Ngành may gặp khó trong tuyển dụng lao động

  • 06:55 | Thứ Tư, 30/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là ngành giải quyết việc làm nhiều nhất trong các ngành công nghiệp của tỉnh, thế nhưng, may mặc cũng là ngành luôn phải đối mặt với những khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay.
 
Công ty TNHH May Tiến Hùng (Quảng Ninh) hiện có gần 300 lao động tại 2 cơ sở sản xuất, với mức lương thực nhận 6,5 triệu đồng/người/tháng. So với những năm trước, đơn hàng trong năm 2024 tăng lên và sang năm 2025 cũng có tín hiệu tốt về đơn hàng. Tuy nhiên, công ty lại đang đối mặt với tình trạng thiếu 200 lao động để đáp ứng yêu cầu công việc với lượng đơn hàng tăng lên ở thời điểm hiện tại.
 
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Giám đốc Công ty TNHH May Tiến Hùng cho biết: Thời gian qua, tỉnh, các sở, ngành liên quan cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện hết sức, đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề khắc phục tình trạng thiếu lao động cho ngành may là rất khó. Hiện, ở các vùng nông thôn, học sinh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông là tìm cách để đi xuất khẩu lao động.
Thiếu lao động khiến việc phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp may mặc khó khăn.
Thiếu lao động khiến việc phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp may mặc khó khăn.
Còn tại Công ty CP Dệt may Huế-Chi nhánh Quảng Bình, bà Lê Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ phận nhân sự cho hay: Nếu như năm 2023 khá u ám với ngành may, thì năm 2024 ổn định, với đơn hàng có thể nói là khá dồi dào. Doanh thu của đơn vị 9 tháng năm 2024 đạt 63 tỷ đồng; tính đến ngày 21/10/2024, chi nhánh có 661 lao động, với thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/người/tháng. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chi nhánh cần tuyển thêm 200 lao động may. Công ty đã triển khai tuyển dụng trên nhiều kênh, như: Đăng tin tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm, phát tờ rơi, treo băng rôn về từng địa phương, đăng thông tin qua mạng xã hội,... Tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận các đơn hàng, tăng năng lực sản xuất, cũng như đáp ứng tiến độ sản xuất theo yêu cầu của khách hàng.
 
Theo ông Võ Xuân Trung, Giám đốc Xí nghiệp May Hà Quảng, đối với ngành may mặc, tình trạng thiếu lao động diễn ra gần như thường xuyên; nhất là những năm gần đây, số lao động trẻ đi xuất khẩu lao động ngày càng nhiều. Hiện xí nghiệp đang cần tuyển 500 lao động. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng đơn vị đã tích cực tìm kiếm đơn hàng để duy trì hoạt động của doanh nghiệp và ổn định việc làm, thu nhập cho lao động. Hiện tại, xí nghiệp vẫn duy trì việc làm cho 1.100 lao động với thu nhập trung bình trên 7,3 triệu đồng/người/tháng.
 
Qua khảo sát, việc tuyển dụng lao động vào ngành may những năm gần đây gặp khó khăn là do nhiều lao động địa phương đi xuất khẩu lao động hoặc tìm kiếm ngành nghề có thu nhập cao hơn. Ở thời điểm đang phục hồi và mở rộng sản xuất, thiếu lao động đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sản phẩm công nghiệp của ngành may 9 tháng năm 2024 giảm 33,6% so với cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025, một số doanh nghiệp may mặc đã ký được các đơn hàng bảo đảm cho đơn vị vận hành hết công suất nhưng vẫn thiếu nguồn nhân lực sản xuất.
 
Qua thống kê sơ bộ của Sở Công thương, hiện ngành may mặc cần 1.600 lao động; trong đó: Xí nghiệp May Hà Quảng đang có nhu cầu tuyển 500 lao động, Công ty TNHH S&D Quảng Bình 500 lao động, Công ty CP Dệt may Huế-Chi nhánh Quảng Bình 200 lao động, Công ty CP Đại Thành 300 lao động, Công ty TNHH May Tiến Hùng 200 lao động.

“Một mặt, chúng tôi tìm cách “giữ chân” người lao động bằng việc quan tâm, động viên, chăm lo đời sống, bảo đảm các chế độ lương, thưởng,… cho công nhân hiện đang làm việc tại công ty. Mặt khác, đơn vị cũng đã về tận địa bàn xã, phường để tuyển dụng lao động mới và giải quyết tạm thời tình trạng khó khăn trước mắt bằng cách tuyển công nhân thời vụ. Về lâu dài, cần phải nghiên cứu cải tiến tổ chức sản xuất, thiết bị máy móc để giảm nhân công. Song, điều kiện tài chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi có hạn. Mong muốn phía các ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyên truyền về tuyển dụng lao động địa phương, cũng như có chính sách hỗ trợ vốn, thuế cho doanh nghiệp trong thời gian gặp khó khăn…”, Giám đốc Công ty TNHH May Tiến Hùng chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Công thương Đào Anh Tuấn cho biết: Việc thiếu lao động may mặc đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn hàng sẽ chậm hoặc không thể hoàn thành đúng với hợp đồng, doanh thu của doanh nghiệp sẽ bị sụt giảm. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, sở đã thường xuyên tổng hợp và kiến nghị đến các cơ quan chức năng để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động. Để khắc phục tình trạng này, doanh nghiệp cũng cần xem xét thay đổi phương thức sản xuất hướng đến sản xuất xanh, tiết kiệm sức lao động, đào tạo lại hoặc đào tạo tại chỗ, nâng cao tay nghề cho lao động. Phía cơ quan liên quan cũng sẽ có kế hoạch dự báo sớm nhu cầu, thị trường lao động cũng như hoàn thiện các thiết chế phụ trợ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… nhằm dần tháo gỡ các khó khăn.
Hương Lê

tin liên quan

Trao tặng nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ

(QBĐT) - Chiều 29/10, UBND huyện Quảng Ninh phối hợp với nhà hảo tâm Hoàng Nguyễn Phương Thảo ở TP. Hồ Chí Minh trực tiếp đến thăm hỏi, trao tặng nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ huyện Quảng Ninh.
 

Lệ Thủy: Vào nơi "lụt sâu, ngập lâu" để cứu trợ bà con

(QBĐT) - Với địa hình bán sơn địa thuộc huyện chiêm trũng huyện Lệ Thủy, hàng năm, thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy thường là nơi được lũ lụt "ghé thăm" sớm nhất và "rút lui" muộn nhất. 

Huy động lực lượng hỗ trợ di dời người dân bị ngập lụt

(QBĐT) - Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự huyện Quảng Ninh cho biết, do ảnh hưởng bão số 6, trong 2 ngày qua trên địa bàn huyện Quảng Ninh xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to đã làm 11.500 ngôi nhà của người dân bị ngập.