.

Tuyên Hóa: Chuyển biến tích cực trong công tác tôn giáo

Thứ Hai, 08/05/2017, 10:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có 19 xã, thị trấn có đồng bào theo đạo Công giáo với 3.870 hộ, 17.418 tín đồ (chiếm 21,7% dân số toàn huyện), 4 giáo xứ (Đá Nện, Kim Lũ, Minh Cầm và Tân Hội) và 21 giáo họ; Phật giáo có Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tuyên Hóa, 2 cơ sở thờ tự (chùa Vĩnh Phúc ở xã Văn Hoá và chùa Linh Sơn ở xã Tiến Hoá), với hơn 500 phật tử...

Trên cơ sở Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về công tác tôn giáo, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, các nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ và các chỉ thị, quyết định, chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác tôn giáo, Huyện uỷ Tuyên Hóa đã kịp thời xây dựng, ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch về công tác tôn giáo để tổ chức thực hiện; đồng thời, triển khai hội nghị cốt cán trong toàn huyện để quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo cho hơn 160 cán bộ chủ chốt của huyện và cơ sở tham gia...

Ban Thường vụ Huyện uỷ đã phân công các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ phụ trách cụm, Huyện uỷ viên phụ trách xã, thị trấn theo dõi, đôn đốc việc tổ chức học tập, quán triệt ở các xã, thị trấn. Đảng uỷ các xã, thị trấn đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

13/13 xã, thị trấn có đông đồng bào theo đạo đều thành lập Ban chỉ đạo công tác tôn giáo; chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể cơ sở tiến hành tổ chức triển khai học tập quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết... của Đảng cho đoàn viên, hội viên tại các thôn, bản, tiểu khu.

Song song với công tác tuyên truyền pháp luật về tôn giáo cũng như tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở, huyện Tuyên Hóa cũng đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào có đạo.

UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch lại đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng cho các hộ gia đình trước đây sinh sống trên sông nước như ở Thanh Châu (xã Châu Hoá), Kinh Trừng (xã Đức Hoá), Thuận Tiến (xã Thuận Hoá), Thanh Tiến (xã Tiến Hoá), Đức Phú (xã Đồng Hoá)...; quy hoạch chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất trồng rừng cho bà con giáo dân tại các xã Thanh Thạch, Thanh Hóa, Kim Hóa... Bà con giáo dân đã chú trọng đầu tư làm ăn có quy mô lớn và hiệu quả hơn, nhiều giáo dân đã thành lập các doanh nghiệp, đời sống được nâng lên rõ rệt...

Việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng giáo luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa quan tâm chỉ đạo; trong đó, tập trung vào việc củng cố, xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ... Từ năm 2003 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã luân chuyển 5 đồng chí cán bộ huyện về làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã có đông đồng bào tôn giáo tại các xã: Thanh Thạch, Đồng Hóa, Lê Hóa, Văn Hóa.

Thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong vùng đồng bào có đạo, hiện nay 100% các thôn vùng đồng bào có đạo đều có chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng. Đến nay, toàn Đảng bộ huyện đã phát triển 89 đảng viên là người có đạo, tăng 32 đảng viên là người có đạo so với năm 2003...

Ngoài ra, huyện Tuyên Hóa cũng đã hợp đồng 11 cán bộ theo chính sách sử dụng con em Quảng Bình tốt nghiệp đại học giai đoạn 2012 - 2015 phụ trách công tác nội vụ, giúp thêm công tác tôn giáo tại các xã: Châu Hoá, Mai Hoá, Phong Hoá, Tiến Hoá, Đức Hoá, Thạch Hoá, Đồng Hoá, Kim Hoá, Thanh Hoá, Thanh Thạch, Thuận Hoá...

Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước  về tôn giáo, UBND huyện Tuyên Hóa đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn tổ chức, quản lý các hoạt động tôn giáo; chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn; giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của chức sắc, tín đồ tôn giáo; quan tâm hướng dẫn quy trình thành lập tổ chức tôn giáo, việc công nhận cơ sở tôn giáo... UBND huyện cũng đã chủ động phối hợp tổ chức được trên 190 buổi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho hơn 25.000 lượt chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo...

Có thể nói, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đối với công tác tôn giáo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn vùng giáo ở huyện Tuyên Hóa thời gian qua được giữ vững; mối quan hệ giữa chính quyền với các tổ chức tôn giáo ngày càng thân thiện, gần gũi hơn, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh-quốc phòng ở địa phương.

Trung Chính
                           (Ban Tôn giáo tỉnh)