.

Tiến sĩ trẻ Đào Xuân Quy - "Dế mèn phiêu lưu ký"

Thứ Sáu, 08/07/2016, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT)- Nhận bằng tiến sĩ của Đại học Rennes 1 (Pháp) khi mới 29 tuổi, Đào Xuân Quy (SN 1985) trở về nước với dự định sẽ chọn một tập đoàn nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh để có cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và được gần gia đình. Thế nhưng, dự định đó của anh bất ngờ thay đổi chỉ sau một chuyến du lịch.

Chọn Quảng Bình để khởi nghiệp

Mọi người ví von gọi đùa anh là “Dế mèn phiêu lưu ký”, Đào Xuân Quy cười giải thích: “Mình vốn quê ở Hải Dương, gia đình hiện đang sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Dù chưa từng một lần đặt chân đến Quảng Bình nhưng mình lại chọn vùng đất này để khởi nghiệp nên mọi người mới liên tưởng như vậy”.

Chia sẻ về thành tích học tập của bản thân, Đào Xuân Quy cho biết, năm 2008, anh là một trong 7 sinh viên Trường đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh có thành tích học tập xuất sắc và được chọn đi học tiếp chương trình kỹ sư tại Cộng hòa Pháp, theo chương trình học bổng toàn phần của Chính phủ Việt Nam. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo kỹ sư, bằng nỗ lực của mình, Đào Xuân Quy một lần nữa xuất sắc được nhận học bổng tiến sĩ toàn phần của Viện nghiên cứu Quốc gia về công nghệ thông tin và tự động hóa của Cộng hòa Pháp (INRIA) năm 2010.

Tiến sĩ Đào Xuân Quy giới thiệu mô hình “Tự động giám sát và điều khiển môi trường nhà kính sử dụng năng lượng mặt trời bằng điện thoại thông minh” đến các bạn sinh viên.
Tiến sĩ Đào Xuân Quy giới thiệu mô hình “Tự động giám sát và điều khiển môi trường nhà kính sử dụng năng lượng mặt trời bằng điện thoại thông minh” đến các bạn sinh viên.

6 năm học tập và nghiên cứu tại Pháp, Đào Xuân Quy luôn tâm niệm, khi chương trình học kết thúc, anh sẽ trở về nước và chọn một công việc ở thành phố Hồ Chí Minh để được ở gần gia đình, người thân của mình. Bảo vệ xong luận án tiến sĩ, năm 2014, Xuân Quy về Việt Nam. “Trước khi bắt đầu công việc, tôi đi du lịch bằng tàu hỏa từ Nam ra Bắc và dừng chân tại Quảng Bình để viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tham quan động Thiên Đường. Tôi thật sự bất ngờ trước vẻ đẹp của vùng đất Quảng Bình. Đặc biệt là rất ấn tượng với con người nơi đây, thẳng thắn, thật thà. Tôi bắt đầu có ý nghĩ tại sao không thử sống và làm việc ở đây”, Tiến sĩ Quy chia sẻ.

Và rồi, chuyến du lịch đầy duyên nợ đến Quảng Bình khiến chàng tiến sĩ trẻ quên đi những ấp ủ và dự định ban đầu của mình. Anh quyết định chọn Trường đại học Quảng Bình để bắt đầu công việc và gắn bó lâu dài. Mặc dù trước đó, sau khi về nước, tiến sĩ Quy đã từng phỏng vấn và được nhận giảng dạy ở bộ môn Tự động hóa. Khoa Điện - Điện tử, Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và đang trong thời gian đợi phỏng vấn ở Tập đoàn Robert Bosch tại TP. Hồ Chí Minh thì quyết định ra Quảng Bình làm việc. Lựa chọn bất ngờ của tiến sĩ Quy gặp phải sự phản đối từ gia đình và người thân. Nhiều người cho rằng, việc anh từ TP. Hồ Chí Minh ra Quảng Bình làm việc là đi “ngược dòng nước”.

Trăn trở về thực phẩm an toàn

Không hối hận với quyết định của mình hay xem lựa chọn Quảng Bình là chuyến phiêu lưu, tại đây, tiến sĩ Đào Xuân Quy luôn cống hiến hết nhiệt huyết và sự sáng tạo của mình. Ngoài việc giảng dạy, với kiến thức sau những năm học tập và làm việc tại Pháp, anh đã cùng các bạn sinh viên nghiên cứu, đưa ứng dụng của khoa học vào thực tiễn. Trong đó, điều chàng tiến sĩ trẻ trăn trở nhất là làm sao để cải thiện tình trạng thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất đang ngày càng đe dọa đến sức khỏe con người. Theo anh, nhu cầu thực phẩm sạch rất quan trọng đối với người dân và đặc biệt khách du lịch trong và ngoài nước đến Quảng Bình. Tuy nhiên, hiện tại, nền nông nghiệp Quảng Bình vẫn lạc hậu hơn so với cả nước, thêm vào đó đất đai và khí hậu ở đây cũng không thuận lợi. Chính vì vậy, việc áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, giá trị kinh tế cao nhằm thúc đẩy kinh tế, dịch vụ và đặc biệt là du lịch của Quảng Bình là điều cần thiết.

Giao diện phần mềm VNWQI trên điện thoại tra cứu chất lượng nước biển.
Giao diện phần mềm VNWQI trên điện thoại tra cứu chất lượng nước biển.

Với suy nghĩ đó, tiến sĩ trẻ Đào Xuân Quy cùng một số sinh viên Trường đại học Quảng Bình đã thiết kế và chế tạo thành công mô hình “Tự động giám sát và điều khiển môi trường nhà kính sử dụng năng lượng mặt trời bằng điện thoại thông minh”. Tiến sĩ Quy cho biết: Mô hình này có thể kiểm soát và tạo ra môi trường nhân tạo phù hợp với các loại cây trồng vật nuôi mà điều kiện thiên nhiên không cho phép.

Công trình đã được UBND tỉnh tài trợ kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trong thực tế “Xây dựng hệ thống tự động, giám sát và điều khiển môi trường nhà kính”.

Đặc biệt, tại hội nghị quốc tế RUNSUD 2016 tổ chức tại Đà Nẵng, mô hình “Tự động giám sát và điều khiển môi trường nhà kính sử dụng năng lượng mặt trời bằng điện thoại thông minh” đã tạo ấn tượng được mọi người. Tiến sĩ Quy cho biết: “Tại hội nghị, Giáo sư Pascal Staccini thuộc Đại học Nice-Sophia Antipolis, Pháp đánh giá cao mô hình và hy vọng chúng tôi phát triển thêm nữa để ngoài ứng dụng cho nông nghiệp thì mô hình có thể ứng dụng trong lĩnh vực y tế, nhất là tạo lập được một môi trường phù hợp với sức khỏe người già”.

Thời gian gần đây, tình trạng cá biển chết hàng loạt do nhiễm độc tố ở bốn tỉnh ven biển miền Trung khiến cho ngư dân vô cùng lo lắng. Để giúp người dân tra cứu chất lượng nguồn nước và cảnh báo nếu nồng độ chất ô nhiễm vượt quá thông số cho phép, tiến sĩ Đào Xuân Quy đang tiến hành dự án sử dụng mạng cảm biến không dây để xây dựng bản đồ quan trắc tự động chất lượng nguồn nước ở các vùng biển.

Tiến sĩ Quy cho biết, hiện tại, kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được Sở Tài nguyên-Môi trường thông báo dưới dạng văn bản. Có thể nhiều người dân sẽ không tiếp cận được, chính vì vậy, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Đào Xuân Quy đã xây dựng phần mềm VNWQI trên điện thoại và Web giúp người dân tra cứu chất lượng nguồn nước. Với phần mềm này, người dân chỉ cần cung cấp vị trí, thời gian, địa điểm cần tra cứu như bãi biển Quang Phú, Đá Nhảy... các thông số môi trường nước biển sẽ được gửi đến người dân. Dự án này đang được Sở Tài nguyên-Môi trường Quảng Bình xem xét hợp tác hoàn thiện và áp dụng vào thực tiễn.

Tiến sĩ Lê Thị Hoài Thu, Phó hiệu trưởng Trường đại học Quảng Bình cho biết, Tiến sĩ Đào Xuân Quy là một bạn trẻ vừa mới trở về từ Pháp, việc chọn Trường đại học Quảng Bình làm việc khiến tôi và nhiều người rất bất ngờ. Trong quá trình làm việc, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng tiến sĩ Quy vẫn rất say mê nghiên cứu. Mô hình “Tự động giám sát và điều khiển môi trường nhà kính sử dụng năng lượng mặt trời bằng điện thoại thông minh” là sản phẩm nghiên cứu khoa học đầu tiên của tiến sĩ Quy khi đến với Trường đại học Quảng Bình. Đây là sản phẩm hữu ích và có tính ứng dụng thực tế cao, vì vậy, tôi rất mong muốn mô hình này được các cấp ngành quan tâm để sớm được ứng dụng vào thực tế”.   

Đ.Nguyệt