.

Một số điểm mới cơ bản của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Thứ Tư, 16/03/2016, 07:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Với 90,89% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBQH và ĐBHĐND) năm 2015 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vào ngày 25-6-2015 với sự kế thừa và phát triển các quy định trong Luật Bầu cử trước đây, cũng như trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật bầu cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Luật được sửa đổi, bổ sung theo tinh thần của Hiến pháp mới, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập liên quan đến quy trình, thủ tục trong bầu cử; pháp điển hóa một số nội dung trong hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND; quy định chung về quy trình bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp trong cùng một luật. Cụ thể Luật Bầu cử có những điểm mới cơ bản sau đây:

Luật Bầu cử xác định cụ thể số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH phải bảo đảm để ít nhất 18% tổng số người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số, ít nhất là 35% tổng số người ứng cử ĐBQH là phụ nữ; trên cơ sở đó, cử tri sẽ cân nhắc, lựa chọn những người đại diện xứng đáng cho mình. Đồng thời, quy định việc dự kiến cơ cấu, thành phần người ứng cử ĐBHĐND các cấp.

Việc dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH và ĐBHĐND căn cứ vào tiêu chuẩn, đồng thời cần dựa trên tình hình, yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn, từng địa phương. Do việc bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý ĐBQH và ĐBHĐND là yêu cầu khách quan, cần thiết và là yếu tố quyết định tính chất, chất lượng hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân sau này.

Luật thiết kế một chương riêng về Hội đồng bầu cử Quốc gia (Chương III) quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử Quốc gia. Theo đó, Hội đồng bầu cử Quốc gia do Quốc hội thành lập, có từ 15 đến 21 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số cơ quan, tổ chức hữu quan. Hội đồng bầu cử Quốc gia hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.

Các cuộc họp được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Hội đồng bầu cử Quốc gia tham dự; các quyết định được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Hội đồng bầu cử Quốc gia chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo về hoạt động của mình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, trên tinh thần kế thừa các quy định hiện hành và thực tiễn tổ chức bầu cử ở nước ta, Luật quy định các cơ quan phụ trách bầu cử ở địa phương bao gồm: Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử); Ban bầu cử ĐBQH, Ban bầu cử ĐBHĐND cấp tỉnh, Ban bầu cử ĐBHĐND cấp huyện, Ban bầu cử ĐBHĐND cấp xã (sau đây gọi chung là Ban bầu cử); Tổ bầu cử.

Nhiệm vụ của các Ủy ban bầu cử tập trung vào việc chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quy định của pháp luật về bầu cử; chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử ở địa phương; chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử; nhận và xem xét hồ sơ của người ứng cử theo quy định; gửi danh sách trích ngang và tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản của những người được giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương; nhận tài liệu và phiếu bầu cử và phân phối cho các Ban bầu cử; chỉ đạo, kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ban bầu cử; lập biên bản xác định kết quả bầu cử; báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử; tổ chức việc bầu cử lại, bầu cử thêm (nếu có).

Nhiệm vụ của các Ban bầu cử tập trung vào việc kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quy định của pháp luật về bầu cử của các Tổ bầu cử trong đơn vị bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc lập, niêm yết danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử ở các Tổ bầu cử trong đơn vị bầu cử; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc bố trí các phòng bỏ phiếu và công việc bầu cử ở các phòng bỏ phiếu; nhận và phân phối tài liệu, phiếu bầu cử cho các Tổ bầu cử; nhận, tổng hợp và kiểm tra biên bản kiểm phiếu bầu cử do các Tổ bầu cử gửi đến; làm biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử;  giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định; chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử ĐBQH đến Ủy ban bầu cử; và tổ chức thực hiện việc bầu cử lại, bầu cử thêm (nếu có).

Nhiệm vụ của các Tổ bầu cử tập trung vào công tác bầu cử trong khu vực bỏ phiếu; bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu; nhận tài liệu và phiếu bầu từ Ban bầu cử; phát thẻ cử tri, phiếu bầu có đóng dấu của Tổ bầu cử cho cử tri; thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu; bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh nội quy phòng bỏ phiếu; giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử do mình phụ trách; kiểm phiếu và làm biên bản kết quả kiểm phiếu để gửi đến Ban bầu cử; báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định; tổ chức thực hiện việc bầu cử lại, bầu cử thêm (nếu có).

- Về điều kiện liên quan đến thời gian cư trú của cử tri tại địa phương để xác định quyền tham gia bầu cử của cử tri đối với từng cấp chính quyền, Luật Bầu cử đã bổ sung quy định công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú; cử tri là người tạm trú và có thời gian tạm trú tại địa phương dưới 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và ĐBHĐND cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

- Bổ sung quy định về cần bảo đảm để người đang bị tạm giam, tạm giữ cũng được thực hiện quyền bầu cử. Về mặt pháp lý những người này chưa bị coi là có tội và không bị tước mất quyền bầu cử. Do đó, các địa phương, các cơ quan nhà nước có liên quan có trách nhiệm bảo đảm thực hiện việc lập danh sách cử tri đối với những người đang bị tạm giam, tổ chức việc bỏ phiếu đối với người đang bị tạm giam tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ.

- Về danh sách cử tri, Luật Bầu cử 2015 quy định như: cử tri thay đổi nơi cư trú đến đơn vị hành chính cấp tỉnh khác thì được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH; cử tri là người lao động tại các khu công nghiệp tập trung, các doanh nghiệp có đăng ký tạm trú được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và ĐBHĐND cấp tỉnh và cấp huyện ở nơi tạm trú; công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu hai mươi bốn giờ, thì đến Uỷ ban nhân dân cấp xã xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri để được bầu ĐBQH và ĐBHĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú); được bầu ĐBQH và ĐBHĐND cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).

Luật bổ sung các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong vận động bầu cử, bao gồm: Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Ngoài các quy định về việc giữ nguyên nguyên tắc và trình tự bầu cử, việc xác định kết quả bầu cử và đề nghị Quốc hội cho giữ các quy định về nguyên tắc bỏ phiếu; quy định về thời gian bắt đầu và kết thúc việc bỏ phiếu; quy định ưu tiên xác định người nhiều tuổi hơn là người trúng cử. Trên tinh thần đó, Luật bầu cử quy định cụ thể hơn về: thời gian ấn định, công bố ngày bầu cử; ngày kết thúc bầu cử; thời gian bỏ phiếu; nơi bỏ phiếu; việc bỏ phiếu sớm hoặc hoãn bỏ phiếu...

Trong thời hạn mười ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin khác của địa phương.

Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối. Tuỳ tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá mười giờ đêm. Trường hợp Tổ bẩu cử có một trăm phần trăm cử tri trong danh sách bầu cử đã bỏ phiều thì có thể kết thúc việc bầu cử nhưng không sớm hơn 15 giờ.

Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu ĐBQH và bỏ một phiếu bầu cho mỗi cấp HĐND. Cử tri phải tự mình đi bầu, không được nhờ người khác bầu thay, trừ một số trường hợp được quy định trong Luật Bầu cử; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu và bầu. Mọi người đều phải tuân theo nội quy của phòng bỏ phiếu; không được vận động bầu cử tại phòng bỏ phiếu.

Về kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử quy định: Sau khi nhận được biên bản kết quả kiểm phiếu của các Tổ bầu cử, Ban bầu cử kiểm tra các biên bản đó và lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử của mình. Trong số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu, người ứng cử được quá nửa số phiếu hợp lệ và được nhiều phiếu hơn là người trúng cử. Trong trường hợp nhiều người được số phiếu bằng nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử

Luật quy định rõ các trường hợp cần bầu cử bổ sung ĐBQH và ĐBHĐND và chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 2 năm, đồng thời đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Khuyết trên mười phần trăm tổng số ĐBQH đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ;

- Khuyết trên một phần ba tổng số ĐBHĐND đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ;

- Đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính hiện có số lượng ĐBHĐND không đủ hai phần ba tổng số đại biểu được quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tiễn, Quốc hội sẽ quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung ĐBQH; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử ĐBHĐND cấp tỉnh; Thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung ĐBHĐND cấp huyện, cấp xã khi xét thấy cần thiết.

Nguyễn Ngọc Phương
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh