Những điều ít biết về thiếu tướng Lưu Dương

Cập nhật lúc 15:11, Thứ Ba, 13/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhân chuyến công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đến thăm thiếu tướng Lưu Dương tại số nhà 361, đường Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Ông Dương đã ngoài tám mươi tuổi nhưng vẫn còn khoẻ và nhanh nhẹn. Ông đã kể về cuộc đời quân ngũ cũng như sự nghiệp quân giới của mình cho chúng tôi nghe.

Ông Lưu Dương sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch. Năm 18 tuổi, ông vào bộ đội rồi cùng đoàn quân Nam tiến. Lúc bấy giờ, đơn vị phải đi bộ hàng tháng trời xuyên rừng, vượt núi mới vào được Liên khu 5... Năm 1946, ông chỉ huy tiểu đoàn 306, rồi được cử học lớp sỹ quan Lục quân Trung bộ. Năm 1961, ông Lưu Dương vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Với kiến thức và kinh nghiệm quản lý, ông được đề bạt làm Trưởng ban quân giới trực thuộc Cục Hậu cần Miền, chịu trách nhiệm trang bị vũ khí cho toàn chiến trường miền Nam.

Theo ông Dương, nhiệm vụ quan trọng nhất lúc bấy giờ là vừa sản xuất vũ khí, vừa quản lý các xưởng từ Cà Mau đến Nam Trung bộ; tiếp nhận, vận chuyển cấp phát, bảo quản vũ khí do Trung ương chi viện vào chiền trường miền Nam. Cùng với sự chi viện vũ khí, khí tài từ miền Bắc, dưới sự chỉ huy của ông, mỗi năm Ban quân giới đã sản xuất hàng ngàn tấn vũ khí tự tạo như: súng ngựa trời; làm mìn từ vỏ lon sữa bò; các loại chông, cung, nỏ... cung cấp cho bộ đội địa phương và dân quân du kích chiến đấu.

Chuẩn bị mở chiến dịch Hồ Chí Minh, ngoài việc bí mật sản xuất vũ khí trang bị cho chiến trường, ông Dương và đơn vị còn có nhiệm vụ xác định các mặt trận trọng điểm để tổ chức điều chỉnh lực lượng và vũ khí cho phù hợp. Kinh nghiệm chỉ huy và điều chỉnh binh khí hợp lý của ông đã góp phần không nhỏ cho các đơn vị đánh vào tận sào huyệt của quân địch.

Với những cống hiến trong những năm công tác và chiến đấu ở các mặt trận,  nhất là sáng kiến chế tạo thành công nhiều loại vụ khí tại chỗ, năm 1975, ông Lưu Dương được Đảng, Nhà nước phong hàm Thiếu tướng và đề bạt làm Trưởng Đại diện Tổng cục Kỹ thuật tại Campuchia. Sau đó, ông được nghỉ hưu.

Nhắc đến chuyện gia đình, thiếu tướng Lưu Dương mắt buồn nhìn về phía con trai là Lưu Quang Đạo đang ngồi thẫn thờ bên kia bàn uống nước. Anh Đạo bị bệnh bẩm sinh do hậu quả chiến tranh nên dù tuổi đã ngoài tứ tuần mà vẫn như một đứa trẻ.

Trong nỗi buồn, ông Lưu Dương kể lại, ngày lập gia đình là ngày vui nhất cuộc đời ông khi vào tiếp cận chiến trường miền Đông. Vợ ông, bà Nguyễn Xuân Ba, quê ở An Giang là cán bộ cơ sở nằm vùng. Vợ chồng cưới nhau được ít hôm thì ông Dương nhận lệnh ra Bắc rồi sang Trung Quốc học khóa đào tạo tại Học viện Kỹ thuật Quân giới cao cấp. Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Trung Quốc, ông được điều về làm Chủ nhiệm quân giới Sư đoàn 308.

Thời gian này "kẻ Bắc, người Nam" nên gia đình ông cũng mất liên lạc. Sau đó, ông được điều động trở lại chiến trường miền Đông. Mặc dù được trở về công tác gần gia đình nhưng do nhiệm vụ đặc biệt nên ít khi vợ chồng gặp nhau. Ngày gặp con cũng là lúc ông biết được đứa con đầu lòng, là niềm an ủi duy nhất của vợ chồng, do hậu quả chiến tranh nên khi sinh cho đến nay không có khả năng tự kiểm soát mình. Vợ ông đã qua đời cách đây 3 năm.

Bịn rịn chia tay ông Lưu Dương, chia tay người tướng lĩnh một thời xông pha trận mạc, lăn lộn khắp chiến trường miền Nam. Chúng tôi chúc ông mạnh khoẻ, sống lâu để chăm sóc người con bệnh tật.

                                                                                                 Lê Chiêu Phùng

,
.
.
.