.

Từ điển điện tử phương ngữ Bru Vân Kiều-Việt: Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn văn hóa

Thứ Tư, 22/10/2014, 10:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Vừa qua, đề tài “Nghiên cứu, xây dựng từ điển điện tử phương ngữ Bru Vân Kiều-Việt” của Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) đã được Hội đồng đánh giá đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh xếp loại xuất sắc.

Với những tính mới, tính sáng tạo, đề tài nghiên cứu đã khẳng định nỗ lực vượt bậc của tỉnh ta trong việc vận dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin vào công tác phát triển, lưu giữ ngôn ngữ, bảo tồn văn hóa dân tộc, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Đây là từ điển điện tử phương ngữ Bru Vân Kiều-Việt đầu tiên của tỉnh ta và mở ra nhiều cơ hội mới cho quá trình bảo tồn, phát huy giá trị của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh.

Tính cấp thiết của đề tài đã cho thấy rõ, trong những năm qua, đã có nhiều công trình nghiên cứu về tiếng Bru Vân Kiều, nhưng vẫn chưa có một bộ từ điển điện tử nào được xây dựng. Trong khi đó, nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ và nhân dân trên địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình lại rất lớn. Việc học thông qua từ điển giấy vừa bất tiện, tốn kém, vừa không mang tính trực quan sinh động (không có hình ảnh minh họa, phát âm...), gây khó khăn cho những ai muốn tự học. Chính vì vậy, sự ra đời của từ điển điện tử phương ngữ Bru Vân Kiều-Việt cho phép tra chéo giữa tiếng Việt và tiếng Bru Vân Kiều là rất cần thiết. Đối tượng được hướng đến là cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh, những ai có nhu cầu nghiên cứu, tra cứu và học tập.

Các trường phổ thông dân tộc nội trú sẽ là một trong những đối tượng hướng đến đầu tiên của từ điển điện tử phương ngữ Bru Vân Kiều-Việt
           Các trường phổ thông dân tộc nội trú sẽ là một trong những đối tượng hướng đến đầu tiên của từ điển điện tử         phương ngữ Bru Vân Kiều-Việt

Để thực hiện đề tài, Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan, như: Sở Giáo dục-Đào tạo Quảng Trị, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Trị, Sở Nội vụ Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ địa phương và thực hiện nhiều chuyến thực địa cơ sở đến các làng của người Bru Vân Kiều để thu thập tài liệu về ngôn ngữ, hình ảnh...

Qua quá trình thu thập, nghiên cứu, biên dịch, đề tài đã tạo lập được bộ dữ liệu từ ngữ Bru Vân Kiều-Việt với hơn 2.000 từ. Mỗi từ gồm các nội dung: từ loại, nghĩa tiếng Việt, ví dụ minh họa (cả tiếng Việt và Bru Vân Kiều) và ngược lại. Tất cả các từ Bru Vân Kiều-Việt trong bộ từ điển đều được phát âm cả tiếng Việt và tiếng Bru Vân Kiều. Mỗi từ được đọc và ghi âm theo định dạng file chuẩn mp3 128 kbps.

Trên máy tính đơn, phần mềm từ điển điện tử được xây dựng, phát triển trên nền Microsoft dotNet, có thể chạy trên nền Windows 2000, Window XP và Window Vista, Win 7. Phần mềm bao gồm bộ từ điển Bru Vân Kiều-Việt và Việt-Bru Vân Kiều, hình ảnh minh họa các từ vựng và các chức năng: tìm kiếm, thêm từ, sửa từ, nhập từ mới, xóa từ. Ngoài chức năng cơ bản là tra cứu các dữ liệu sẵn có, từ điển được thiết kế linh động để có thể cập nhật, xóa, sửa từ ngữ nhằm giúp cho người dùng cài đặt trên máy tính cá nhân có thể chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu sử dụng.

Đề tài nghiên cứu về từ điển điện tử phương ngữ Bru Vân Kiều-Việt được đánh giá mang lại tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Kết quả đề tài sẽ được chuyển giao đến các trường phổ thông dân tộc nội trú, Sở Nội vụ, cán bộ có nhu cầu học tập tiếng Bru Vân Kiều, đặc biệt là đối với người Bru Vân Kiều muốn học tiếng Việt. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ngành, các cơ quan để đưa từ điển vào công tác giảng dạy, học tập là rất cần thiết. Bên cạnh đó, mặc dù bộ từ điển được cài đặt trên máy tính cá nhân gọn nhẹ, tra cứu nhanh chóng, thuận tiện, nhưng để tận dụng tối đa các lợi ích do Internet mang lại, vẫn rất cần có kế hoạch nâng cấp, phát triển ứng dụng dưới dạng web trên Internet và tích hợp làm phong phú thêm kho dữ liệu về từ vựng, hình ảnh, âm thanh, video...” cũng như tăng cường tính quảng bá, mở rộng đối tượng sử dụng.

P.V