.

Từ xóm Câu-Động Hải đến thành phố Đồng Hới

Thứ Sáu, 15/08/2014, 15:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Nguồn gốc của thành phố Đồng Hới hiện nay là Xóm Câu, do những ngư dân huỵên Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá di cư vào cách đây khoảng 350-400 năm.

Từ Xóm Câu nhỏ bé dần dần phát triển rộng lớn thành làng Động Hải, lấy tên địa danh gốc của họ ở Thanh Hoá (trong các văn tự của làng này vẫn viết là Động Hải Thôn, nghĩa là "Biển sâu" (Chữ Hán thì chữ "Động" gồm chữ "Đồng" có bộ "Thuỷ") bao gồm địa phận tiểu khu I, phường Hải Đình hiện nay. Tuy nhiên từ khi chiến tranh leo thang của giặc Mỹ (1965), họ phải sơ tán ra Hải Thành, gần cửa biển Nhật Lệ, nay là tiểu khu Đồng Hải, phường Hải Thành và không được trở về đất cũ của mình được nữa.

Xét về tên Đồng Hới hiện nay thì: từ "Động" dân gian gọi lâu ngày thành ra "nhẹ" đi thành "Đồng". Khi thực dân Pháp sang xâm lược Đồng Hải (1885), họ không nói được từ "Đồng Hải" nên gọi thành "Đông gơi" (do chữ H trong tiếng Pháp bị "câm") và từ đó người ta quen gọi là "Đồng Hới". Tuy nhiên trong các văn bản chữ Hán của làng cũ này vẫn viết là "Động Hải thôn".

Từ khi người Pháp sang, kinh tế của Đồng Hới được phát triển theo cơ chế tư bản phương Tây nên ngày một thịnh vượng, văn minh. Xung quanh làng Động Hải có các làng Kiên Bính, Hướng Dương, Tiền Thiệp, Thạch Luỹ, Phú Ninh, Lệ Mỹ (Tam Toà hiện nay). Địa phận thành cổ Động Hải tuy ở cách làng Động Hải nhưng vẫn cứ lấy tên đó.

Năm 1939, chính quyền Pháp bắt triều đình Huế cho cắt các làng nói trên vào Đồng Hới, nâng cấp thành đô thị và gọi là thị xã Đồng Hới. Tổ chức này có tính hỗn hợp giữa Pháp và Việt. Trong 7 làng đó chia ra 4 phường:

1. Phường Đồng Hải gồm: làng Đồng Hải  và  một  xóm  nhỏ  ở cửa Nhật Lệ gọi là Đồng Thành.
2. Phường Đồng Đình gồm làng Tiền Thiệp, Thạch Luỹ, Hướng Dương, Kiên Bính (nay là tiểu khu I và II, phường Hải Đình)
3. Phường Đồng Phú gồm toàn bộ làng Phú Ninh.
4. Phường Đồng Mỹ gồm họ giáo Tam Toà và làng Lệ Mỹ.

Bên cầu Nhật Lệ. (Ảnh: T.H)
Bên cầu Nhật Lệ. (Ảnh: T.H)

Đồng Hới từ đó trở thành tỉnh lỵ của Quảng Bình, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của tỉnh. Trải qua các giai đoạn chiến tranh,  Đồng  Hới  bị  xâm  lược, bị tàn phá rồi sau hoà bình lập lại là thời kỳ nhập tỉnh, Đồng Hới như bị lãng quên (1976-1989), phường Đồng Hải và Đồng Đình trở thành vùng đất hoang, nhân dân sơ tán đi mọi nơi như Cộn (Đồng Sơn), Thuận Đức, Hải Thành. Tháng 7 năm 1989, chia tách tỉnh Bình Trị Thiên, Đồng Hới lại được hồi sinh, vùng đất Đồng Hải và Đồng Đình được quy hoạch cho dân ở, các cơ quan cấp tỉnh, thị xã. Từ đó Đồng Hới ngày một phát triển mạnh với đầy đủ mọi mặt của một đô thị mới.

Đồng Hới có Biển Đông phong phú hải sản, có đất đai, ruộng đồng cho nông nghiệp trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp, có sông Nhật Lệ thơ mộng và huyền thoại, có Bàu Tró có huyền thoại hấp dẫn, nhiều di chỉ khảo cổ học, là văn hoá Bàu Tró, cách đây hơn 4.000 năm, sánh ngang với văn hoá Sa Huỳnh, Bắc Sơn.

Bàu Tró là một bàu khá lớn, là nguồn nước ngọt chất lượng rất quý giá, cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố, có đất ngập mặn để nuôi trồng thuỷ sản, làm muối, có những di tích lịch sử-văn hoá cấp Quốc gia (hệ thống Luỹ Thầy-Đào Duy Từ, Quảng Bình Quan, Thành cổ), có những di tích lịch sử-văn hoá khác như các đình, chùa, lăng, miếu có gái trị như: đình làng Động Hải, đình làng Trung Bính, Hà Thôn, lăng bà Ngư, lăng Cá Voi Sa Động, chùa Linh Quang,...

Không những thế, Đồng Hới lại ở gần núi rừng dễ dàng vận chuyển các khoáng sản, lâm sản, nguyên vật liệu từ rừng núi về, có các mỏ sét, caolin, cát xây dựng thuận lợi cho sự phát triển của thành phố, có hồ nhân tạo Phú Vinh cung cấp nước cho nông nghiệp và sinh hoạt. Về tài nguyên nước, bên cạnh các bàu, hồ thì nước ngầm cũng rất phong phú, đảm bảo chất lượng sinh hoạt, nhất là nước trong tầng đất mỏ Kaolin Lộc Ninh (ngành địa chất gọi là mỏ Bắc Lý),...

Về mặt giao thông, thì Đồng Hới cũng rất thuận tiện: đường sắt Bắc-Nam chạy qua trung tâm thành phố, đường Quốc lộ số 1 chạy qua phía đông, đường Hồ Chí Minh chạy qua phía tây thành phố, cảng Đồng Hới trước đây sâu, đón được tàu 1-2 nghìn tấn, nay bị cạn đi, chỉ đón được tàu 100 tấn. Thời Pháp, có sân bay Lộc Ninh (sân bay Đồng Hới) cho máy bay dân dụng loại nhỏ, qua một thời gian do chiến tranh bị ngừng hoạt động, năm 2008 được khôi phục và nâng cấp lại cho máy bay dân dụng loại vừa, rất thuận tiện cho người dân đi lại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.

Đồng Hới lại ở gần Vườn Quốc Gia Phong Nha-Kẻ Bàng-Di sản thiên nhiên thế giới, có những bãi tắm biển sạch đẹp, là trung tâm du lịch của Quảng Bình. Thật là một thành phố có đủ các mặt tài nguyên, giao thông thuỷ bộ.

Về mặt văn hoá tâm linh, Đồng Hới có lễ hội Lục niên cạnh độ (bơi trải 6 năm một lần), tiến hành nhiều ngày, phần lễ rất long trọng, tâm linh, hiện nay là hội trải mồng 2 tháng 9 hàng năm. Lễ hội cầu mùa (cầu ngư) vào dịp rằm tháng tư ở các làng ven biển: Bảo Ninh, Hải Thành, Quang Phú. Lễ hội Cầu mùa làng Sa Động trước đây tiến hành ba đêm liền trước lăng thờ cá voi (bộ xương rất lớn) với hội chèo cạn, múa bông (hoa đăng) rất có ý nghĩa, đậm đà màu sắc địa phương. Bộ xương này do làng đưa được cá voi ở cửa Nhật Lệ vào bến sông từ hơn 100 năm nay, tuy nhiên năm 1973, Bảo tàng Hải Dương Học đã mượn ra Hải Phòng để trưng bày rồi từ đó họ không trả lại.

Ngày 16-8-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Đồng Hới là Đô thị loại III. Ngày 30-7-2014, Thủ tướng lại ký quyết định công nhận Đồng Hới là Đô thị loại II. Ngày 16-8-2014, Thành phố kỷ niệm 10 năm lên Đô thị loại III và đón nhận danh hiệu Đô thị loại II. Thiết nghĩ nên lồng vào kỷ niệm 75 năm lên cấp Đô thị  (Thị xã - từ năm 1939). Còn về thời gian địa danh này có tên Động Hải (tức Đồng Hới) thì chưa xác định được.

Ngọc Hiên Hiên