.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật Cảnh vệ

Thứ Hai, 15/08/2016, 13:51 [GMT+7]

Trong phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra vào sáng nay (15-8), UBTVQH đã nghe báo cáo và thảo luận dự án Luật Cảnh vệ.

>> Triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội

Pháp lệnh Cảnh vệ được UBTVQH thông qua ngày 2-4-2005 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-10-2005.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng sau 10 năm, việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh Cảnh vệ đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể là nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác cảnh vệ đã được nâng lên một bước; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương và của nhân dân đối với công tác cảnh vệ có nhiều chuyển biến, các biện pháp cảnh vệ được công khai hóa, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện; từng bước nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực cảnh vệ mới là pháp lệnh nên hiệu lực thi hành thấp, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ trong tình hình hiện nay.

Mặt khác, trước sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu, nhiệm vụ mới, vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng Luật Cảnh vệ là cần thiết.

Dự án Luật Cảnh vệ gồm 5 chương, 29 điều với các quy định cụ thể về: Nguyên tắc công tác cảnh vệ; chính sách của Nhà nước đối với công tác cảnh vệ và lực lượng cảnh vệ; đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; quyền và trách nhiệm của đối tượng cảnh vệ; lực lượng cảnh vệ; điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng cảnh vệ; nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ; sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ…

Nhiều ý kiến nhấn mạnh việc xây dựng dự án Luật Cảnh vệ phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác cảnh vệ; bảo đảm pháp luật cảnh vệ có sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định và một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung quy định về hợp tác quốc tế trong công tác cảnh vệ; việc giám sát đối với hoạt động của lực lượng cảnh vệ; bổ sung nội dung quy định cảnh vệ nước ngoài vào Việt Nam và cảnh vệ Việt Nam ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ; rà soát lại các biện pháp nghiệp vụ cho phù hợp với từng đối tượng cảnh vệ.

Cùng quan điểm nêu trên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề xuất cần có quy định cụ thể về số lượng cảnh vệ phục vụ các chuyến đi công tác nước ngoài của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; xem xét quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, tuổi tác đối với lực lượng cảnh vệ - một lực lượng làm nhiệm vụ đặc thù.

Liên quan đến việc sử dụng vũ khí, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng, việc quy định các trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ là cần thiết. Ngoài việc thực hiện các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì Luật Cảnh vệ cần quy định cụ thể những trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ để chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối an toàn đối tượng cảnh vệ, đồng thời tránh được việc lạm dụng sử dụng vũ khí...

Ngoài ra, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến đối tượng cảnh vệ, lực lượng cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng cảnh vệ; trách nhiệm, sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ giữa cảnh vệ của lực lượng công an và cảnh vệ của lực lượng quân đội;…

Thay mặt UBTVQH phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết các ý kiến phát biểu của các đại biểu đều đồng tình đưa Pháp lệnh Cảnh vệ lên thành Luật Cảnh vệ, đồng thời làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến sự thống nhất của Luật Cảnh vệ trong hệ thống pháp luật nói chung; vấn đề khen thưởng, xử lý kỷ luật; sử dụng vũ khí; chế độ chính sách; đối tượng cảnh vệ;…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến phát biểu và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự án luật.

Theo Nguyễn Hoàng (Chinh phu.vn)