đồng.

Đặc biệt, năm 2010, tại trang trại của mình, anh Luyến đã mạnh dạn đưa giống mới vào nuôi, đó là cá trường giang cho năng suất và hiệu quả cao. Bên cạnh đó, đàn  gia cầm trong trang trại luôn sinh sôi nảy nở đông đúc gồm: đàn vịt sinh sản có 800 con, bình quân cho 650-700 trứng/ngày và thu về 1,5 -2 triệu đồng; ngan thịt khoảng 400 con/lứa và mỗi năm nuôi 3 lứa; ngan sinh sản có trên 100 con. Ngoài ra, gia đình anh còn là chủ sở hữu của 1,5 ha lúa, cho năng suất đạt 52-55 tạ/ha. Ước tính mỗi năm sau khi trừ đi mọi chi phí cho sản xuất, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh lãi ròng 130 triệu đồng. Trang trại gia đình anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương bình quân 2,1 triệu đồng/người/tháng.

Anh Luyến chia sẻ, để nghề chăn nuôi có hiệu quả và bền vững thì người nuôi phải biết tìm hiểu các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, đáng kể như việc 6 tháng phải tiêm phòng dịch bệnh một lần cho gia cầm; hay chọn giống cá phải tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ để xem cá phù hợp với khí hậu và thời tiết của vùng đất nào hơn, cụ thể, đối với thời tiết của địa phương, chọn giống cá nước ngọt ở miền bắc sẽ hợp hơn giống cá ở vùng miền Nam.

Hiện nay, anh Luyến đang lên kế hoạch đầu tư thêm lò ấp trứng với mục đích tự cung cấp con giống và mở rộng sản xuất theo mô hình khép kín. Với cách làm  khoa học và bài bản như vậy nên anh Luyến đã được cấp giấy chứng nhận trang trại. Và ở đây còn trở thành điểm hấp dẫn mọi người, đặc biệt là các cựu chiến binh đến học tập và làm theo.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Luyến còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại và giúp đỡ những hội viên có nhu cầu.

                                                                                                                      N. L

,
.
.
.