.

Làng cát bền dai - Bài 1: Chuyện bên chân sóng

Thứ Sáu, 27/06/2014, 16:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Ấy là làng Hải Ninh (Quảng Ninh). Xưa gọi làng, nay là xã với những thôn mảnh dài trên cát. Dân số khoảng 5.000 người. Một vùng cát biệt lập với hơn 350 năm dựng làng. Trong các cuộc vệ quốc từ xa xưa của những bậc anh minh đều có người theo nghiệp đánh giặc. Cuộc chiến gần đây nhất của năm 1979 bảo vệ biên giới phía Bắc cũng có con em của làng cát này góp công sức, xương máu. Trận chiến bảo vệ Gạc Ma năm 1988 cũng có 2 người con ưu tú hy sinh cho đến nay chưa tìm được xác, những người bọ người mạ đã già rồi vẫn chờ con bên bờ biển Đông.

 

Người Hải Ninh hương khói trước khi ra biển. Tục lệ đã truyền đời mấy trăm năm.
Người Hải Ninh hương khói trước khi ra biển. Tục lệ đã truyền đời mấy trăm năm.

Mảnh làng bền dai

Cát ở Hải Ninh không hề thiếu, thậm chí thừa. Người ở đây sống trong cát và chết vùi trong cát. Nhưng cát ở đây cũng như bao mảnh làng biển khác, rất bền dai và không bao giờ bị sẻ chia trước bất cứ nhiễu sự tai ương nào. Cát từng hạt nhỏ bé li ti, khi rời rạc bị gió thổi, lay, vùi, dập, nhưng cát biết vun thành ụ, thành núi, thành rú, cát lại cố kết, bền dai từ ngày người đầu tiên đến khai canh lập làng cách đây hơn 350 năm có lẻ thì nay cát vẫn dẻo dai như lòng dân xứ này.

Những lão ngư như cụ Lắn đã quá 80 tuổi không còn đi biển. Nhưng cụ Lắn có một thời cùng cha, ông nội và bao họ hàng khác đã khuất núi vẫy vùng trước biển làng. Cụ kể với chúng tôi về khai tích của làng. Người ở đây mộc mạc, nói rổn rảng, thổ ngữ địa phương khó nghe, đôi khi phải nhờ người khác phiên dịch âm vực lạ hoắc mới biết dụng ý người miệt biển ngày nay còn dùng bao tiếng cổ.

Và với những câu chuyện mà tôi được nghe, từ thuở khai canh, lòng dân xứ này cũng đã theo người anh hùng Nguyễn Huệ đánh đuổi giặc Thanh ra đến gò Đống Đa. Gốc tích của người làng biển ở đây là những dòng họ xa tít từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa...những vị khai canh đều là hậu duệ của dòng họ Ngô, họ Mai, họ Trương... đầy khí phách.

Vậy nên, cuộc chiến gần nhất là bảo vệ Gạc Ma của Trường Sa (Việt Nam) quê hương cát bỏng này có  liệt sĩ Trương Văn Hướng và liệt sĩ Hoàng Văn Túy. Thân sinh của liệt sĩ Hướng, mệ Trương Thị Ngừ đã khuất núi cách đây một năm. Trước đó chúng tôi tìm về, mệ Ngừ vẫn kể về chuyện liệt sĩ Hướng.

Anh lớn lên trên cát, cái ăn kham khổ như cát thèm nước. Nhưng lòng của đứa con miền cát này vẫn cháy vô bờ sự nồng nàn yêu nước. Ở biển, anh Hướng xin bọ mạ đi lính hải quân. Ngày tin anh mất, mệ Ngừ khóc nhòa đám cát trước nhà. Đến ngày mệ tuổi già, sức tàn lực kiệt, trước lúc qua đời, vẫn trối lại với mấy đứa con: “Mần răng tìm được xác thằng Hướng về với mạ nghe bây”. Nhưng niềm mong đó chắc khó thành hiện thực bởi anh đã nằm lại với nắm đất Gạc Ma, nắm đất biển đảo ấy đã bị giặc xâm lược chiếm đóng.

Cụ Hoàng Nhỏ, thân phụ của liệt sĩ Túy đã già, gần 90 tuổi. Cũng đèn dầu leo lét trước gió. Cứ mỗi năm đến ngày giỗ con, cụ đều giỗ chung cả những chiến sĩ hải quân hy sinh trong đợt đó. 64 bát cơm, cụ đơm đầy, hương khói bên bờ biển làng. Cụ nói: “Con tui cả đó, con ruột mất với đồng đội thì tui coi đồng đội con tui là mấy đứa con của tui. Đến ngày giỗ không có chi nhiều thì cơm, cháo, khói hương cho mấy đứa hắn về vui một bữa. Không chộ mấy đứa con nhưng tui tin, cả mấy đứa đều về rôm rả, nói chuyện với nhau rôm rả”.

Một vùng cát từng biệt lập

Gần 10 năm trước, nếu về Hải Ninh, không còn đường nào khác ngoài lội bộ trên những rú cát chang chang nắng. Đi mỏi chân vẫn chưa thấy làng đâu. Vùng biệt lập như ốc đảo. Và cách thứ hai để tiếp cận mảnh làng này là thuyền từ phía biển, nhưng cách đó không khả dĩ, mà phải chọn cách đi xuyên các núi cát cao ngất như sa mạc cằn khô.

Từ hơn 15 năm về trước và lâu hơn nữa, cách làm nhà của người dân ở đây không phải có gạch, vữa hoặc xi măng. Nền là những sân cát được dùng tay khỏa cho bằng. Trên đó các cọc tre hoặc cành dương khô được dựng lên. Mái lợp bằng cây cỏ rười ở thung lũng cát, phên dậu hai bên cũng lợp bằng cây rười khô cứng. Nhà ở với cỏ rười chừng một năm thì mục, mục rồi xô đi làm cái mới. Thời đó, nhà cỏ rười cũng làm bọ chét bùng phát, người phải sống chung với chúng. Trăm khổ tứ bề, vậy mà chẳng có ai rời xa nơi các vị khai canh của mấy trăm năm trước đã chọn.

Người ta đi lại ở trên cát không như bây giờ có dép. Họ dùng những đôi dép gỗ to bè, quai bện từ lưới rách. Tiết diện của dép gỗ to mới gánh được cá trên các núi cát không bị lún và tránh được bỏng chân. Cộng đồng làng biển này lúc đó ít tiếp xúc với bên ngoài trừ những gánh cá đi về xứ ruộng bán lấy tiền mua gạo hoặc áo quần, vải vóc.

Gánh cá Hải Ninh đã bền dai hơn 350 năm nuôi sống bao thế hệ giữ làng giữ nước.
Gánh cá Hải Ninh đã bền dai hơn 350 năm nuôi sống bao thế hệ giữ làng giữ nước.

Chỉ đến chừng 10 năm trước, một con đường nhựa từ quốc lộ 1A nối từ Dinh Mười về đây hoàn thành, người xứ cát Hải Ninh đã được thay đổi. Một cuộc sống mới hình thành. Loại nhà lợp từ cây cỏ rười dần thay thế và ngày nay, những túp lều úp trên cát như thế hoàn toàn biến mất. Cỏ rười không còn dụng đến. Nhà cửa xây xa tuy chưa bằng nhiều nơi, nhưng người làng biển đã tiếp cận với văn minh nhiều hơn từ điện thoại cầm tay, internet hoặc samrphone.

Con đường 10 năm tuổi đã làm cho người đổi thay. Tuy nhiên, cuộc sống học hành hôm nay của đa số các gia đình ở đây vẫn chỉ dừng lại ở lớp 9 rồi đi Nam làm ăn hoặc theo nghề biển, hoặc ai thuê gì làm nấy. Bởi cái khó khăn vẫn bủa vây. Con em trong vùng học cao hơn chưa nhiều do cái khó của xứ biệt lập hằn sâu ghê gớm.

Những cách sinh tồn xưa còn lại

Chính vì khó khăn mà những cách sinh tồn xa xưa vẫn còn lưu lại ở vùng biển này. Hơn 400 chiếc thuyền ở đây được làm bằng tre. Dân gọi là thuyền mành hoặc bơ nan, vì nó quá nhỏ và chỉ đánh bắt gần bờ. Nơi đi xa nhất không quá 5 hải lý. Và hơn 350 năm trước, cha ông của họ đi đánh bắt có thêm cột buồm thì ngày nay chỉ có một thứ duy nhất thay đổi, các cột buồm đã biến mất. Thay vào đó là những cỗ máy diezen loại nhỏ gắn chân vịt. Một sự biến đổi duy nhất của mấy trăm năm qua về nghề đánh lộng.

Lão ngư Mai Nguyên kể: “Câu mực thì cần câu thủ công, còn lưới cá thì cũng lưới cá bình thường, không có máy móc chi cả. Đèn trên thuyền, nhà nào có điều kiện thì dùng ắc quy, không có tiền thì dùng đèn măng sông cho tiết kiệm”. Đó là cách câu cá cổ xưa của mấy trăm năm còn lại. Những thuyền có tiềm lực sẽ sắm ắc quy để thắp đèn, số còn lại dùng ánh sáng từ ngọn đèn chóa bằng măng sông thu hút mực.

Ông Trương Văn Túy kể cho chúng tôi cách bảo quản cá biển của những ngày chưa có đá lạnh: “Cá được đưa vào bờ. Hoặc phơi khô trước nắng để bán cá khô. Hoặc dùng cỏ rười đốt lên nướng hàng tấn cá mỗi ngày để chống bị ươn, chống lên mùi sẽ bán không được. Nếu con cá to, phải cắt từng khúc nướng cho thịt nó éo lại, khỏi bị ôi, bị thối mới gánh vượt cát đi bán”. Ngày nay, đã có đá lạnh, người ta không dùng cỏ rười nướng cá nữa mà ướp lạnh từ trên biển.

Làng cát Hải Ninh ngày nay có điện, có đường, cũng như trường học đến hết lớp 9. Nhà cửa không còn chui vô chui ra trong các túp lều cỏ rười. Cuộc sống tuy có nhiều khó khăn, biển bãi ngang khó để đóng được nhiều thuyền lớn đi biển. Nhưng một tình cảm từ xa xưa vẫn bền chặt, keo sơn, kết dính mãi trong mỗi hòn máu sinh ra lớn lên ở đây. Nó như dòng mạch ở những làng quê khác, lòng yêu nước không khi nào vơi cạn. Chí khí của những dòng họ từ ngày lập ra bản quán này vẫn bảo lưu đầy ắp hào khí ông cha.

Minh Phong

Bài 2: Chợ cá bên bờ biển Đông