.

Những ý kiến tâm huyết đóng góp vào dự thảo Luật Hải quan sửa đổi

Thứ Ba, 27/05/2014, 09:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Vừa qua, chúng tôi có dịp theo đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Trong buổi tiếp xúc, cử tri các cơ quan, ban ngành làm việc ở đây đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm bổ sung vào dự thảo Luật Hải quan sửa đổi. Sau đây là một số ý kiến:

Những ý kiến tâm huyết đóng góp cho Luật Hải quan sửa đổi sẽ góp phần làm cho Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo phát triển hơn.
Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ngày càng phát triển.

- Thượng tá Đặng Xuân Thịnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo:

Theo tôi, dự thảo Luật Hải quan sửa đổi nên bổ sung cụm từ “hành lý” vào phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 và sau cụm từ “phương tiện vận tải” tại các khoản 1, khoản 2 điều 2; khoản 5, khoản 6, khoản 12 Điều 4; khoản 1, khoản 3 Điều 15; khoản 1 Điều 16 và khoản 1 Điều 88 của dự thảo Luật. Vì "hành lý" của người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh đều chịu sự kiểm tra, giám sát của Hải quan và được quy định tại Điều 53 dự thảo Luật, nhưng tại các điều trên vẫn chưa được đưa vào dự thảo. Do đó, cần bổ sung cụm từ “hành lý” để Luật Hải quan sửa đổi được chặt chẽ và đầy đủ hơn.

Tại điểm C, khoản 2, Điều 33, tôi đề nghị thay thế cụm từ “với sự chứng kiến” bằng cụm từ “có sự phối hợp”. Vì các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại khu vực cửa khẩu đều là cơ quan phối hợp với lực lượng Hải quan trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó, khi kiểm tra hàng hóa trực tiếp thì các cơ quan chức năng tại cửa khẩu phải tham gia với vai trò là lực lượng phối hợp theo quy chế, kế hoạch đã ký kết để hỗ trợ cho lực lượng Hải quan về con người, phương tiện để quá trình kiểm tra được bảo đảm, chặt chẽ, an toàn hơn.

Tại khoản 1, Điều 34: đề nghị bổ sung cụm từ “chủ trì, phối hợp với các lực lượng có liên quan” trước cụm từ “kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải”. Vì lực lượng Hải quan được nhà nước giao trách nhiệm kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải. Song bên cạnh đó còn có lực lượng khác như: Bộ đội Biên phòng cũng có nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm qua biên giới... và kiểm tra phương tiện vận tải, hành lý xuất, nhập cảnh. Hiện tại chưa có văn bản nào quy định lực lượng nào chủ trì trong kiểm tra phương tiện vận tải, hành lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu nên dễ chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và đùn đẩy trách nhiệm. Do đó, bổ sung cụm từ trên là hợp lý và đầy đủ. Khoản 1, Điều 34 đề nghị bổ sung như sau: “Trong phạm vi địa bàn hoạt động của Hải quan, cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm “chủ trì phối hợp với các lực lượng liên quan” kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải”

- Ông Bùi Vĩnh Trường, Phó chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cha Lo

Tại Điều 4, mục giải thích từ ngữ. Trong khoản 14 quy định: Thông quan là việc hoàn thành các thủ tục Hải quan để hàng hóa được nhập khẩu, xuất khẩu hoặc đặt dưới chế độ quản lý nghiệp vụ Hải quan khác. Về khoản này, tôi xin đề nghị sửa lại như sau: Thông quan là việc hoàn thành các thủ tục Hải quan để hàng hóa được nhập khẩu, xuất khẩu, “phương tiện vận tải được nhập cảnh, xuất cảnh” hoặc đặt dưới chế độ quản lý nghiệp vụ Hải quan khác.

Bởi vì trong thực tế, khái niệm “thông quan” từ lâu nay đã gắn chặt không chỉ với hàng hóa mà còn với phương tiện vận tải. Khi nói đến thông quan tức là nói đến việc cơ quan Hải quan hoàn thành thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh.

Trong Luật Hải quan sửa đổi quy định: Căn cứ vào kết quả phân tích, đánh giá rủi ro và các thông tin có liên quan đến hàng hóa, thủ trưởng cơ quan Hải quan nơi tiếp nhận, xử lý hồ sơ Hải quan quyết định kiểm tra hồ sơ Hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa. Về vấn đề này, tôi có ý kiến như sau: đề nghị sửa lại cụm từ “thủ trưởng cơ quan Hải quan” thành cụm từ “cơ quan Hải quan” để bao quát hơn. Vì không phải mọi trường hợp thủ trưởng cơ quan Hải quan đều quyết định việc kiểm tra, mà tùy trường hợp có thể do hệ thống phần mềm hoặc do công chức Hải quan thực hiện.

Thủ trưởng cơ quan Hải quan chỉ quyết định thay đổi hình thức, mức độ kiểm tra khi cần thiết. Đồng thời, đề nghị sửa lại cụm từ “nơi tiếp nhận, xử lý hồ sơ Hải quan” thành “nơi làm thủ tục Hải quan” và cụm từ “kiểm tra hồ sơ Hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa” thành “kiểm tra Hải quan” cho ngắn gọn, đầy đủ và bao quát hết các trường hợp.

Xuân Vương (thực hiện)