.
Tuần làm việc đầu tiên tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII:

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tham gia nhiều ý kiến

Thứ Hai, 02/06/2014, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc vào sáng 20-5 tại Thủ đô Hà Nội. Phát huy tinh thần và kết quả đạt được qua các kỳ họp trước, tại kỳ họp này các đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Bình ngay từ tuần họp đầu tiên đã tham gia nhiều ý kiến.

Trong phiên thảo luận đầu tiên tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần đưa vào Luật điều khoản quy định khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa về đường thủy nội địa, trong xây dựng bến bãi, khu neo đậu, các đội cứu hộ, cứu nạn hỗ trợ các phương tiện cho cứu hộ, cứu nạn.

Yêu cầu quy định việc bắt buộc mua bảo hiểm dân sự đối với tất cả các loại phương tiện tham gia thủy nội địa, vì đây là loại hình có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu mua được bảo hiểm thì sẽ đỡ gánh nặng cho xã hội sau khi có tai nạn xảy ra; bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị đưa vào luật việc đăng kiểm quản lý các loại nhà hàng nổi kinh doanh trong vùng thủy nội địa, các loại thuyền du lịch, bobo,... và nên có một loại hình đăng ký riêng cho các phương tiện đan xen giữa vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hóa hoặc tham gia đánh bắt thủy sản.

Đại biểu đề nghị trong Luật cần phân định việc quản lý các phương tiện nhỏ không đăng kiểm nên giao về cho các xã, phường, thị trấn quản lý, vì phương tiện này tham gia giao thông trong vùng thủy nội địa cũng có thể gây nguy hiểm. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị sửa đổi một số điều cụ thể trong các điều để tiếp tục hoàn thiện Luật và thông qua.

Đặc biệt, sáng 21-5, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại Đoàn về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chủ trương và giải pháp của Việt Nam đối với vấn đề này. Sau phát biểu của đồng chí Hoàng Đăng Quang, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn cơ bản nhất trí và cho rằng, tình hình nắm bắt và xử lý việc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã xử lý kiên quyết nhưng mềm dẻo, thể hiện được ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân thế giới về quyền chủ quyền, quyền tài phán và chỉ trích sai phạm trắng trợn, nghiêm trọng của Trung Quốc.

Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì điều hành phiên thảo luận tổ
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì điều hành phiên thảo luận tổ.

Tuy nhiên, các đại biểu trong Đoàn cũng cho rằng, công tác theo dõi nắm tình hình của tình báo Việt Nam còn chậm. Các đại biểu đề nghị Quốc hội cần có tiếng nói kịp thời, có nghị quyết riêng thể hiện rõ thông điệp cao nhất của Quốc hội khẳng định chủ quyền của lãnh thổ Việt Nam với thái độ kiên quyết, cứng rắn; trong tình hình hiện nay cần tăng cường công tác đoàn kết nội bộ trong Đảng, trong nhân dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đề nghị Chính phủ và Bộ Quốc phòng chủ động triển khai phương án đối phó, coi trọng đàm phán, giữ vững quan hệ, chủ động thông báo tình hình, diễn biến của biển Đông đến cộng đồng quốc tế và các nước trên thế giới; sẵn sàng nêu các vấn đề trên các diễn đàn quốc tế, chuẩn bị các điều kiện khi cần thiết để khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế; tập trung giải quyết vấn đề gây rối, kích động trong nhân dân; Quốc hội có thể dành khoảng thời gian thảo luận tại hội trường và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam cho toàn thể cử tri cả nước thấy được vai trò và lập trường của Quốc hội đối với tình hình biển Đông; phát huy có hiệu quả vai trò của các nhóm nghị sĩ của Quốc hội để họ lên tiếng kêu gọi nghị sĩ các nước có tiếng nói chung ủng hộ Việt Nam về tình hình biển Đông.

Thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội, đại biểu Hoàng Đăng Quang, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng nhấn mạnh và đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để công tác xây dựng luật, pháp lệnh cần phải được thực hiện đúng quy trình, thủ tục và phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi cao, bảo đảm chất lượng ngày càng cao hơn.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như tiến độ xây dựng nhiều dự án luật còn chậm so với kế hoạch; chất lượng soạn thảo văn bản không cao; việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chậm; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh không ổn định, phải điều chỉnh nhiều lần. Đây là những hạn chế, tồn tại kéo dài nhiều năm, do đó đề nghị Chính Phủ nghiêm túc đánh giá, phân tích đúng các nguyên nhân của hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, đại biểu Hà Hùng Cường nhấn mạnh thêm việc để cho Luật ngày càng hoàn chỉnh và phù hợp với tình hình thực tiễn cần phải có quy định cụ thể về Thanh tra hàng không, Nhà chức trách hàng không,... Đối với vấn đề quản lý bay không người lái, vận chuyển vũ khí ra vào hay qua lãnh thổ Việt Nam do Bộ Quốc phòng quy định; về giá dịch vụ thì giao cho Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính phối hợp có quy định phù hợp, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại vì hiện nay giá máy bay của các nước trên thế giới rẻ hơn nhiều so với ở Việt Nam.

Thảo luận ở tổ vào chiều 22-5 về dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), đại biểu Trần Minh Diệu cho rằng, việc quy định về độ tuổi nghỉ hưu tại Điều 55 của dự thảo Luật này ở tuổi 65 đối với Kiểm sát viên cao cấp là không phù hợp với Bộ luật Lao động và cần phải cân nhắc kỹ. Đối với việc dự thảo luật quy định Viện trưởng Viện Viện  KSND tỉnh chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện KSND tối cao nhưng không quy định Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao chịu trách nhiệm trước cơ quan nào là chưa đầy đủ và thiếu chặt chẽ; theo đại biểu thì cần bổ sung vào dự thảo luật này quy định “Viện trưởng Viện KSND tối cao phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và pháp luật”.

Đại biểu Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện một trong 3 quyền lực được Hiến pháp quy định, là cơ quan tập trung quyền lực cao nhất, quan trọng nhất trong quá trình thực hiện quyền tư pháp, mặc dù đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn có một số vấn đề còn bất cập. Đại biểu nhấn mạnh về việc tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, về Hội đồng tổ chức tuyển dụng bổ nhiệm Thẩm phán; về quy định phê chuẩn, bổ nhiệm Đoàn Hội thẩm,... đặc biệt đại biểu nhấn mạnh việc dự thảo luật đưa ra vấn đề hoạt động có tính độc lập của Tòa án, nhưng chưa thấy quy định vai trò của Chính phủ trong vấn đề kiểm soát quyền lực của Tòa án. Đối với dự thảo Luật tổ chức Viện KSND (sửa đổi), đại biểu nhấn mạnh về vai trò giữ quyền công tố của Viện kiểm sát, về những hoạt động điều tra nhưng không mở rộng về phạm vi, đại biểu đề nghị cần phải giải mã việc kháng nghị của Viện kiểm sát đối với các bản án của Tòa án, vì nếu quy định như trước đây sẽ hạ thấp vai trò của Tòa án trong quá trình xét xử.

Sáng 23-5, thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án bảo đảm cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, đại biểu Hoàng Đăng Quang khẳng định những khó khăn về tình hình phát triển kinh tế ở nước ta trong 4 tháng đầu năm đang chuyển biến chậm, số doanh nghiệp giải thể, ngừng, tạm ngừng hoạt động tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chậm đi vào cuộc sống, hiệu quả thấp; tình hình lạm phát được kiểm soát, lãi suất ngân hàng thương mại giảm nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn nên kéo theo những hệ lụy lớn về lao động, việc làm, thu nhập của người lao động và một số chính sách an sinh xã hội đang gặp một số khó khăn lớn, do đó đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân vì sao chậm và cần thể hiện rõ trong báo cáo.

Đại biểu cho rằng, báo cáo của Chính phủ đánh giá về tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng xử lý nợ xấu của ngân hàng còn lúng túng; nguồn vốn FDI giải ngân có xu hướng giảm xuống, trong khi đó vốn FDI đăng ký chỉ đạt khoảng 55% nhưng chưa thể hiện rõ nguyên nhân vì sao còn chậm; việc tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp 3 năm qua có chiều hướng giảm, đại biểu cho rằng nếu không có cơ chế chính sách đầu tư đột phá vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân nông thôn dễ dẫn đến phát triển thấp; đại biểu khẳng định vai trò trong quản lý nhà nước và sự tác động vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Bộ Khoa học và Công nghệ chưa rõ nét, đề nghị cần bổ sung. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần phải đánh giá lại các quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện của Việt Nam cần nhìn nhận đúng hơn, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông, một số dự án Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam chưa tính hết về lĩnh vực an ninh, như Dự án của Tập đoàn Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), bô-xít ở Tây Nguyên và một số dự án khác còn nặng về kinh tế mà ít chú trọng về công tác Quốc phòng an ninh trong những khu vực này nên tính lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam còn quá lớn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan cần tăng cường và chú trọng đầu tư phát triển kinh tế biển gắn với chủ quyền biển đảo vì hiện nay kinh tế biển có nhiều vấn đề chưa tương xứng, cần phải rà soát lại một số chương trình để phát triển kinh tế biển, nhất là đối với 15 Khu kinh tế ven biển để thấy được những hạng mục cần thiết, từ đó có chính sách đầu tư phù hợp; đồng thời chú trọng đến các khu kinh tế cửa khẩu biên giới và dọc tuyến biên giới vừa chú trọng phát triển kinh tế, vừa quan tâm đến chiến lược quốc phòng an ninh...

Sáng 24-5 thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), đại biểu Trần Minh Diệu quan tâm về 3 vấn đề cơ bản, đó là: về vật liệu xây dựng; về điều kiện, năng lực của chủ đầu tư; về nội dung liên quan đến việc điều chỉnh của dự án. Trong đó, đại biểu quan tâm nhấn mạnh và cho rằng, vật liệu xây dựng là một trong những bộ phận cấu thành cơ bản, quyết định chất lượng, hiệu quả của các công trình xây dựng; đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thiết kế thành một chương riêng với hệ thống các điều, khoản cụ thể tạo công cụ pháp lý trong công tác quản lý và giám sát quá trình triển khai các dự án xây dựng.

Phong Hồng - Ất Mão