.

Phong Nha-Kẻ Bàng, di sản ngoại hạng của Việt Nam

Thứ Sáu, 07/08/2015, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - UNESCO thế giới đã nhất trí thông qua việc công nhận di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai đối với Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình). Lần đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, một di sản nhân loại về tự nhiên đạt đến 3 tiêu chí. Các nhà khoa học ngỡ ngàng trước những giá trị ngoại hạng của PNKB, những thành viên khó tính nhất trong Ủy ban di sản thế giới cũng đều tự hào bỏ lá phiếu thông qua.

Thực vật sống trên núi đá vôi không có đất. Ảnh: Minh Phong
Thực vật sống trên núi đá vôi không có đất. Ảnh: Minh Phong

Giá trị ngoại hạng

Hai tiêu chí mới được UNESCO công nhận gồm Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) là ví dụ nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn. PN-KB sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học. Năm 2003 là giá trị địa mạo, địa chất được cả thế giới đón nhận khi  UNESCO vinh danh trên toàn cầu.

Nay, thế giới chào đón PN-KB với hai tiêu chí mới khiến các nhà bảo tồn thế giới nức lòng bởi các giá trị về đa dạng sinh học được bảo tồn tốt đến mức khó tin. Năm 2013, một nhóm chuyên gia của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN đi kiểm tra hồ sơ PN-KB đã phải thốt lên: “Các khu rừng trên núi đá vôi được bảo vệ tốt đến mức cần khuyến cáo cho các vườn quốc gia khác xem xét như là tấm gương để áp dụng”.

Và những chuyên gia khó tính nhất được UNESCO cử đi thẩm định thực tế tại PN-KB đã đặt bút ký vào hồ sơ đệ trình lên Ủy ban di sản thế giới rằng: “Vườn quốc gia PN-KB có rừng nhiệt đới ẩm tương đối nguyên vẹn trên núi đá vôi với độ che phủ chiếm 94%, trong đó 84% là rừng nguyên sinh. Vườn có trên 2.934 loài thực vật bậc cao có mạch và hơn 800 loài động vật có xương sống, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ của thế giới. Một số không có ở nơi nào khác. Mức độ đặc hữu ở khu vực này cao đến khó tin, hơn 400 loài thực vật của Việt Nam và 38 loài động vật của dãy Trường Sơn. Có nhiều loài mới được ghi nhận”.

Tiến  sĩ người Đức, Theo Pagel nhận xét: “PN-KB là một trong những nơi trú ẩn cuối cùng cho một số lượng động vật thậm chí các loài có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam”. Tiến sĩ Martina Vort, người từng có 5 năm nghiên cứu linh trưởng voọc gáy trắng ở đây khi biết một lần nữa PN-KB được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới với 2 tiêu chí, bà thốt lên: “Nếu PN-KB không giữ tốt như hôm nay thì giới khoa học sẽ không có các phát hiện, nghiên cứu tốt ở đây. Bên trong Vườn quốc gia này là các giá trị ngoại hạng mà thế giới chưa từng biết đến đầy đủ”.

Tiến sĩ chuyên nghiên cứu bò sát lưỡng cư, Thomas Ziegler từng đặt chân đến nghiên cứu đã nói: “Rừng nguyên sinh chiếm 84% diện tích PN-KB quả là một sự ngoại hạng. Các khu rừng thường đã bị tác động lớn, nhưng ở đây nó còn nguyên sinh, nghĩa là mọi thứ còn được nguyên vẹn tương đối. Nó là giá trị toàn cầu không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế giới. Nó tạo ra các bất ngờ cho giới nghiên cứu về gen của các loài trên thế giới. Nó là sự bí ẩn khó có khu vườn quốc gia thứ hai có thể so sánh”.

Voọc Hà Tĩnh, loài linh trưởng quý hiếm toàn cầu hiện chỉ còn sống ngoài tự nhiên ở Quảng Bình, một phần nhỏ ở Lào và Quảng Trị. Ảnh: tư liệu
Voọc Hà Tĩnh, loài linh trưởng quý hiếm toàn cầu hiện chỉ còn sống ngoài tự nhiên ở Quảng Bình, một phần nhỏ ở Lào và Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu

Dẫn đầu các vườn quốc gia

Trong một báo cáo khoa học gửi đến các chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu động vật, tiến sĩ Theo Pagel nhấn mạnh: “PN-KB là nơi có mật độ lớn nhất về các loài linh trưởng khác nhau trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Có 10 loài đã được ghi nhận: Cu li lớn (Nycticebus coucang), Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus), Khỉ đuôi lợn (Macaca nemestrina), Khỉ mốc (Macaca assamensis), Khỉ vàng (Macaca mulatta), Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), Voọc đen tuyền (Trachypithecus laotum ebenus), Voọc Hà Tĩnh (Trachypithecus laotum hathinhensis), Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) và Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys).

Có một số lượng loài mới đối với khoa học và mới chỉ được mô tả vào thập kỷ trước chẳng hạn như loài động vật có vú nhỏ Thỏ vằn (Nesolagus timminsii). Không có bất cứ vườn quốc gia hoặc khu bảo tồn nào ở Việt Nam có số lượng 10 loài linh trưởng như ở đây”.

Nơi đây cũng được biết đến là một trong 200 vườn chim quan trọng toàn cầu và là thiên đường của các nhà khoa học. IUCN cũng bước đầu xác định khu hệ chim có 302 loài thuộc 57 họ và 18 bộ, trong đó có 15 loài đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 19 loài cần được bảo vệ ở mức độ toàn cầu như Niệc cổ hung, Gà lôi mào trắng, Gà lôi lam đuôi trắng, Giẻ cùi vàng, Khướu mun đá...

Về khu hệ cá, tiến sĩ Nguyễn Thái Tự nói là độc nhất vô nhị: “So sánh với nhiều khu bảo tồn khác của Việt Nam, khu hệ cá PN-KB có số loài nhiều nhất, 72 loài thuộc 23 họ và 11 bộ, trong khi đó Vườn quốc gia Bạch Mã có 33 loài, Vườn quốc gia Ba Bể 42 loài, khu Vũ Quang có 58 loài, Pù Mát 54 loài. 

Sự phong phú của các loài cá có nguyên nhân ở chỗ PN-KB có địa hình phức tạp, nhiều sông suối bị cách ly và nhiều sinh cảnh, do đó ở đây có cả các loài cá sông suối, cá vùng núi cao, cá đồng bằng và cả 19 loài cá từ biển di nhập vào. Có 4 loài cá đặc hữu hẹp chỉ gặp ở PN-KB và vùng lân cận là cá dầy (Cyprinus centralus), cá gáy hoa (Cyprinus sp), cá Phong Nha (Chela quangbinhensis) và cá nghét (Hemibagrus vietnamensis). Tại đây cũng mới phát hiện 1 loài mới gặp ở Việt Nam là Hemimyzon sinensis và 1 loài mới cho khoa học là Chela quangbinhensis”.

Báo lửa, loài trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Ảnh: Tư liệu
Báo lửa, loài trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Ảnh: Tư liệu

Ủy ban UNESCO Việt Nam từng giới thiệu khu hệ bướm với các nhà bảo tồn quốc tế rằng: “Nghiên cứu bước đầu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã ghi nhận hơn 300 loài bướm thuộc 11 họ. Hầu hết các nhóm bướm ở Việt Nam đều có mặt ở vùng này với số loài chiếm tới 1/4-1/5 tổng số loài bướm của Việt Nam”.

Ngoại hạng sinh thái hang động và bò sát lưỡng cư

Tiến sĩ Phạm Đình Sắc (Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật Việt Nam) cùng cộng sự thực hiện điều tra đa dạng sinh học ở các hang động tại đây đã công bố bước đầu 58 loài động vật không xương sống thuộc 7 lớp, 22 bộ ở 21 hang động.

Trong 58 loài này, có nhiều loài mới lần đầu được công bố, gây sửng sốt đối với giới nghiên cứu động vật không xương sống. Trong khi đó, các nhà khoa học đã tìm kiếm trong hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng (Quảng Bình) hơn 200 loài thực vật, chúng tạo thành hai khu rừng trong hang động khiến giới nghiên cứu ngỡ ngàng. Bên trong các hang động còn có một số loài cá, dơi... sống bằng môi trường yếm sáng, mắt không nhìn được nhưng giác quan khác lại vô cùng nhạy bén.

Tiến sĩ Thomas Ziegler cũng đã hoàn thành công bố của mình về 150 loài bò sát lưỡng cư. Ông đánh giá không có vườn quốc gia nào hoặc khu bảo tồn nào ở Việt Nam có thể so sánh bằng PN-KB về bò sát lưỡng cư, trong đó có 9 loài loài hoàn toàn mới cho khoa học. Ông cùng với đồng nghiệp của mình là nhà nghiên cứu Hendrix cũng khẳng định: “Đối với bộ không đuôi, theo như những mô hình phân bố không đều gần đây nhất, thì có tới 40 loài không đuôi phân bố trong khu vực nhưng chưa được ghi nhận tính tới thời điểm hiện tại ở PN-KB. Chúng là loài mới cần nghiên cứu sâu hơn trong tương lai”.

Giới bảo tồn quốc tế đã có hơn 2000 lượt người tìm đến PN-KB để nghiên cứu và đều thống nhất quan điểm đây là một di sản thiên nhiên hiếm có trên toàn thế giới. Từ động vật to lớn như voi, hổ, bò tót đến nhỏ bé như tắc kè Phong Nha, hay cá sống trong hang động... đều được ghi nhận và chứng thực trong toàn bộ danh lục gửi lên ủy ban Di sản thế giới. PN-KB cũng được IUCN chứng nhận là bảo vệ tốt nên mới được UNESCO vinh danh với hai tiêu chí mới và trong tương lai các nhà khoa học tiếp tục dấn thân để công bố những “bí mật” đang ẩn dấu bên trong di sản độc đáo, ngoại hạng này của Việt Nam.

Minh Phong