.
Bài dự thi viết về chủ đề "Kỷ cương và trách nhiệm":

Hết lòng vì dân

Thứ Hai, 05/09/2016, 06:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Là Chính trị viên phó kiêm Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Ra Mai (xã Trọng Hóa, Minh Hóa), Đại úy Hồ Sỹ Nhân đã mạnh dạn đề xuất nhiều sáng kiến, triển khai thực hiện nhiều mô hình giúp nhiều người dân trên địa bàn đơn vị đóng quân vượt qua khó khăn. Không chỉ hướng dẫn người dân trồng lúa, phát triển chăn nuôi, trồng trọt mà anh còn vận động bạn bè, anh em đồng nghiệp quyên góp giúp đỡ dân bản. Những việc làm đó thể hiện trách nhiệm và tâm huyết vì dân của người cán bộ, đảng viên Bộ đội Biên phòng (BĐBP).

Bám dân, bám bản

Gặp anh Nhân sau nhiều lần hẹn, anh không khác so với hình dung của chúng tôi về một chiến sĩ biên phòng gần gũi, thân thiện. Anh bắt đầu bằng câu chuyện về cuộc sống của người lính mang quân hàm xanh nơi rừng sâu biên giới.

Gần 20 năm khoác áo lính anh đã từng công tác tại 6 đồn biên phòng nên có rất nhiều kỷ niệm với người dân ở mỗi vùng đất mà anh đi qua. Nhưng kỷ niệm mà anh nhớ nhất vẫn là quãng thời gian làm Đội trưởng Đội Vận động quần chúng tại Đồn Biên phòng Làng Ho, xã Lâm Thủy, Lệ Thủy. Anh kể, ngày đó anh như người của dân bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng địa phương với bà con.  

Với vai trò là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng anh đã cùng cán bộ, chiến sĩ trong đội bám sát địa bàn, nắm vững diễn biến tâm lý, tâm tư nguyện vọng của từng người dân để từ đó có biện pháp tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bà con ổn định tư tưởng, yên tâm làm ăn sinh sống.

Năm 2009, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai đề án đầu tiên giúp dân trồng lúa và làm nhà ở bản Tân Ly và bản Làng Ho, anh cùng anh em trong đơn vị bám sát địa bàn, vận động nhân dân tham gia trồng lúa. Vì nhận thức của dân bản còn kém nên ngày nào các anh cũng phải về tận nhà để vận động, thuyết phục dân bản và trực tiếp “cầm tay chỉ việc” giúp bà con cách trồng lúa.

Cứ đúng 6 giờ sáng, anh lại đi bộ lên bản giúp bà con làm đất để chuẩn bị gieo cấy. Khổ nhất là địa hình rừng núi, nhiều ruộng không có nước, anh phải huy động anh em trong đội cùng đi mua tre để làm đường ống dẫn nước từ trên núi về.

“Có lúc bà con đi làm được hai ba ngày lại không đi nữa, tôi và anh em trong Đồn phải tranh thủ vừa làm vừa về tận nhà vận động bà con quay trở lại với ruộng nước. Thời điểm đó, chúng tôi gắn bó cả mấy tháng trời với bà con bản Tân Ly và Làng Ho từ lúc làm đất, dặm, cấy, chăm sóc cho đến khi gặt lúa đem về nhà”, anh Nhân chia sẻ.

Anh Hồ Sỹ Nhân (ở giữa) trao quà cho bà con bản Lòm ở xã Trọng Hóa (Minh Hóa).
Anh Hồ Sỹ Nhân (ở giữa) trao quà cho bà con bản Lòm ở xã Trọng Hóa (Minh Hóa).

Bên cạnh giúp dân trồng lúa, anh cùng đồng đội còn giúp dân làm nhà, xóa mái tranh nghèo. Để hoàn thiện một căn nhà, anh phải giám sát từ bản vẽ, mua bán, vận chuyển vật liệu đến công đoạn làm và hoàn thiện nhà. Dù đã được hỗ trợ kinh phí nhưng có nhiều người dân vẫn không chịu làm. Các anh phải phân công nhau mỗi người phụ trách 2 nhà để tiếp tục vận động, đốc thúc dân bản tham gia cho đến khi hoàn thiện ngôi nhà.

Để làm được mấy chục căn nhà cho dân bản, anh cùng anh em trong đồn biên phòng cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con đến gần một năm ròng rã. Vất vả là vậy nhưng các anh vẫn luôn vui vẻ, tận tình giúp đỡ để dân bản sớm có nhà, ổn định cuộc sống.

Năm 2014, anh Nhân được điều chuyển về đảm nhận chức vụ Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ra Mai. Ai đã từng một lần đến các bản làng miền núi xã Trọng Hóa (Minh Hóa), đi trên những cung đường ngoằn ngoèo hiểm trở mới thấm thía hết cái vất vả của hành trình bám địa bàn, đến với dân của người chiến sĩ biên phòng nơi đây.

Anh Nhân tâm sự, mỗi bản làng thuộc địa bàn đơn vị quản lý, anh thuộc nằm lòng từng đường đi, ngõ ngách, nhớ tên rành mạch từ các cụ già cao niên, trưởng, phó thôn bản, biết rõ từng gia đình neo đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để giúp người dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sinh hoạt. Anh cùng với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai trực tiếp hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm...

Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các anh, nhiều bà con đã biết cách trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, hướng tới mô hình chăn nuôi tập trung cho thu nhập cao. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân nhờ đó cũng được nâng lên, cuộc sống dần ồn định.

Bí thư chi đoàn nhiệt huyết

Những năm công tác tại Đồn Biên phòng Ra Mai, ngoài vai trò là Chính trị viên phó, anh Nhân còn là Bí thư chi đoàn năng động, nhiệt huyết, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt anh luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ bà con dân bản. Anh đã phát động cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị quyên góp quần áo, tiền mặt để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, phun thuốc khử trùng cho 46 hộ gia đình và tặng 46 suất quà gồm quần áo và mì tôm cho bà con dân bản Cà Xen.

Thông qua mạng xã hội, anh cùng với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai tích cực kêu gọi các tổ chức cá nhân, bạn bè trên facebook quyên góp hơn 500 triệu đồng bằng tiền mặt và vật dụng cần thiết để trao tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó và bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) và Trọng Hóa (Minh Hóa).

Quá trình bám dân, bám bản anh càng thấu hiểu nỗi khó khăn vất vả của bà con nhân dân bản Ka Oóc khi phải đi lại trên những con đường bùn đất lầy lội, trơn trượt. Với vai trò thủ lĩnh thanh niên, anh đã vận động các đoàn viên thanh niên trong Chi đoàn phối hợp với Đoàn xã Trọng Hóa và CLB Nét Bút Xanh Quảng Bình làm đường dân sinh vào bản với chiều dài hơn 4 km và tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường 7,5 km đường giao thông nội bản. Anh luôn trăn trở làm thế nào để có thể giúp đỡ các em học sinh nghèo trong các bản được học hành.

Mấy năm nay, anh đã cùng với Ban Chấp hành Chi đoàn Đồn Biên phòng Ra Mai thành lập quỹ “Tình thương cho em” bằng hình thức thu gom ve chai và trồng rau xanh để bán lấy quỹ hỗ trợ các em tới trường. Hiện tại, Chi đoàn nhận đỡ đầu 4 em học sinh học giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) và xã Trọng Hóa (Minh Hóa) với mức hỗ trợ mỗi em 300 ngàn đồng/tháng. Năm nào, số tiền trích từ việc thu gom ve chai và trồng rau xanh để bán không đủ để hỗ trợ các em thì anh em trong Chi đoàn lại cùng nhau đóng góp để giúp các em mua quần áo, sách, vở và các dụng cụ cần thiết cho việc học tập.

Anh cũng đã trực tiếp đề xuất với lãnh đạo Đồn mỗi tuần trích 1 bữa ăn tráng miệng của toàn thể cán bộ chiến sĩ để có thêm nguồn quỹ giúp đỡ các em. Từ đó, mỗi tháng Chi đoàn lại có thêm từ 600-700 ngàn đồng tiền quỹ.

“Số tiền đó tuy không lớn nhưng chứa đựng tình cảm của anh em trong đồn. Vẫn còn rất nhiều em học sinh phải vật lộn với cuộc sống khó khăn, bươn chải cùng gia đình để lo miếng cơm manh áo”, anh Nhân tâm sự.

Anh Nhân nói, người chiến sĩ biên phòng luôn tâm niệm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Vì vậy, anh và đồng đội luôn cố gắng hết mình vì cuộc sống của người dân.

Với ý thức trách nhiệm cao, tận tâm trong công việc, sâu sát với cơ sở, được đồng đội quý mến, Đại úy Hồ Sỹ Nhân đã được Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ tiên tiến trong nhiều năm liền; hai năm liền được Tỉnh đoàn tặng bằng khen. Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị vừa qua, anh Nhân đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong học và làm theo lời Bác.

Lan Chi