.

Lan tỏa phong trào thi đua "Hai tốt"

Thứ Ba, 17/11/2015, 08:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định thực hiện tốt phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” là nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục đào tạo, những năm qua, ngành Giáo dục-Đào tạo đã tập trung đẩy mạnh phong trào này kết hợp chặt chẽ với các phong trào thi đua yêu nước và việc “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Từ những điển hình

Là một trong những phong trào lớn của ngành Giáo dục-Đào tạo, thi đua "Dạy tốt, học tốt" đã thu hút sự tích cực hưởng ứng của các trường học. Từ việc thực hiện các nội dung của phong trào đã phát huy tính sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học của giáo viên, học sinh. Trường tiểu học Đồng Phú là một trong những đơn vị triển khai và thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, bên cạnh việc phát huy vai trò của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, ngay từ những ngày đầu của năm học nhà trường đã phát động sâu rộng phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các cuộc vận động của ngành như "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Nhờ đó, mỗi giáo viên luôn ý thức cao trước đồng nghiệp và học sinh trong việc tu dưỡng đạo đức, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tập trung vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính sáng tạo trong truyền đạt bài giảng, viết sáng kiến kinh nghiệm. Nhà trường cũng đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để thúc đẩy phong trào “học tốt” trong toàn trường, tạo khí thế thi đua cho học sinh ở các khối, khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo trong học tập, rèn luyện.

Trường còn đưa ra nhiều giải pháp để khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, gắn với việc sử dụng công nghệ thông tin, lấy học sinh làm trung tâm giảng dạy, áp dụng sáng kiến kinh nghiệm, nâng cao chất lượng bài giảng...

Là một trong những điểm sáng trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thời gian qua Trường mầm non Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới luôn có nhiều đổi mới trong công tác dạy và học, xây dựng môi trường học xanh-sạch-đẹp và an toàn, tạo tâm lý thích thú cho học sinh khi đến trường.

Trường tiểu học Đồng Phú, một điển hình trong phong trào thi đua “Hai tốt” của ngành Giáo dục tỉnh.
Trường tiểu học Đồng Phú, một điển hình trong phong trào thi đua “Hai tốt” của ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh ta.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động để chăm sóc tốt cho 100% trẻ bán trú, nhà trường còn thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục mầm non, tăng cường các hoạt động giáo dục thể chất, phát triển ngôn ngữ, thẩm mỹ, tạo cho trẻ có kỹ năng giao tiếp tốt nhằm chuẩn bị hành trang vững chắc cho trẻ trước khi vào lớp 1.

Ngoài ra, nhà trường còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục. 13/13 lớp trong toàn trường đều được trang bị phương tiện nghe nhìn, 100% trẻ 4-5 tuổi được hướng dẫn sử dụng thành thạo các trò chơi phục vụ học tập trên máy tính như phần mềm Kidsmart, Happykids.

Năm học vừa qua, trường đã chú trọng thực hiện tốt chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non”, tiếp tục thực hiện tốt nội dung rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục hàng ngày và lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi.

Và sức lan tỏa

Từ phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy đạt hiệu quả cao. Các hoạt động thao giảng, hội giảng, trao đổi kinh nghiệm nâng cao tay nghề được đẩy mạnh. Nhờ đó đã phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập. Công tác tự học, nghiên cứu và viết sáng kiến kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ giáo viên được duy trì thường xuyên.

Hàng năm toàn ngành có trên 500 sáng kiến và giải pháp công tác hữu ích được Hội đồng khoa học ngành công nhận. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác quản lý, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường học.

Thi đua “học tốt” đã trở thành phong trào lớn ở các cấp học, mang lại cho ngành giáo dục tỉnh nhà nhiều kết quả đáng khích lệ. Số học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng cao. Nhiều học sinh đạt các thành tích xuất sắc như em Trần Đình Nguyên, Trường THPT Võ Nguyên Giáp hai lần đạt giải quốc gia môn vật lý (giải nhì và giải ba); em Nguyễn Hữu Đồng, Trường THPT Trần Hưng Đạo hai lần đạt giải quốc gia môn tin học; em Từ Anh Hồng, học sinh Trường THPT Quang Trung đạt giải quốc gia môn vật lý... và nhiều học sinh đỗ thủ khoa, á khoa tại các trường đại học trong cả nước.

Bên cạnh đó, số giáo viên được biết đến với thành tích bồi dưỡng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong các cuộc thi ngày càng tăng, điển hình như cô giáo Thái Thị Lợi, thầy giáo Trần Xuân Bang (Trường THPT Võ Nguyên Giáp); thầy giáo Trần Văn Lâm (Trung tâm giáo dục thường xuyên Lệ Thủy), thầy giáo Nguyễn Đức Tiến (Trường THPT Hoàng Hoa Thám).

Danh sách điển hình của ngành Giáo dục trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” được khen ngợi biểu dương tăng dần hàng năm, điển hình là các  trường: THPT Võ Nguyên Giáp, THCS Quách Xuân Kỳ, Tiểu học Đồng Phú, Tiểu học Nghĩa Ninh, Mầm non Hoa Hồng, Mầm non Bảo Ninh, Trung cấp công nông nghiệp... và nhiều địa chỉ giáo dục đào tạo khác.

Từ việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh có bước phát triển vững chắc, quy mô, mạng lưới trường học được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân.

Đặc biệt, phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” đã tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ giáo viên các bậc học trong toàn ngành nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm trong giờ lên lớp, nhất là vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá ở các cấp học, góp phần nâng cao hiệu quả giờ lên lớp cũng như chất lượng dạy học.

Đây cũng là một trong những cơ sở để ngành giáo dục cũng như các trường đánh giá chính xác thực trạng đội ngũ về năng lực chuyên môn, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

Nhật Văn