Trao sinh kế giúp đồng bào thoát nghèo

  • 11:01 | Thứ Hai, 28/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tạo sinh kế bền vững đóng vai trò quan trọng trong quá trình thoát nghèo của bà con. Thời gian qua, nhiều giống cây trồng, vật nuôi đã có “chỗ đứng” vững chắc ở vùng cao, góp phần giúp bà con cải thiện thu nhập, tạo việc làm ổn định, lâu dài. Quan trọng hơn, từ đó, thay đổi nhận thức, xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, nhiều giống cây trồng, vật nuôi bước đầu mang lại “tín hiệu vui” cho ĐBDTTS.

Anh Cao Như Ý (SN 1989) và chị Cao Thị Hiến (SN 1993) là hộ gia đình cận nghèo ở bản Chuối (xã Lâm Hóa, Tuyên Hóa). Bấy lâu nay, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào đàn lợn, gà nhỏ lẻ của chị hay nghề đi rừng của anh. Cuộc sống vì thế khó khăn chồng chất. Đầu năm 2024, với sự hỗ trợ vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, anh chị mua 6 con dúi giống và bắt đầu một sinh kế mới. Anh Cao Như Ý chia sẻ, những bỡ ngỡ ban đầu dần được tháo gỡ, bởi anh chị được tập huấn kỹ thuật chăm sóc dúi, được nhân viên của công ty cung cấp giống tư vấn, hỗ trợ trong suốt quá trình nuôi.

Chị Cao Thị Hiến vui mừng chia sẻ, đàn dúi mới sinh sản thêm 2 con, mang đến nhiều hy vọng cho gia đình. Thời gian tới, anh chị rất mong muốn tiếp tục được hỗ trợ thêm con giống để nâng tổng đàn nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa Cao Phương Hướng cho biết, từ đầu năm 2024, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ cho 20 hộ dân trên địa bàn xã mô hình nuôi dúi với kinh phí gần 10 triệu đồng/hộ. Bà con được tập huấn kiến thức, kỹ năng nuôi dúi và trong suốt quá trình chăm sóc, nhân viên công ty cung cấp giống tích cực hỗ trợ, tư vấn cho đồng bào. Về đầu ra cho sản phẩm, bên cạnh nguồn tiêu thụ tại chỗ, công ty cũng cam kết thu mua lại dúi cho bà con có nhu cầu bán. Sắp tới đây, từ nguồn hỗ trợ của dự án 3 và dự án 9 của chương trình, địa phương sẽ triển khai cho các hộ dân nuôi lợn bản. Kỳ vọng, những giống vật nuôi này sẽ tạo sinh kế bền vững, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho ĐBDTTS trên địa bàn xã.

Mô hình nuôi dúi kỳ vọng mang lại sinh kế mới cho gia đình anh Cao Như Ý và chị Cao Thị Hiến ở bản Chuối (xã Lâm Hóa, Tuyên Hóa).
Mô hình nuôi dúi kỳ vọng mang lại sinh kế mới cho gia đình anh Cao Như Ý và chị Cao Thị Hiến ở bản Chuối (xã Lâm Hóa, Tuyên Hóa).

Còn tại bản An Bai (xã Kim Thủy, Lệ Thủy), Trưởng ban Hồ Song đã có kinh nghiệm chăn nuôi dê, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Anh Hồ Song tâm sự: “Những năm trước đây, gia đình tôi rất khó khăn về kinh tế, làm chỉ đủ ăn, không có tích lũy, không bảo đảm chi tiêu cho bản thân và gia đình. Tôi suy nghĩ và bàn bạc với gia đình quyết định vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy để mua 30 con dê về chăn thả”.

Thời điểm đó, khó khăn đặt ra là vào vụ trồng ngô, lúa, bà con không có bãi chăn thả gia súc. Vậy là anh dành 1ha đất trống cằn cỗi, có độ dốc lớn khó canh tác để trồng cỏ voi nuôi dê. Chăn nuôi thuận lợi dần, từ năm 2019 đến nay, đàn dê của gia đình sinh thêm được 20 con, đồng thời diện tích trồng cây cỏ voi sau thời gian được chăm sóc cho thu hoạch, bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn dê. Đặc biệt, từ khi trồng cỏ voi, gia đình anh đỡ vất vả hơn trước rất nhiều trong việc chăm sóc đàn dê. 

Ngoài ra, anh Hồ Song còn tận dụng số đất rừng khai hoang của gia đình để trồng rừng. Anh mạnh dạn vay thêm vốn, cộng với số tiền tích góp để mua cây giống, phân bón, mua thêm đất rừng, trồng cây keo lai phát triển kinh tế. Sau nhiều năm vất vả cải tạo, gia đình anh đã có hơn 5ha diện tích đất lâm nghiệp để trồng keo. Đến kỳ thu hoạch, cây keo mang về cho gia đình nguồn thu nhập khá.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy Hồ Văn Thắng, trên địa bàn xã, bên cạnh các mô hình giống cây trồng, các vật nuôi chủ yếu, gồm: Trâu, bò, dê, lợn, gà… Trong đó, ĐBDTTS tập trung nuôi dê, trâu…, mang lại sinh kế ổn định. Thời gian tới, với nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã sẽ hỗ trợ bà con trồng sắn nguyên liệu. Với nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, bà con sẽ được hỗ trợ mô hình nuôi bò vỗ béo.

Theo thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh, với nguồn vốn ngân sách nhà nước từ các chương trình MTQG (nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, DTTS và miền núi) cùng với nguồn vốn cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là các hộ ĐBDTTS được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất, được tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn kỹ năng tiếp cận, mở rộng với thị trường.

Đáng chú ý, việc thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trong vùng ĐBDTTS, các địa phương, đơn vị đã huy động các nguồn lực hỗ trợ cho vùng ĐBDTTS và miền núi hơn 45 tỷ đồng, trong đó có xây dựng các mô hình sinh kế theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của từng bản…

Mai Nhân

tin liên quan

Hành trình đổi thay "nếp nghĩ, cách làm"

(QBĐT) - Cô gái bản Nịu (xã Thượng Trạch, Bố Trạch) Y Buốt đã can đảm đi theo một lối khác và giờ đây tự tin là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thượng Trạch. 

Công an TP. Đồng Hới ứng trực trong mưa bão

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 6 (Trami), từ 0 giờ ngày 26 đến 8 giờ ngày 28/10 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to khiến một số địa phương bị ngập lụt, chia cắt, như: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch.

Lệ Thủy: Ngập chìm trong nước lũ

(QBĐT) - Sáng 28/10, có mặt tại "rốn lũ" Lệ Thủy, theo ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Bình, các xã vùng giữa của huyện Lệ Thủy, như: An Thủy, thị trấn Kiến Giang, Liên Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy… đã ngập lụt trên diện rộng. Trong đó có hơn 3.700 hộ ngập sâu trên 1m và hơn 8.600 hộ ngập sâu dưới 1m.