.

Quỹ khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp: Cơ chế và chính sách

Thứ Ba, 03/11/2015, 13:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định khoa học và công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại, phát triển của mỗi doanh nghiệp, những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp, trong đó phải kể đến chính sách trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, sau nhiều năm ban hành, việc trích lập quỹ này vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm, áp dụng.

Doanh nghiệp thờ ơ

Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3-6-2008, tại điều 17, cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp, sử dụng để đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ. Theo đó, mỗi doanh nghiệp vừa hay nhỏ thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế theo kê khai thì có quyền được trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã có rất nhiều chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp.

Chính sách trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ mang lại cho các doanh nghiệp nhiều lợi ích để phát triển.
Chính sách trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ mang lại cho các doanh nghiệp nhiều lợi ích để phát triển.

Như vậy, việc trích lập quỹ đã mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều những lợi ích. Một trong những lợi ích dễ nhận thấy nhất đó là doanh nghiệp không những được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khi quyết toán thuế mà còn có một nguồn quỹ phục vụ cho quá trình nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ cho chính doanh nghiệp đó. Từ sự phát triển khoa học và công nghệ mà lợi ích về lâu về dài cho doanh nghiệp là sự đổi mới, phát triển ngày càng hiện đại hóa và bền vững.

Mặc dù đây là một trong những chính sách có lợi cho doanh nghiệp, nhưng theo ông Nguyễn Đức Lý, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: chính sách của Nhà nước về trích lập quỹ phát triển khoa học  và công nghệ đã được ban hành từ lâu. Tuy nhiên, quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc đi vào thực tiễn. Nhìn chung chính sách này chưa nhận được sự phản hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh ta chưa có doanh nghiệp nào báo cáo với Sở Khoa học và Công nghệ về việc trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Qua trao đổi và tìm hiểu với một số các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì ngoài những doanh nghiệp chưa muốn hay chưa sẵn sàng với việc trích lập quỹ thì vẫn có một số doanh nghiệp dường như còn khá bỡ ngỡ và chưa có nhiều thông tin về chính sách trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Đâu là nguyên nhân

Trước thực trạng về việc nhiều doanh nghiệp còn khá thờ ơ với chính sách trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, theo ông Nguyễn Đức Lý, một trong những nguyên nhân chính là do hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh ta hầu hết là các doanh nghiệp dịch vụ và xây dựng. Chính vì vậy, việc trích lập quỹ và đầu tư cho khoa học và công nghệ vẫn chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ quy định mức trích tối đa là 10% nên nhiều doanh nghiệp có thể trích 0% mà vẫn không vi phạm quy định.

Về phía các doanh nghiệp, ngoài những doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để đầu tư phát triển khoa học và công nghệ thì đối với các doanh nghiệp có khả năng họ lại cho rằng, nguyên nhân là xuất phát từ chính quy định trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18-6-2014 và Nghị định 95/2014 quy định, trong thời hạn 5 năm kể từ khi trích lập, nếu quỹ phát triển khoa học và công nghệ không được sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập của doanh nghiệp đó. Như vậy, để có thể sử dụng được 10% lợi nhuận trước thuế, các doanh nghiệp phải lập hội đồng thẩm định, nghiệm thu theo tiêu chuẩn khoa học. Nhưng quy định như thế nào là đạt chuẩn khoa học và công nghệ như thế nào là chưa lại chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Lo ngại phải đứng trước nguy cơ bị truy thu thuế sau khi trích lập quỹ, các doanh nghiệp đã chọn giải pháp an toàn là không trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Hơn nữa, trên thực tế, 10% được trích lập chỉ là một phần chi phí nhỏ mà Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, còn lại là doanh nghiệp tự bỏ tiền túi ra để làm. Cũng chính vì vậy mà một số ít doanh nghiệp vì không muốn phiền hà đã chủ động tự sử dụng kinh phí được tính vào chi phí doanh nghiệp khi quyết toán thuế để đầu tư phát triển khoa học và công nghệ theo nhu cầu và khả năng của mình.

Đầu tư phát triển khoa học và công nghệ nhất là đối với doanh nghiệp được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, để khoa học và công nghệ thực sự phát triển và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa thì các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển khoa học công nghệ phải thực sự cụ thể, rõ ràng và ưu đãi từ đó mới thu hút các doanh nghiệp yên tâm sử dụng.

Đ.Nguyệt