.

Thí sinh chạy đua rút - nộp hồ sơ

Chủ Nhật, 16/08/2015, 10:31 [GMT+7]

Chỉ còn 5 ngày nữa, thời gian nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ sẽ kết thúc. Thời điểm này, các thí sinh và phụ huynh không còn nhiều cơ hội để lựa chọn trường theo năng lực, sở trường; mà chỉ còn một mục tiêu: Tìm trường có khả năng đỗ cao nhất để nộp hồ sơ.

Điểm cao tung chiêu, điểm thấp điêu đứng

Tại các trường phía Bắc, trong những ngày qua, lượng thí sinh có điểm cao nộp hồ sơ ngày càng nhiều. Nhiều thí sinh cho biết, phải đến phút cuối những thí sinh có điểm cao mới tung hồ sơ vào để chơi “ăn chắc”, không phải lo theo dõi điểm số trên mạng. Một trong những trường có nhiều thí sinh điểm cao nộp hồ sơ xét tuyển là ĐH Y Hà Nội. Theo ghi nhận, điểm thấp nhất trong tốp 100 của ngành vào ngày 8-8 là 28,75, đến sáng 14-8 đã vọt lên 29; như vậy những thí sinh được 27 điểm, ban đầu dự đoán có thể đỗ ngành bác sĩ đa khoa, giờ đã lại rơi vào vòng nguy hiểm, do tỉ lệ thí sinh có điểm từ 28 đến 32,25 trở lên (kể cả điểm ưu tiên) là rất lớn, đã xấp xỉ với 500 chỉ tiêu của ngành này.

 Thí sinh tăng tốc rút hồ sơ.
Thí sinh tăng tốc rút hồ sơ.

Ngành toán học của  ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có lượng thí sinh điểm cao nộp vào tăng nhanh trong những ngày gần đây. Theo chỉ tiêu, ngành này tuyển 140 thí sinh; đến ngày 10/8, thí sinh xếp thứ 140 là 21 điểm, nhưng đến sáng 13-8, mức điểm đã là 25 điểm.

Thực tế này đã khiến những thí sinh ở ngưỡng an toàn trước đó giờ đang trong tâm thế sẵn sàng rút hồ sơ vì không còn cơ hội cho nguyện vọng 1. Chiều ngày 14-8, thí sinh Phạm Thế Mạnh (Na Hang, Tuyên Quang) cầm trên tay hồ sơ từ  ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Những ngày đầu em đang chắc chắn với 23,5 điểm em chắc chắn đỗ, nhưng thời điểm này thì không ổn rồi. Em sẽ tham khảo thêm thông tin ngày mai và nộp vào một trường phù hợp”.

Tại TP Hồ Chí Minh, cuộc đua rút - nộp hồ sơ cũng đang diễn ra nóng bỏng. Quyết định rút hồ sơ từ  ĐH Kinh tế Luật TP. Hồ Chí Minh để nộp sang ĐH Công nghiệp, chị Nguyễn Thị Kiều, phụ huynh một thí sinh, căng thẳng chia sẻ: Con chị chỉ được 20,5 điểm, ban đầu nộp hồ sơ vào ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh), nhưng theo dõi trên mạng thì thấy không có khả năng đỗ, nên hai mẹ con chị đã phải khăn gói từ Phú Yên vào Sài Gòn để rút hồ sơ, để nộp vào  ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. “Tại  ĐH Công nghiệp, nhà trường tư vấn với số điểm đó nộp vào ngành cháu chọn thì khả năng đỗ là 50/50, còn nếu nộp vào hệ chất lượng cao thì khả năng đỗ 95%, nhưng học phí ở hệ này thì rất cao. Suy đi nghĩ lại, thôi thì hy sinh cho tương lai con cái, nên gia đình quyết định cho cháu nộp hồ sơ vào hệ ĐH chất lượng cao”, chị Kiều cho biết.

Tại  ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, thí sinh Phạm Tấn Lộc (huyện Củ Chi) đang đứng ngồi không yên vì theo bảng xếp hạng trong ngày 14-8, thứ tự của Lộc đang đứng thứ 88 khối C ngành Báo chí và Truyền thông. “Em mong muốn được học ngành này từ năm học lớp 10 đến giờ, cứ ngỡ với số điểm 25,5 khả năng đậu nắm chắc trong tay, thế nhưng năm nay thì không thể nào đoán được. Em định theo dõi hai, ba ngày nữa, nếu thấy không ổn, em sẽ rút hồ sơ chuyển sang ngành khác, giờ thì không thể chỉ nghĩ đến sở thích, mà phải tính đến việc vào được ĐH”, em Phạm Tấn Lộc cho biết.

Lộc nói thêm: “Năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển giống như đang chơi chứng khoán vậy. Mỗi lần nhìn thấy thứ hạng của mình tụt xuống là lại một lần thót tim”.

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc chạy đua rút - nộp hồ sơ như hiện nay đang khiến không ít thí sinh không dám nghĩ tới việc chọn trường theo nguyện vọng, sở thích, sở trường của bản thân; mà chỉ có mục tiêu tìm ngành nào, trường nào mà mình đủ điểm đậu ĐH. “Năm nay, em thi được 22 điểm, tính nộp vào Sư phạm Văn, nhưng hôm nay theo dõi trên mạng thấy mình đã tuột khỏi thứ hạng, vì vậy em lên trường rút hồ sơ. Tuy nhiên, lên đây nhà trường hẹn qua ngày sau mới rút được. Tốn kém thời gian đi lại, giờ tốn thêm thời gian ăn ở trên thành phố để theo dõi chờ rút và nộp hồ sơ. Giờ em không quan tâm mình phù hợp với ngành nghề nào, mà chỉ quan tâm trường nào ít thí sinh nộp hồ sơ và khả năng vào ĐH của mình cao thì em sẽ nộp vào”, thí sinh Phạm Ái Vi (Long An) chia sẻ.

Ách tắc trong khâu hồ sơ

Tại  ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, trong sáng 13-8 cũng có khoảng 200 hồ sơ được rút ra. Theo Phòng đào tạo nhà trường, hầu hết những thí sinh rút hồ sơ đều nằm ngoài số điểm an toàn để trúng tuyển ĐH. Còn tại ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, những ngày qua cũng đã có khá đông phụ huynh và học sinh đến rút hồ sơ. Do lượng hồ sơ quá nhiều, nhiều thí sinh phải chờ đợi 2 - 3 ngày mới có thể rút được hồ sơ. Để tạo điều kiện cho các em đến rút hồ sơ, nhà trường đã bố trí một phòng chỉ dành để trả hồ sơ cho thí sinh; tuy nhiên, do có hàng ngàn hồ sơ nhận vào, nên việc tìm kiếm hồ sơ cho thí sinh rút ra cũng tốn khá nhiều thời gian.

Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, trong 3 ngày qua thí sinh rút hồ sơ đông lên từ với số lượng khoảng 1.200; nhưng đồng thời, lượng nộp vào mỗi ngày cũng vào khoảng 1.000. Để giải quyết việc rút nộp thông suốt, ông Kiều Xuân Thực cho biết: “Trường đã tổ chức đánh số thứ tự các hồ sơ, có mã vạch tương ứng và sắp xếp khoa học theo từng tập, nên chỉ cần thí sinh đưa ra biên lai khi nộp hồ sơ ra là cán bộ có thể tìm thấy. Bình thường chúng tôi sẽ trả ngay được hồ sơ cho thí sinh. Lúc đông nhất cũng chỉ trả trong buổi, không để các em phải chờ đợi nhiều”.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, điều nguy hiểm cho chính các thí sinh “nộp vào, rút ra” hiện nay là việc rút hồ sơ của thí sinh phải đi kèm việc trả dữ liệu của thí sinh về kho dữ liệu chung của Cục Khảo thí để thí sinh có thể tham gia xét tuyển ở ngành mới, trường mới. Do vậy, đã xuất hiện những trường hợp thí sinh tuy đã rút hồ sơ ở trường này, nhưng chưa thể xuất hiện trong danh sách đăng ký xét tuyển ở trường khác.

“Những tưởng đã kết thúc được kỳ thi “ba chung”, nhưng với quy định hiện nay, kỳ thi này dường như đã trở thành “bốn chung”: Chung đợt thi, chung đề thi, dùng chung kết quả để xét tuyển và nay là phải dùng chung phần mềm xét tuyển. Trên thực tế, quy định cho phép thí sinh rút phiếu đăng ký xét tuyển từ trường này để nộp qua trường khác đã được thực hiện từ năm trước, nhưng ở năm trước không ảnh hưởng đến việc giải quyết yêu cầu đổi nguyện vọng hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Như vậy khâu ách tắc là ở chỗ trường ĐH, CĐ và thí sinh không thể giao tiếp thông suốt với nhau, nên mọi việc sẽ bị chậm đi”, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết.

Theo Lê Vân - Đan Phương - Hoàng Tuyết (Baotintuc)