.

Bố vợ với chàng rể

Thứ Bảy, 02/01/2016, 08:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Thuở ấy làng tôi có một thầy đồ rất vui tính. Thấy bà đồ chỉ sinh toàn con gái, nhiều người khuyên ông lấy vợ hai, ông gạt phắt:

- Chẳng cần, ta chỉ mong kiếm được bọn tế tử cho ngon lành mà thôi.

Đúng là mơ được ước thấy, sau này lớn lên, đám con gái ông, cô nào cũng vớ được những đức lang quân hết chê. Đặc biệt là chàng rể cả thì chẳng những quá ngon lành, mà còn rất hợp tính bố vợ, nên được cụ đồ còn quí hơn cả con đẻ. Những lúc thư nhàn cụ đồ thường kèm chàng rể đi chơi, rồi họ cùng xướng họa, cùng thách nhau đối đáp như một đôi bạn chí thân. Nhiều bài thơ, nhiều câu đối của họ đến nay ở làng tôi còn nhiều người thuộc và xem đó như những tài sản tinh thần riêng của quê hương mình.

Dưới đây, xin nêu vài ví dụ. Một hôm, cụ đồ bắt được một con ba ba. Sau khi giết thịt, đem hầm xong, cụ đồ cho mời chàng rể cả đến uống rượu. Mặc cho người nhà bố vợ giục đi giục lại mãi, chàng ta vẫn dềnh dàng "cứ đợi một lúc cho ba ba chín đã nào".

Ở nhà, chờ mãi nóng ruột, ông bố vợ thân hành đi tìm chàng rể. Đến nơi, thấy chàng rể đang nằm khểnh đọc thơ, cụ đồ chẳng những không giận mà cười tít mắt:

- Đã thế-cụ nói-ta phải phạt anh bằng một vế đối thật hóc búa mới được.

Anh con rể cũng cười:

- Dạ, thầy phạt thì con đành chịu, chứ biết làm sao bây giờ!

- Vế đối thế này “Hầm ba ba đã chín”. Nào đối đi. Cụ đồ đắc chí vuốt râu cười lớn. Phải lấy việc thật xảy ra quanh đây mà đối, không được lấy chuyện Tề, Sở đâu cả, nghe chưa?

Quả tình, đây là một vế ra rất khó đối. Mấy chữ ba ba và chín, thoạt nghe thì thấy bình thường, nhưng lại rất rắc rối. Bởi lẽ ba ba ngoài cái nghĩa "con ba ba" nó còn có nghĩa khác nữa là "ba lần ba" là chín. Chín ngoài nghĩa "sống, chín" còn là tên con số 9. như vậy câu trên ngoài nghĩa "thịt con ba ba hầm đã chín" còn một nghĩa nữa là “ba lần ba bằng chín” oái oăm thay là vế đối bắt buộc phải tuân thủ quy tắc: "Lấy việc xảy ra quanh đây mà đối".

Trong lúc chàng rể cả đang vò đầâu bứt tai đi lại quanh sân để tìm ý, thì may sao, có một chiếc xe bò chở đầy cát đi qua. Nhờ đó anh ta có ngay vế đối và xin phép đọc:

- Xúc cát cát đầy xe.

Trong vế đối, mấy chữ "cát cát" và "xe" được dùng rất thông minh. "Cát" ngoài nghĩa "hạt cát" nó còn có nghĩa nữa là con số 4, vì tiếng Pháp "cát" (quatre) là số bốn. Chữ xe, ngoài nghĩa "chiếc xe" nó còn có nghĩa khác là con số 16, vì tiếng Pháp "xe" (seize) là số 16.

Bằng vế đối tài hoa đó, dĩ nhiên chàng rể cả càng được ông bố vợ quý như vàng.

Một lần khác...

Sau khi cạy cục làm xong cái chuồng gà, chàng rể cả ngắm đi ngắm lại với vẻ mãn nguyện, thì vừa lúc đó cụ đồ sang chơi. Chẳng hiểu cụ đồ có chuẩn bị trước hay không mà thoắt giáp mặt chàng rể, cụ đã ra một vế thách đối:

- Chuồng gà kê áp chuồng vịt.

Cái lắt léo ở câu này chủ yếu nằm ở hai chữ "kê" và "áp". "kê" vừa có nghĩa "chêm cho cao lên" lại vừa có nghĩa là "con gà", vì chữ Hán “kê” là gà "áp" vừa có nghĩa là “dựa kề” vừa có nghĩa “con vịt”, vì chữ Hán “áp” là "vịt".

Tuy nhiên chàng rể cả lại rất có sở trường về "chơi chữ" nên đã nghĩ ra ngay được vế đối:

Chú chuột ra bớp chú bò.

Thế là bố vợ chơi bằng chữ Tàu, còn chàng rể thì chơi bằng chữ Tây.

Chữ "ra" ngoài nghĩa "ra vào" còn có nghĩa là "con chuột", vì tiếng Pháp "lơ ra" (le rat) là "chuột", chữ "bớp" ngoài nghĩa "bạt tai" còn có nghĩa khác nữa là "con bò" vì tiếng Pháp "lơ bớp" (le boeuf) là "con bò".

Lại một lần nữa chàng rể cả làm cho cụ đồ phục sát đất.

Hoàng Bình Trọng