.

Phát hiện nhiều động vật tưởng đã tuyệt chủng ở Thanh Hóa

Thứ Hai, 06/10/2014, 09:51 [GMT+7]

Hàng chục loài động, thực vật nằm trong danh sách đỏ thế giới như loài mang Roosevelt, tắc kè chân vịt, dẻ tùng sọc trắng... vừa được phát hiện đang sống trong rừng ở Thanh Hóa.

Sau 2 năm triển khai (từ tháng 9-2012 đến tháng 9-2014) dự án “Điều tra, lập danh lục khu hệ động, thực vật rừng tại Vườn quốc gia Bến En (huyện Như Thanh), Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân), Pù Hu (huyện Mường Lát và Quan Hóa), Pù Luông (huyện Bá Thước và Quan Hóa), các nhà khoa học đã phát hiện thêm gần 1.000 loài động, thực vật quý hiếm.

Phát hiện nhiều động vật tưởng đã tuyệt chủng ở Thanh Hóa
Loài mang Rooseveltorum, được coi đã tuyệt chủng từ năm 1929, vừa dược tìm thấy ở Thanh Hóa

Trong đó có hàng chục loài động, thực vật thuộc danh lục sách đỏ thế giới như loài mang Rooseveltorum (đây là loài động vật được coi đã tuyệt chủng từ năm 1929), tắc kè chân vịt, rắn hổ đất nâu, thằn lằn tai lõm, dẻ tùng sọc trắng...

Cụ thể, qua điều tra, tại Vườn quốc gia Bến En ghi nhận thêm 90 loài thực vật, 30 loài lớp cá, 215 loài côn trùng, 16 loài chim, 11 loài thú, 16 loài lưỡng cư và 13 loài bò sát…

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, các nhà khoa học ghi nhận thêm thông tin của 402 loài thực vật, 25 loài thú, 56 loài chim, 14 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư…

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông ghi nhận thêm 20 loài cá, 98 loài côn trùng, 13 loài thú…

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu ghi nhận thêm 18 loài lưỡng cư, 25 loài bò sát, 25 loài chim, 14 loài thú…

Sau 2 năm, các nhà khoa học cũng đã xác định được tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia kể trên có gần 8.000 loài động, thực vật sinh sống. Trong đó, có 1.211 loài động, thực vật nằm trong danh lục Sách Đỏ thế giới và 324 loài nằm trong danh lục Sách Đỏ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra có trên 900 loài động, thực vật từng được ghi nhận tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia kể trên lại không được tìm thấy.

Việc phát hiện thêm nhiều loài động, thực vật quý hiếm giúp các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu về các loài, chi, cá thể, bảo tồn nguồn gen quý hiếm và có được cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học.

Đây cũng là cơ sở để các ban quản lý rừng đặc dụng, các đơn vị liên quan tiến hành đồng bộ các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu khoa học.

Tháng 9-2013, các nhà nghiên cứu vừa chụp ảnh một cá thể Sao La (còn gọi là Kỳ lân châu Á), thuộc nhóm những loài động vật quý hiếm nhất trên trái đất, trong một khu rừng trên dãy Trường Sơn. Đây là loài động vật sắp tuyệt chủng, được xếp vào danh mục những loài động vật cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của thế giới và Sách Đỏ của Việt Nam.

Trước đó, ngày 18-12-2012, một số người dân tại thôn 1, xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) đã thấy 3 cá thể động vật hoang dã vào lúc chập tối. Trong đó, 2 cá thể lớn cao khoảng 80cm (một cá thể bị thương ở chân) và 1 cá thể nhỏ cao khoảng 30cm.

Các con thú này có đầu giống loài mèo, lông nền màu vàng và có các vằn (đốm) màu đen. Ngày 9-1-2013, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã xác định được các cá thể động vật hoang dã này chính là loài báo hoa mai quý hiếm, cần được bảo vệ.

Báo hoa mai (tên khoa học là Panthera Pardus) là loài thú thuộc họ mèo, được xếp vào nhóm I thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm, cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Theo Hà Anh (Chinhphu.vn) (tổng hợp)