.

Ông chủ than hoạt tính

Thứ Bảy, 02/01/2016, 14:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Từng là giảng viên tại một số trường đại học, cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng Huy quyết định nộp đơn xin nghỉ việc sau gần 10 năm gắn bó với công tác giảng dạy. Khăn gói về quê với hành trang sự nghiệp là con số không và sự phản đối của gia đình, nhưng với nhiệt huyết, sự sáng tạo và cách làm ăn táo bạo, Huy đã bắt đầu tạo được chỗ đứng trên mảnh đất quê hương...

Mới 34 tuổi nhưng Trần Quang Huy, thôn Trường Nam, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh đã là ông chủ của một doanh nghiệp chuyên cung cấp than hoạt tính (từ nguyên liệu cây bạch đàn) cho thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... Mỗi tháng cơ sở của Huy đã cung cấp ra thị trường khoảng từ 10-20 tấn than hoạt tính với doanh thu hàng trăm triệu đồng/tháng.

Nghỉ việc thành phố về quê lập nghiệp...

Trần Quang Huy kiểm tra chất lượng than sau khi ra lò để xuất cho các đối tác nước ngoài.
Trần Quang Huy kiểm tra chất lượng than sau khi ra lò để xuất cho các đối tác nước ngoài.

Năm 2005, tốt nghiệp Trường cao đẳng thể dục thể thao Đà Nẵng, Huy bắt đầu khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh học tiếp liên thông lên đại học tại Trường đại học sư phạm TDTT TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, Huy được nhận vào công tác tại Trường cao đẳng bán công công nghệ và quản trị kinh doanh, Trường Nghề công nghệ cao Đồng An và làm công tác thỉnh giảng tại Trường đại học Tôn Đức Thắng...

Công việc giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng đã cho Huy cơ hội tiếp xúc với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu, chất đốt sinh học, trong đó có PGS-TS Hoàng Trọng Bá (giảng viên Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh). Từ những chỉ dẫn ban đầu của PGS-TS Hoàng Trọng Bá về công nghệ sản xuất than hoạt tính, Huy bắt đầu nảy ra ý định bắt tay vào việc thành lập công ty chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm này.

Nghĩ là làm, Huy quyết định nộp đơn xin nghỉ việc sau gần 10 năm làm công tác giảng dạy để về quê lập nghiệp, bất chấp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình, bạn bè.

Chia sẻ về điều này Huy cho rằng: “Gia đình phản đối là đúng, với những người trẻ như tôi, có cuộc sống ổn định tại thành phố, thu nhập cao, trong lúc này tôi đã học xong chương trình đào tạo thạc sỹ chuyên ngành “giáo dục học” và chờ để bảo vệ luận văn tốt nghiệp, tương lai phía trước rất sáng...

Quyết định nghỉ việc để thành lập công ty khi ấy như là một sự liều lĩnh, thậm chí nhiều người nghĩ mình điên. Một giảng viên thể dục, kinh nghiệm trong lĩnh vực là than hoạt tính gần như không có, nhưng lại muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh vào ngành này thì thành công là điều không tưởng...".

“Bản thân mình lại nghĩ khác, mình còn trẻ, tại sao lại không dám táo bạo trong cách làm ăn?. Nếu có thất bại thì mình cũng sẽ đứng lên để bắt đầu lại từ đầu, không có gì hổ thẹn cả...”. Huy bộc bạch thêm.

Tạo được thương hiệu trong sản xuất than hoạt tính...

Được sự hậu thuẫn, góp vốn từ những người bạn cùng chung chí hướng, đầu năm 2015, Huy về quê thực hiện giấc mơ của mình. Địa điểm để Huy quyết định chọn xây dựng cơ sở sản xuất than hoạt  tính của mình là thôn Trường Nam, xã Trường Xuân. Theo Huy, đây là vùng đất hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi như: vùng đất có nguồn nguyên liệu dồi dào, không ảnh hưởng môi trường... Ngoài ra, khi xây dựng cơ sở sản xuất của mình Huy còn muốn tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều tại địa phương...

Để có thêm kiến thức về công nghệ làm than hoạt tính, Huy đã lên mạng tìm hiểu thông tin, đọc các tài liệu để trau dồi thêm kiến thức cho mình. Và để làm chủ được công nghệ này, Huy đã phải bỏ một số tiền lớn thuê chuyên gia đến từ Bình Định chuyển giao công nghệ.

Những ngày đầu thực hiện công việc của một “kỹ sư chất đốt”, tỷ lệ than đốt không đạt tiêu chuẩn khá nhiều. Không nản chí, Huy tiếp tục học hỏi để nâng cao thêm kiến thức. Nhờ vậy, với 20 lò đốt than hiện có, tỷ lệ than tiêu chuẩn mà Huy thực hiện luôn vượt trên 8% so với yêu cầu kỹ thuật. Bên cạnh đó, để không ngừng tạo dựng thương hiệu, Huy đã đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới các thị trường trong nước và trên thế giới.

Cơ sở sản xuất than hoạt tính của Trần Quang Huy.
Cơ sở sản xuất than hoạt tính của Trần Quang Huy.

Chỉ sau gần 1 năm đi vào hoạt động, sản phẩm “than hạt Binchotan Trường Nam” của Huy đã có chỗ đứng trên thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... mỗi tháng cho doanh thu hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động tại địa phương (chủ yếu là người dân tộc Bru- Vân Kiều) với thu nhập bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng...

Huy cho biết thêm, tuy công ty đóng xa trung tâm huyện, giao thông đi lại khó khăn nhưng mỗi tháng công ty đón 3 - 4 đoàn đối tác nước ngoài đến đặt hàng, mua sản phẩm với khối lượng lớn và Huy cũng đang là chuyên gia chuyển giao công nghệ sản xuất than hoạt tính cho một công ty tại thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh).

Hiện nay, sản phẩm “than hạt Binchotan Trường Nam” của Huy đã được thị trường trong nước chú ý. Đặc biệt, sản phẩm này đang được triển khai tại một số công trình xây dựng dùng để lót nền nhà nhằm mục đích hút ẩm và xử lý các tia điện...

Chia tay ông chủ trẻ Huy trong buổi chiều se lạnh của những ngày cuối năm, tôi vẫn ngẫm nghĩ mãi câu nói của Huy. "Đối với mình, việc trở về quê hương và tạo được chỗ đứng vững chắc trên mảnh đất còn nhiều khó khăn như Trường Xuân đó là thành công lớn nhất...".

Ngọc Hải