.

Khi khoa học, công nghệ lên với miền núi

Thứ Tư, 23/11/2016, 14:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Sự phát triển của khoa học, công nghệ (KH-CN) chính là chìa khóa, là đòn bẩy để phát triển kinh tế, xã hội của một địa phương. Tại các địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn thì việc tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã góp phần đổi thay bộ mặt, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình.

Đầu năm 2013, dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển kinh tế khu định canh định cư của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều và dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình” bắt đầu được triển khai, với mục tiêu xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình.

Trong hai năm triển khai, các mô hình chuyển giao công nghệ thực hiện trên địa bàn các xã đã góp phần vào việc chuyển dịch cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp nông thôn, sử dụng hợp lý và có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động tại địa phương.

Tại các xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Tiến (Minh Hóa), Lâm Thủy, Ngân Thủy, Kim Thủy (Lệ Thủy), dự án đã tập trung đầu tư vào các mô hình nuôi trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, điều kiện kinh tế, tập quán sản xuất của từng địa phương như: mô hình trồng lúa nước giống lúa PC6, trồng giống ngô lai DK 9901, trồng cỏ VA06, chăn nuôi bò lai sind, nuôi lợn nái Móng cái sinh sản và nuôi gà Ai Cập thả vườn.

Thời điểm ấy, các mô hình nuôi trồng của dự án đã khẳng định được những hiệu quả thiết thực khi năng suất đều cao hơn năng suất các giống cũ tại địa phương sản xuất trước khi thực hiện dự án từ 25-30%. Riêng mô hình chăn nuôi bò lai sind phát huy hiệu quả nhất khi có 21 bê lai ra đời đạt 35%, sau một năm chăm sóc, các hộ có thể bán từ 11-13 triệu đồng/con. Hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân cao hơn rất nhiều so với trước đây nuôi bò địa phương theo phương thức thả rông.

 Mô hình trồng giống ngô lai DK 9901 cho hiệu quả cao.
Mô hình trồng giống ngô lai DK 9901 cho hiệu quả cao.

Sau hai năm trực tiếp tham gia dự án, ông Lê Thuận Trung, Trưởng phòng chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh khẳng định: Việc thực hiện các mô hình chuyển giao công nghệ của dự án nông thôn miền núi trên địa bàn 6 xã của 2 huyện Minh Hóa và Lệ Thủy đã giúp bà con và chính quyền địa phương có thêm kiến thức về KH-CN. Thông qua các mô hình chuyển giao đã giúp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Từ chỗ sản xuất chủ yếu là chặt, đốt, cốt, trỉa và chăn nuôi chủ yếu là thả rông, hiệu quả đem lại không cao, nay dự án chuyển giao các mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến về chăn nuôi, trồng trọt với các giống cây con có chất lượng, mô hình của dự án đem lại năng suất cao, chất lượng tốt.

“Có một điều chúng tôi nhận thấy rõ nét nhất trong quá trình thực hiện dự án chính là sự thay đổi trong tư duy sản xuất của đồng bào. Các hộ nông dân không phải phá rừng làm rẫy, còn biết tận dụng phụ phẩm của chăn nuôi, trồng trọt để làm phân bón cho cây trồng, sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường”, ông Trung cho biết thêm.

Đó chỉ là một trong rất nhiều những dự án đưa khoa học, công nghệ tiếp cận với các địa phương vùng núi còn nhiều khó khăn tại tỉnh ta. Không thể phủ nhận những hiệu quả to lớn mà những tiến bộ khoa học, công nghệ mang đến cho chính đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi những bản làng xa ngái này. Bên cạnh việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, triển khai ứng dụng KH-CN, ngành KH và CN đã đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về các kiến thức KHKT và công nghệ mới.

Thế nhưng, có một thực tế là việc thực hiện một đề tài khoa học vốn đã khó, để chuyển giao, nhân rộng những kết quả tiến bộ đó vào cuộc sống còn khó khăn hơn nhiều, đặc biệt, ở khu vực miền núi – nơi mà dân trí còn thấp, điều kiện còn quá nhiều chật vật. Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều chính sách ưu đãi để đưa KHKT đến với khu vực nông thôn, miền núi, nhưng hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng. Khi các dự án kết thúc, người dân lại quay trở về vòng luẩn quẩn của đầu vào – phương cách sản xuất và đầu ra cho sản vật chăn nuôi.

Ông Lê Thuận Trung, Trưởng phòng chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thẳng thắn cho biết, sau khi dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển kinh tế khu định canh định cư của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều và dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình” kết thúc, điều đáng nói là việc áp dụng những thành quả từ dự án vào thực tiễn đời sống sản xuất của bà con còn hạn chế. Một số mô hình đã không còn phát huy tác dụng. Phần lớn vì bà con không tìm được đầu ra và còn giữ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Ông Trung cũng cho biết, muốn việc chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật có hiệu quả dài lâu thì việc cần lưu ý là trong quá trình chuyển giao phải chọn được hộ đủ điều kiện, từ đó khả năng tiếp thu, tính nhân rộng mới phát huy hiệu quả.

Việc đưa KH-CN đến với đồng bào miền núi là việc làm cần thiết,  thế nhưng, để có thể triển khai các dự án đạt hiệu quả cao, việc lựa chọn đúng các giải pháp KH-CN đóng vai trò rất quan trọng. Và hơn thế nữa, những dự án đó cần lựa chọn đúng địa bàn, đúng đối tượng tiếp nhận công nghệ và cách thức chuyển giao phù hợp. Cùng với đó, các cấp chính quyền, các ban, ngành cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các cán bộ khoa học trẻ, tình nguyện về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Ngọc Minh