.

Ngăn ngừa, phòng trừ cây mai dương xâm hại trên địa bàn tỉnh

Thứ Năm, 16/07/2015, 11:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo Đỗ Thị Phượng Kiều, Nguyễn Hữu Trúc, Đại học Nông lâm TP.HCM: Cây mai dương hay còn gọi là cây trinh nữ, tên khoa học là Mimosa pigra L, thuộc họ Mimosaceae, có nguồn gốc vùng nhiệt đới Trung Mỹ. Cây thân gỗ có nhiều gai cứng, sống được trên cạn lẫn dưới nước. Đây là loài cỏ dại ngoại lai rất nguy hiểm cho thảm thực vật bản địa.

Mai dương có hệ thống rễ cọc cắm sâu trong đất dài 1 - 2m, rễ bên mở rộng đến 3,5m. Chiều cao trung bình của cây từ 1,5-2,7m, cao nhất có thể đạt 6m. Cây mai dương sinh trưởng nhanh, sau 6 tháng tuổi đã ra hoa, kết trái. Mai dương ra hoa kết trái quanh năm, thời gian từ khi cây có nụ đến khi có trái chín và hạt đầu tiên rụng xuống đất chỉ mất 37 ngày, nên mặc dầu tỷ lệ nụ hoa nở đến thành hạt rất thấp nhưng trung bình mỗi cây cho khoảng 10.000 hạt/năm. Cây mai dương có khả năng tái sinh, lan rộng cực kỳ lớn nếu không được kiểm soát thì sau 10 năm cây có thể phát triển thành 1.024ha. Hạt rất cứng, có sức sống cao, không nhất thiết phải trải qua thời kỳ ngủ nghỉ, dễ nẩy mầm nếu gặp điều kiện thích hợp hạt sẽ nảy mầm ngay. Cây có thể phát tán rộng bằng nhiều con đường như gió, nguồn nước, côn trùng, chim và động vật. Hạt mai dương phần lớn phân bố ở tầng đất mặt nên nguồn lây lan chủ yếu là nguồn hạt rụng tại chỗ. Hạt mai dương có thể giữ sức nẩy mầm đến 23 năm.

Cây mai dương khi phát triển mạnh, tạo thành một thảm cây bụi cao, đầy gai, làm cản trở việc đi lại của con người, động vật, súc vật chăn thả, đây là loại cây gây độc đối với nhiều loài động vật. Cây mai dương có sức sống mãnh liệt, hấp thụ rất nhanh các chất dinh dưỡng trong đất, làm cho đất nhanh chóng bạc màu... cùng với nguy cơ phá hoại, hủy diệt hệ thực vật, động vật trong vùng, do chứa chất Mirnosin - loại axit amin có thể gây độc với nhiều loài. Thân cây mai dương khi chết bị phân huỷ tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường..., cùng với những tầng gai góc đã làm cho các loài cây khác không thể phát triển được.

Cây mai dương phát triển nhanh ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng đất.
Cây mai dương phát triển nhanh ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng đất.

Xuất phát từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, cây mai dương đã nhanh chóng có mặt hầu khắp các vùng nhiệt đới toàn cầu và trở thành loài cỏ dại xâm hại nghiêm trọng ở châu Phi, châu Úc, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và nhiều đảo Thái Bình Dương. Ở Australia, chỉ trong vòng 50 năm, mai dương đã phát triển rộng khắp và thay thế hết 80.000ha thảm thực vật bản địa, làm suy thoái đa dạng sinh học, phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình canh tác nông nghiệp và sử dụng đất.

Ghi nhận ở Vườn quốc gia Tràm Chim cho thấy nhiều loài chim bị vướng vào các bụi mai dương đều bị chết. Ngay cả những loài động vật to lớn như trâu, bò khi vướng vào bụi mai dương cũng khó nhúc nhích, thậm chí là chết. Mỗi năm Vườn quốc gia Tràm Chim phải tốn kém trên 350 triệu đồng để đốn chặt và đốt bỏ, nhưng cây mới tiếp tục mọc lên từ hạt và gốc rễ dù chỉ là mẫu rễ nhỏ còn sót lại trong đất, sau các mùa nước ngập loài mai dương vẫn không chết, tiếp tục sinh sôi, nảy nở.

Hiện nay, ở tỉnh ta, cây mai dương đã có mặt ở khắp mọi nơi, từ các vùng rừng đồi hoang hóa, đến những vùng đồng bằng phì nhiêu. Chúng thường tập trung mọc ở trên các bờ kênh mương thủy lợi, ven bờ ruộng... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguy cơ xâm lấn đến diện tích đất trồng trọt. Bên cạnh đó, có một số người dân chưa hiểu rõ tác hại nên đã dùng cây làm hàng rào quanh nhà, quanh ruộng vườn để ngăn gia súc vào phá hại đã vô tình tiếp sức cho cây mai dương phát tán nhanh chóng trên diện rộng. Nhận thấy nguy cơ xâm hại của cây mai dương, vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức “Hội thảo khoa học tìm giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa, phòng trừ xâm hại của cây mai dương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” với sự tham gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Tại hội thảo khoa học này, nhiều giải pháp kỹ thuật tạm thời đã được đưa ra trong thời gian chờ hướng dẫn quy trình ngăn ngừa, phòng trừ tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với cây mai dương mọc đơn lẻ, tiến hành xử lý bằng biện pháp cơ học theo phương châm: Thấy đâu diệt đó và tiêu diệt từ cây con đến cây trưởng thành theo quy trình nhổ cây con, tổ chức thu hái hạt, chặt cây, đào hết gốc rễ, để khô và đốt, tuyệt đối không mang trồng hàng rào. Hạt phải được thu gom về một địa điểm xác định để đốt triệt để hoàn toàn, tránh rơi vãi, phát tán. Với cây mai dương mọc tập trung nhiều và dày thì chủ động sử dụng biện pháp thủ công, kết hợp một cách thận trọng việc dùng hóa chất diện hẹp có kiểm soát. Ở những khu đất trống, đồi trọc chưa được trồng trọt nên trồng các loài cây hòa thảo có sinh khối lớn như cỏ voi, cỏ mía,... để làm thức ăn cho gia súc và tạo thảm thực vật cạnh tranh với cây mai dương.

Việc tổ chức ngăn ngừa, phòng trừ tổng hợp sự xâm hại của cây mai dương cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, xong trước mùa mưa lũ trong nhiều năm liền với lao động chuyên trách có kinh nghiệm theo phương thức giao khoán, không nên tổ chức theo phong trào đoàn thể, hiệu quả có thể thấp, khả năng phát tán có thể rộng.

Với những giải pháp mang tính tạm thời trên phần nào sẽ ngăn chặn và dần loại trừ được loại cây ngoại lai có hại này từ đó thiết lập lại thế cân bằng cho những thảm thực vật có ích phát triển.

TS. Nguyễn Đức Lý (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ)