.

Chuyện "nuôi gà thả vườn" ở Nam Hóa

Thứ Ba, 25/11/2014, 08:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm mục đích hỗ trợ chị em phụ nữ các vùng khó khăn vươn lên thoát nghèo, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ “Chăn nuôi gà thịt và gà sinh sản với giống gà địa phương bằng phương pháp bán chăn thả (nuôi gà thả vườn)” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì đã được triển khai tại 10 hộ gia đình ở 3 thôn Đồng Tâm, Đồng Lực và Hà Nam (Nam Hóa, Tuyên Hóa). Mô hình có kinh phí thực hiện hơn 245 triệu đồng và sau khi kết thúc vào tháng 7-2014 đã tiếp tục được các hộ gia đình nhân rộng quy mô, nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm gà thịt, gà sinh sản.

Xã Nam Hóa là một xã miền núi rẻo cao, diện tích gò đồi lớn, rất thích hợp cho nuôi gà thả vườn và cũng từ lâu các hộ gia đình đã quen thuộc với hình thức chăn nuôi này. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi thường nhỏ lẻ, manh mún, tiêu thụ trong gia đình hoặc chỉ bán cho khách hàng thân quen.

Bên cạnh đó, phương pháp chăn nuôi chủ yếu là thả tự do, ít đầu tư thâm canh, công tác phòng trừ dịch bệnh không chu đáo, cho nên, dịch bệnh diễn ra thường xuyên, khả năng rủi ro cao, khiến chăn nuôi gà không phát triển mạnh.

Nuôi gà theo hướng thả vườn là phương thức nuôi bán thâm canh, sau khi gà ăn no thì thả ra khoảng vườn đã được vây lưới để chúng tự do vận động với ưu thế về thời gian, công và vốn, chất lượng thịt gà ngon, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Chính vì vậy, sử dụng phương pháp bán chăn thả đối với giống gà địa phương là rất phù hợp với địa bàn xã Nam Hóa, kết hợp nguồn thức ăn hỗn hợp được hỗ trợ, như: cám, sắn, ngô và các loại rau, thân cây chuối, thức ăn tự tạo (giun, mối...). Mô hình hướng tới mục tiêu trang bị kiến thức cho phụ nữ nghèo về các kỹ thuật chăn nuôi để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ thất nghiệp và giải quyết những khó khăn trong chăn nuôi hiện nay.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tính hiệu quả của mô hình nuôi gà thả vườn ở Nam Hóa (Tuyên Hóa).
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tính hiệu quả của mô hình nuôi gà thả vườn ở Nam Hóa (Tuyên Hóa).

Mô hình được xây dựng bước đầu với quy mô 1.000 con cho 10 hộ (100 con/hộ), trong đó, 5 hộ nuôi theo hướng chuyên thịt và 5 hộ nuôi theo hướng sinh sản (1 hộ được trang bị máy ấp trứng). Các hộ được chọn phải là hộ phụ nữ điển hình, nhiệt tình có tâm huyết và là hội viên Hội Phụ nữ xã Nam Hóa; là hộ nghèo và có đủ điều kiện, ý thức vươn lên thoát nghèo, có ý thức bảo vệ môi trường; phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu hướng dẫn của cán bộ theo dõi chỉ đạo và quản lý mô hình, trung thực trong báo cáo kết quả mô hình. Các hộ tham gia hưởng lợi từ mô hình phải có cam kết thực hiện mô hình theo đúng yêu cầu, nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ phải trả lại vốn theo quy định.

Chị em phụ nữ tham gia mô hình được tập huấn các kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn với các khâu: úm gà, chăm sóc gà trong từng giai đoạn, thức ăn và chế độ ăn của gà, công tác phòng trừ dịch bệnh... Trong suốt quá trình nuôi, chị em tiếp tục được hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật chuyên môn, kịp thời được giải đáp các thắc mắc nảy sinh.

Kết quả mang lại rất khả quan, đối  với gà thịt, tỷ lệ sống đến 21 ngày tuổi là 86,8%, trọng lượng gà lúc 21 ngày tuổi trung bình đạt 0,18kg/con, tỷ lệ nuôi sống sau 20 tuần tuổi đạt trên 81% với trọng lượng bình quân từ 1,3-1,4 kg/con. Đối với gà sinh sản, tổng số trứng trong 3 tháng là hơn 2.000 quả. Qua 2 lần ấp trứng cho thấy tỷ lệ trứng có phôi của gà khá cao đạt 94,5%, tỷ lệ gà nở đạt 90%.

Theo chị Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Hóa, chăn nuôi gà thịt thả vườn đưa lại hiệu quả kinh tế ổn định. Hộ nuôi gà thịt thu lãi trung bình hơn 1,2 triệu đồng/tháng/hộ, hộ nuôi gà sinh sản thu lãi trung bình gần 1 triệu đồng/tháng/hộ. Mô hình góp phần tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ những lúc nông nhàn, từng bước giúp chị em có cuộc sống ổn định vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, mô hình tạo sự gắn kết trong chị em phụ nữ, cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi gà thả vườn, cùng nhau nâng cao chất lượng cuộc sống. Sau khi mô hình kết thúc, chị em tiếp tục nhân rộng thêm 7 hộ gia đình, nâng tổng đàn lên hơn 1.700 con.

Trong thời gian tới, chị em mong muốn được tiếp tục hỗ trợ, tư vấn thêm về kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn và xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định hơn, tránh sự bấp bênh về giá cả theo thời điểm như hiện nay. Đồng thời, cần có sự lồng ghép với các chương trình hỗ trợ khác trên địa bàn để tạo thêm cơ hội nhân rộng mô hình. Có như vậy, việc phát triển thương hiệu gà cỏ Nam Hóa mới sớm trở thành hiện thực.

M.N