.

Vườn gà quý hiếm của thế giới

Thứ Tư, 01/02/2017, 10:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Có một vườn gà độc đáo không phải nuôi nhốt mà chúng sống trong một sinh cảnh tự nhiên với hơn 220.000ha. Ngôi nhà ấy là di sản Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) và rừng Khe Nước Trong (Quảng Bình, Việt Nam). Các loài gà lôi trắng, gà lôi hông tía, gà lôi lam mào trắng, gà rừng... là những loài cực kỳ quý hiếm, trên thế giới chỉ còn sót lại nơi này. Công, trĩ cũng được các nhà khoa học xếp vào họ nhà gà nên khu vực này thật sự thú vị bởi vườn gà hiếm có.

1. Gà lôi trắng, một loài chỉ còn hiện diện ở khu vực Khe Nước Trong (Lệ Thủy) và Phong Nha-Kẻ Bàng. Loài này có trong danh lục sách đỏ của tổ chức bảo tồn IUCN, BirdLife, cũng như Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

Công được xếp vào bộ gà. Ảnh: Tư liệu
Công được xếp vào bộ gà. Ảnh: Tư liệu

Chuyên gia Lê Trọng Trãi từ Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt cho biết, gà lôi trắng có tên khoa học: Lophura nycthemera. Chúng dài từ 50-125cm. Chim đực có bộ lông hai màu, trắng ở trên lưng và đen ở phía bụng. Con mái với lông màu nâu. Mào cong, chân đỏ, da mặt đỏ. Chim đực non có màu lông giống chim cái.

Chúng phân bố đến độ cao khoảng 2.000 mét với tầng thảm tươi của các loại rừng, địa hình hơi dốc cho đến dốc. Sinh sản trong khoảng tháng 2-5. Làm tổ trên mặt đất, đẻ 4-10 trứng.

2. Gà lôi hông tía, một chương trình bẫy ảnh của Vườn quốc gia PN-KB đã phát hiện quần thể gà lôi hông tía (Lophura diardi) quý hiếm tại phân khu dịch vụ hành chính với gần 100 cá thể bởi hệ thống 5 bẫy ảnh tự động. Ở Khe Nước Trong chúng được phát hiện bởi chuyên gia Lê Trọng Trãi với nhiều con trống, con mái rất thú vị. Chúng được bảo vệ bởi điều luật cấm săn bắt, sử dụng vì mục đích thương mại, loài gà lôi hông tía này xếp vào Sách đỏ thế giới và Sách đỏ Việt Nam, con trưởng thành có thể hơn 1kg, đây là lần đầu tiên thu được hình ảnh của chúng ở trong tự nhiên.

Gà lôi hông tía đực trưởng thành có mào dài (70 - 90mm), thường dựng đứng, có màu đen lam ánh thép. Đầu, cằm, họng màu đen. Phần dưới lưng màu vàng kim loại. Hông và trên đuôi có đen tuyền và đỏ tía. Phần còn lại của bộ lông có màu lam tía. Con cái trưởng thành không có mào nhưng lông ở đỉnh đầu dài hơn. Đuôi thẳng và tròn. Bộ lông nhìn chung có màu nâu, ở bụng có hình vảy trắng nhạt. Mặt đỏ nâu. Da mặt và chân màu đỏ. Chúng làm tổ ở rừng núi đất. Bắt đầu vào mùa sinh sản vào năm thứ ba, chúng đẻ mỗi lứa từ 4-8 quá trứng. Trứng ngắn và hơi tròn, màu vàng hồng nhạt kích thước (18 - 38mm), ấp từ 24 - 25 ngày.

Gà lôi trắng con trống. Ảnh: Lê Trọng Trãi
Gà lôi trắng con trống. Ảnh: Lê Trọng Trãi

3. Chim công được xếp vào bộ gà. Chúng có định danh như sau: “Công hay còn gọi cuông, nộc dung, khổng tước (danh pháp khoa học: Pavo muticus). Tại PN-KB, người A Rem và người Ma Coong vẫn thường thấy công xuất hiện ở vùng rừng lồ ô hoặc các khu núi đất thấp, con đực thường xòe đuôi để thu hút con cái mỗi mùa giao phối, khi gặp kẻ thù chúng cũng xòe đuôi để đánh lừa tâm lý rằng chúng to hơn cho kẻ săn mồi bỏ đi. Chim công xanh PN-KB với bộ lông màu đồng và xanh vàng. Bộ lông chiếm tới 60% tổng trọng lượng cơ thể của một con chim công. Sải cánh của loài chim này có thể lên tới 1,5m. Chân của công có cựa, dùng để chiến đấu với các con đực khác nhằm tranh giành bạn tình và chiếm lĩnh lãnh thổ. Các nhà khoa học xác nhận, công có tuổi thọ 20 năm tuổi.

4.Trĩ có tên khoa học Francolinus, cũng xếp vào bộ gà, thuộc lớp chim, ở PN-KB chúng có một cái tên bản địa là Đa Đa. Người A Rem nói rằng, nó có cái tên đó là bởi vì con đực đa tình, nó không chung thủy như công hay một số loài gà khác. Tổ của chúng có thể là các ụ đắp từ lá cây tới các hốc đào bới nông vào trong lòng đất. Chúng có thể đẻ tới 18 trứng mỗi tổ, nhưng thông thường chỉ 7-12 quả, với số lượng nhỏ hơn thấy ở các loài vùng nhiệt đới. Việc ấp trứng gần như chỉ do con mái đảm nhiệm và chu kỳ này kéo dài khoảng 14-30 ngày. Ở khe Nước Trong, các nhà khoa học đã thấy trĩ sao cả trống và mái rất quý hiếm.

5. Gà lôi lam mào trắng, có danh pháp khoa học Lophura edwardsi. Vùng phân bố lịch sử của nó trải dài bốn tỉnh, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Loài này được ghi nhận trong tự nhiên lần gần đây nhất là năm 2000 và hiện đang được cho rằng có thể đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Chuyên gia đánh giá, gà lôi lam mào trắng đặc hữu của Việt Nam, chỉ phân bố ở miền Trung Việt Nam (Bắc Trung bộ), bị đe dọa ở cấp toàn cầu rất nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp, có lẽ tuyệt chủng ngoài tự nhiên vì khảo sát và bẫy ảnh từ 2011 đến nay chưa thấy.

 Trĩ sao con trống và mái ở Khe Nước Trong. Ảnh: Lê Trọng Trãi
Trĩ sao con trống và mái ở Khe Nước Trong. Ảnh: Lê Trọng Trãi

Năm 2017, nhà nghiên cứu Lê Trọng Trãi cho biết: “Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt nhân nuôi bảo tồn gà lôi lam mào trắng và giáo dục môi trường tại Lệ Thủy, Quảng Bình, cần nhiều việc phải làm để thả lại loại gà đặc hữu này về thiên nhiên hoang dã từ nguồn gen nuôi nhốt đã cách đây gần một thế kỷ do người Pháp mang về nhân nuôi ở các vườn thú tại Pháp”.Từ giữa năm 2013, nhiều tổ chức và cá nhân nhóm họp, xây dựng chiến lược bảo tồn gà lôi lam mào trắng, thành lập nhóm bảo tồn gà lôi lam mào trắng tại Việt Nam (VN-EPWG) nhằm đạt được mục tiêu chung là có được quần thể bền vững trong tự nhiên vào năm 2030.

6. Gà rừng, có tên khoa học là phasianidea. Ở PN-KB và khe Nước Trong có ít nhất 3 loài; gà rừng lông đỏ, gà rừng lông xanh, gà rừng lông xám. Con trống có bộ lông sáng, tươi màu, nó không tham gia vào việc ấp trứng hay nuôi nấng con nhỏ vì con non có thể sống độc lập ngay từ khi mới nở. Người A Rem cho biết, gà rừng mẹ có trách nhiệm nuôi con vì nó có lông nâu xám dễ ngụy trang để bảo vệ con non.

Gà rừng thích ăn hạt, sâu bọ. Một loài trong chi này, gà rừng lông đỏ có tầm quan trọng lịch sử đối với con người, như là tổ tiên gần nhất của gà nhà. Với người A Rem hay Ma Coong trong rừng PN-KB, họ cho hay, dân bản vẫn thuần dưỡng gà rừng để nuôi ở trong hang đá, nay ra khỏi hang họ vẫn giữ tục lệ bắt gà rừng về nuôi mỗi khi gặp tổ của chúng.

Minh Phong