.

Năm 2015, có hơn 500 nghìn trẻ khuyết tật được đến trường

Thứ Tư, 16/12/2015, 09:50 [GMT+7]

Ngày 15-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo khoa học 20 năm giáo dục học sinh khuyết tật Việt Nam.

Góc sản phẩm của học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.
Góc sản phẩm của học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Theo số liệu nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, năm 1996 cả nước mới có 42 nghìn trẻ khuyết tật (TKT) được đi học thì năm 2015 đã có tới hơn 500 nghìn TKT được đến trường. Số TKT được đi học không chỉ tập trung ở cấp mầm non, tiểu học, THCS mà còn có một số đang học các trình độ đào tạo như: dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ và ĐH. Cho đến nay, việc giáo dục hoà nhập cho TKT đã được triển khai rộng khắp tại các trường mầm non và phổ thông trên toàn quốc.

Mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên cho giáo dục TKT được hình thành và phát triển. Hiện nay, cả nước đã có một số trường ĐH, CĐ như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, CĐ Sư phạm TƯ Nha Trang... mở mã ngành Sư phạm Giáo dục đặc biệt.

Từ năm 2005 đến nay, đã có hơn 10 trung tâm và hơn 70 phòng hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TKT được thành lập mới và được nâng cấp từ các cơ sở giáo dục chuên biệt. Các trung tâm, phòng này đã hoạt động có hiệu quả trong hỗ trợ trực tiếp cho TKT, chuyển giao kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục TKT tới nhà trường, gia đình, cộng đồng và các cá nhân có liên quan đến TKT.

Mặc dù đạt được những kết quả trên nhưng nhận thức của xã hội về tiếp cận quyền và luật về người khuyết tật nói chung, TKT nói riêng chưa cao. Các cơ sở giáo dục hòa nhập và chuyên biệt còn hạn chế về số lượng; SGK chữ nổi cho học sinh khiếm thị, sách dạy phát âm và ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh khiếm thính... ở các cơ sở giáo dục hòa nhập TKT chưa có.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các nhà khoa học, các thầy giáo, cô giáo tiếp tục đổi mới, sáng tạo, yêu thương học sinh khuyết tật, mãi là những người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học giáo dục đặc biệt. Làm thế nào để huy động tối đa học sinh khuyết tật được đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục cho các em, giúp các em có thể trở thành những công dân độc lập có thể chủ động trong cuộc sống và hòa nhập xã hội.

Theo Thúy Quỳnh (Báo Nhân Dân)