.
Chào mừng kỷ niệm 70 năm nền Giáo dục Cách mạng Việt Nam (1945-2015) và 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Khắc ghi lời Bác "Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người"

Thứ Tư, 18/11/2015, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Luôn khắc ghi tâm nguyện đó của Người, các thế hệ nhà giáo Quảng Bình trong những năm tháng chiến tranh ác liệt hay giữa thời bình đất nước đổi mới đi lên trên con đường hội nhập, đều cống hiến hết mình cho sự nghiệp “Trồng người”.

Đồng chí Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) trò chuyện cùng chúng tôi: Thực hiện lời dạy của Bác “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, những năm qua ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã có nhiều cố gắng nỗ lực vượt bậc, đạt được những thành tích đáng khích lệ và tự hào. Đặc biệt là quá trình thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW ngày 7-11-2006 về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của cuộc vận động, ngành GD-ĐT đã kịp thời ra nhiều văn bản chỉ đạo cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để toàn thể cán bộ, giáo viên (CBGV), học sinh, sinh viên hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc vận động; để cuộc vận động thực sự đi vào cuộc sống, thiết thực, ý nghĩa gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn ngành.

Các đơn vị, trường học đã xác định rõ việc học tập và làm theo tấm gương của Bác là nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, của cơ quan và của các tổ chức đoàn thể trong đơn vị gắn với việc thực hiện khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Tất cả các đơn vị, trường học đều tiến hành rà soát và xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa vào nội dung sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt Đảng, đoàn thể để mọi người phấn đấu, rèn luyện.

Mỗi đơn vị lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung giải quyết như: công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức cho giáo viên, học sinh; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, không theo quy định; khắc phục tình trạng lạm thu; nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng khối đoàn kết nội bộ...

Mỗi CBGV, học sinh, sinh viên đăng ký ít nhất một việc “làm theo”, từ việc học tập “làm theo” tự bản thân kiểm điểm, sửa mình, không ngừng ra sức học tập tu dưỡng, rèn luyện lối sống đạo đức cách mạng phù hợp. Định kỳ mỗi đơn vị và toàn ngành đã kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tuyên dương, khen thưởng kịp thời.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Huân chương Lao động cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp “Trồng người”.
   Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng         Huân chương Lao động cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp “Trồng người”.

Cuộc vận động đã tạo được phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, sinh động. Hàng năm ngành đều tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên theo từng chuyên đề; tổ chức hội thi kể chuyện “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục và đào tạo” và nhiều cuộc thi khác với nội dung phù hợp....

Cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức, mang lại hiệu quả thiết thực, thực sự đi vào lòng người và có sức lan tỏa lớn, từ đó những biểu hiện tiêu cực về đạo đức nhà giáo của một số CBGV đã được khắc phục, sửa chữa; từng CBGV đã rút ra được những bài học cho bản thân trong cuộc sống và trong công việc, sống có lý tưởng, trách nhiệm hơn với bản thân, cộng đồng; mẫu mực trong mọi việc.

Bên cạnh những thầy cô giáo điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương học sinh có hành động đẹp như nhặt được của rơi trả lại người đánh mất, nhiều học sinh chăm ngoan có tấm lòng hiếu thảo với bố mẹ, ông bà, nhiều học sinh nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập... Đó là các em Lê Thị Khánh Ly, học sinh Trường THPT Quang Trung (Quảng Trạch), là con của gia đình nghèo nhưng khi nhặt được 18 triệu đồng trong một buổi lao động làm vệ sinh tại Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa, Khánh Ly đã chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để trả lại người mất; em Nguyễn Anh Tuấn học sinh Trường THPT Lê Trực (Tuyên Hoá), một học sinh nghèo ở xã Phù Hóa, phải mượn máy tính để học và đã giành được giải ba môn Tin học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 THPT năm 2015 khi đang học lớp 11; hay em Phạm Thái Sơn, học sinh Trường THPT Số 2 Quảng Trạch (nay là THPT Lê Hồng Phong) là học sinh nghèo đã vươn lên học giỏi, thi đỗ thủ khoa đại học năm 2011 với số điểm gần tuyệt đối (29,5)....

Đồng thời với việc triển khai thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 03, ngành GD-ĐT gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đây là cuộc vận động được triển khai sâu rộng trong toàn ngành, tiến hành thường xuyên, liên tục, mang tính xã hội cao, được đội ngũ nhà giáo tham gia hưởng ứng tích cực. Mỗi thầy cô giáo đã tự lựa chọn cho mình những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần thực hiện cuộc vận động thắng lợi. Nhờ đó phẩm chất nhà giáo càng được phát huy, tỏa sáng; các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo giảm đáng kể, uy tín nhà giáo tiếp tục được khẳng định, môi trường giáo dục ngày càng lành mạnh, được xã hội và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.   

Mỗi đơn vị, cơ sở tùy điều kiện, hoàn cảnh thực tế đã có nhiều sáng tạo trong việc thực hiện cuộc vận động. Như tổ chức hội thảo “Nữ cán bộ giáo viên với cuộc vận động mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong tỉnh tổ chức tuyên truyền gương người tốt việc tốt, gương phụ nữ tài năng trong nữ cán bộ giáo viên toàn ngành... qua đó đã động viên, khích lệ và biểu dương tinh thần vượt khó, những cố gắng, nỗ lực, sự cống hiến to lớn của đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều gương điển hình nhà giáo trong tỉnh tiếp tục xuất hiện, toả sáng về tấm gương đạo đức nhà giáo: cần cù, chịu khó, tâm huyết, trách nhiệm cao với công việc, hết lòng vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục phát triển; những nhà giáo có tài năng sư phạm, tâm huyết, tận tụy cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giáo dục. Đó là thầy giáo Võ Vĩnh Hào, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy; nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Xướng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Duy Ninh (huyện Quảng Ninh); nhà giáo ưu tú Hoàng Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Lệ Thủy); cô giáo Phạm Thị Càn, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bố Trạch (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn); thầy giáo Trần Ngọc An, Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bố Trạch (nay là Trường THPT Trần Phú); thầy giáo Nguyễn Đại Á, Hiệu trưởng Trường THPT Ninh Châu (Quảng Ninh). Đó còn là các cô giáo Đinh Thị Phương Thảo, giáo viên-Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Hương Hóa (Tuyên Hóa) đã tổ chức được nhiều hoạt động từ thiện giúp cho học sinh nghèo vùng rẻo cao; Nguyễn Thị Bích Thảo, giáo viên Trường mầm non xã Trường Sơn (Quảng Ninh) đã bám trường bám lớp vì con em đồng bào dân tộc Vân Kiều; Trần Thị Minh Hoan, giáo viên Trường THCS Kiến Giang (Lệ Thủy) tất cả vì học sinh thân yêu, tìm tòi phương pháp giảng dạy phù hợp để học sinh luôn đạt được kết quả cao trong học tập...

Tuy vẫn còn những mặt hạn chế, nhưng với truyền thống của quê hương Quảng Bình “Hai giỏi” và những kết quả đạt được từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tin tưởng rằng GD-ĐT trong những năm tới sẽ đạt được những kết quả khởi sắc hơn, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà phát triển, thành công trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nội Hà