Ghi từ "rốn lũ" Lệ Thủy

  • 15:14 | Thứ Hai, 28/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Do ảnh hưởng của bão số 6, những ngày qua, trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa có nơi đạt trên 600mm, trọng điểm mưa là khu vực các xã Thái Thủy, Kim Thủy, Trường Thủy…Mưa lớn, khiến mực nước trên sông Kiến Giang vượt báo động 3, gây ngập lụt và chia cắt ở một số địa phương và vùng trũng của huyện. Theo dự báo, mưa lớn kết hợp với triều cường khiến mực nước trên sông Kiến Giang còn tiếp tục dâng cao…
 
Nước lũ lên nhanh…
 
Là một trong những vùng “rốn lũ” của huyện Lệ Thủy, tại xã An Thủy, theo thống kê của chính quyền địa phương, đến chiều 28/10, toàn bộ số nhà dân trên địa bàn xã đã ngập lụt. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, xã An Thủy đã chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, bố trí cán bộ túc trực 24/24 giờ…
 
Chủ tịch UBND xã An Thủy Lê Văn Quyết cho hay, từ chiều 27/10, do mưa lớn, nước lũ lên nhanh trong đêm, rút kinh nghiệm của đợt lũ lịch sử năm 2020, chính quyền và người dân đã rất chủ động, sẵn sàng ứng phó với lũ lụt. Đặc biệt, trước khi nước lũ dâng cao, người dân đã chủ động di dời tài sản đến nơi an toàn; đồng thời dự trữ lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt để phục vụ cho cuộc sống khi nước lũ ngập sâu, kéo dài…
Huyện Lệ Thủy nước lũ vẫn còn cao.
Huyện Lệ Thủy nước lũ vẫn còn cao.
“Toàn xã có hơn 2.800 hộ dân, đến hết ngày 28/10 đã có 570 nhà dân bị ngập trên 1m và có hơn 2.700 nhà dân nước đã vào nhà. Theo tính toán, đợt lũ lụt năm nay gần giống với đợt lũ năm 2011. Hiện, địa phương đang cho các đơn vị, thôn thống kê lại thiệt hại; cử cán bộ và các lực lượng Công an, Quân sự, dân quân tại chỗ túc trực 24/24 giờ; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực, vật lực, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra…”, Chủ tịch UBND xã An Thủy cho hay.
 
Qua trao đổi với nhiều người dân tại “rốn lũ” Lệ Thủy, mặc dù là địa phương luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và đã “sống chung” với lũ lụt hàng chục năm qua. Nhưng, chiều tối hôm qua, nước lũ lên nhanh trong đêm, bà con cũng rất bất ngờ.
 
“Với phương châm không để bị động, khi nghe loa tuyên truyền của xã, thôn, gia đình tôi đã chủ động di dời các tài sản có giá trị lên cao; đồng thời trong lúc nước lũ đang lên không ra sông tiến hành vớt củi dọc sông và bảo đảm an toàn tuyệt đối hệ thống điện trong mùa lũ…”, anh Lê Văn Sáu, thôn Đông Thành, xã Liên Thủy cho hay.
Nhiều nhà dân tại huyện Lệ Thủy bị ngập lụt.
Nhiều nhà dân tại huyện Lệ Thủy bị ngập lụt.
Tại xã Lộc Thủy công tác ứng phó với mưa lũ đang được chính quyền địa phương tiến hành khẩn trương, quyết liệt, đặc biệt luôn chủ động phương châm “4 tại chỗ”.
 
Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy Dương Công Nhân cho hay, hiện tại, toàn xã có 1.236 hộ dân thì địa phương có hơn 1.150 nhà bị ngập, trong đó, có 550 nhà ngập trên 1m. Đến chiều 28/10, địa phương đã bố trí lực lượng Công an, dân quân tổ chức đi giúp đỡ các gia đình yếu thế di dời và các đơn vị, cửa hàng sắp xếp tài sản lên cao, đề phòng trong những ngày tiếp theo lũ lụt lên cao hơn…
 
Tập trung khắc phục hậu quả
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn thông tin, để chủ động ứng phó với mưa lũ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh; tổ chức trực ban 24/24 giờ; chủ động triển khai kịp thời các phương án, biện pháp ứng cứu; đồng thời trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo xử lý các tình huống tại các địa bàn trọng điểm, xung yếu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do lũ lụt gây ra…
Một số hộ dân tại xã Kim Thủy bị nước cuốn trôi tài sản.
Một số hộ dân tại xã Kim Thủy bị nước cuốn trôi tài sản.
Trước đó, huyện Lệ Thủy đã tổ chức di dời 89 hộ, 333 khẩu ở các xã Lâm Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy, Thái Thủy đến nơi an toàn. Ngoài ra, tại các xã, thị trấn vùng thấp trũng đã di dời nội bộ từ hộ nhà thấp sang nhà kiên cố, cao tầng.
 
Huyện Lệ Thủy hiện có 28 hồ chứa, 32 đập dâng, có tổng dung tích trên 141 triệu m3. Trong đó, có 5 hồ chứa có dung tích trên 119 triệu m3 do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý và 23 hồ chứa nước vừa và nhỏ do UBND các xã, thị trấn quản lý có dung tích từ 0,2 triệu m3-dưới 2,6 triệu m3.
 
Các hồ chứa cơ bản đã đầy nước, nước đã chảy qua tràn. Hiện mực nước trong các hồ chứa này bảo đảm an toàn.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn bị sạt lở do mưa lớn.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn bị sạt lở do mưa lớn. 

“Chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện phương châm “4 tại chỗ” một cách linh hoạt, có hiệu quả; huy động lực lượng xung kích tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; đặc biệt, tập trung huy động lực lượng Công an, Quân sự hỗ trợ các xã, thị trấn thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn các hộ dân tại các khu vực xung yếu, cố lập, khó tiếp cận…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn cho biết thêm.

Tính đến chiều ngày 28/10, do ảnh hưởng của bão số 6, huyện Lệ Thủy có 1 người chết; hơn 15.800 nhà bị ngập nước, trong đó có hơn 10.000 nhà ngập dưới 1m, hơn 5.700 nhà dân bị ngập trên 1m; diện tích hoa màu, rau màu bị thiệt hại hơn 300ha; diện tích nuôi cá-lúa, nuôi hồ mặt nước 100 ha. Ngoài ra, có nhiều diện tích hoa màu, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nhưng hiện chưa thống kê được…

Ngọc Hải

tin liên quan

Video Clip: Tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện Bố Trạch

(QBĐT) - Mưa lớn kết hợp triều cường trong những ngày qua đã khiến nhiều khu vực trên địa bàn huyện Bố Trạch ngập lụt cục bộ, chia cắt và sạt lở. Hiện, chính quyền địa phương đã bố trí rào chắn và cắt cử lực lượng cảnh báo; đồng thời tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra. 

Hành trình đổi thay "nếp nghĩ, cách làm"

(QBĐT) - Cô gái bản Nịu (xã Thượng Trạch, Bố Trạch) Y Buốt đã can đảm đi theo một lối khác và giờ đây tự tin là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thượng Trạch. 

Khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn

(QBĐT) - Toàn huyện Quảng Ninh có 8.228 nhà dân bị ngập trong lũ, 986 hộ dân phải di dời từ vùng ngập lụt đến nơi an toàn.