Bức tranh xuất khẩu lao động-Bài 2: Được nhiều, mất cũng không ít
(QBĐT) - Không thể phủ nhận hiệu quả và tầm quan trọng của công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với việc phát triển kinh tế-xã hội và công tác giảm nghèo của các địa phương. Tuy nhiên, đi cùng những lợi ích to lớn là muôn vàn khó khăn, trắc trở và suy đi xét lại, cái được nhiều, cái mất cũng không ít.
>>> Bài 1: Những gam màu tươi sáng
Hệ lụy của xuất khẩu lao động bất hợp pháp
Cũng giống như nhiều địa phương khác, tình trạng xuất khẩu lao động (XKLĐ) bất hợp pháp đang trở thành vấn nạn, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công tác XKLĐ ở Quảng Bình. Hàng năm, có không ít trường hợp lao động địa phương ôm mộng làm giàu từ con đường XKLĐ bất hợp pháp. Chọn con đường thoát nghèo bằng XKLĐ là giải pháp đúng đắn của không ít gia đình.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế eo hẹp và nhận thức chưa đầy đủ nên nhiều lao động đã xuất cảnh trái phép hoặc cố tình cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài khi hết thời hạn hợp đồng lao động. Đã là bất hợp pháp thì sẽ không được pháp luật chấp nhận và giấc mộng làm giàu nơi viễn xứ cũng chẳng hề “trải hoa hồng” như nhiều người lầm tưởng, bởi đó là con đường tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, bất trắc.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 2018, anh Đ.V.C., ở xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) quyết định vay vốn ngân hàng đi XKLĐ tại Đài Loan. Sau 6 tháng làm việc tại một cơ sở cơ khí, nhận thấy mức lương không như mong muốn lại bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, anh bỏ ra làm ngoài. Nhưng chỗ làm mới công việc cũng không khá hơn nên anh “nhảy việc” liên tục, thu nhập không đáng là bao. Hết hạn hợp đồng, anh không về nước mà cư trú bất hợp pháp tại xứ người.
Từ đây, anh bắt đầu những ngày tháng sống trong nơm nớp, lo lắng. Công việc không ổn định, chủ liên tục nợ lương, lại luôn thấp thỏm bị nhà chức trách truy quét nên đầu năm 2023, anh quyết định về nước. Trở về với nguồn vốn ít ỏi, lại không có nghề nghiệp ổn định, một lần nữa, anh Đ.V.C. ôm mộng XKLĐ nhưng vì “lý lịch đen” từng cư trú bất hợp pháp nên anh bị cấm xuất cảnh, giấc mộng XKLĐ tan vỡ.
Thực tế, việc lao động Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc tại nước ngoài đã diễn ra trong nhiều năm. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), tính đến ngày 31/3/2023, Quảng Bình có 718 lao động cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài; trong đó, nhiều nhất là huyện Bố Trạch (374 người), kế đến là TX. Ba Đồn (105 người), TP. Đồng Hới (77 người), Quảng Ninh (61 người)…
Bất chấp việc phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro cao, như: Thiếu việc làm, tai nạn lao động, không được bảo hộ quyền công dân, bị ngược đãi, bị chủ nợ lương và khi bị phát hiện, lao động sẽ bị nước bạn bắt giam, trục xuất, mất cơ hội nhập cảnh trở lại làm việc, nếu có nhu cầu…, không ít lao động vẫn cố tình cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài. Tình trạng này đưa đến nhiều hệ lụy tiêu cực đối với hoạt động XKLĐ, không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động giữa tỉnh với các thị trường tiếp nhận lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ muốn sang làm việc tại các thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường trọng điểm, tiềm năng, như: Hàn Quốc, Nhật Bản...
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phạm Tiến Nam, để nâng cao hơn nữa hiệu quả XKLĐ, vấn đề quan trọng hàng đầu là cần ngăn chặn tình trạng NLĐ bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài. Do đó, cần chú trọng công tác giáo dục NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài, cần tuyên truyền để NLĐ có kiến thức pháp luật, hiểu rõ những rủi ro và tác hại nếu bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, từ đó an tâm thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết; tăng cường tuyên truyền, vận động lao động về nước theo quy định sau khi hết hợp đồng, có cam kết xác định trách nhiệm của gia đình NLĐ trong việc vận động người thân trở về nước.
Về lâu dài, cần có chính sách tạo việc làm cho NLĐ khi trở về nước, bởi đây không chỉ là cơ sở để khai thác tốt nguồn nhân lực có chất lượng, tránh lãng phí nguồn lực, mà còn giúp họ yên tâm trở về nước sau khi hết thời gian lao động tại nước ngoài, hạn chế việc lao động bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp...
Không ít rào cản
Bên cạnh những “góc khuất” của thực trạng XKLĐ bất hợp pháp, công tác đưa người đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài ở tỉnh ta còn gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề chất lượng nguồn lao động cung ứng cho thị trường quốc tế. Những năm gần đây, bên cạnh nâng cao số lượng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh cũng chú trọng đến chất lượng của nguồn nhân lực này. Công tác tư vấn, giới thiệu, cung ứng việc làm XKLĐ và du học tại các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary, Ba Lan, Úc, Đức… tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 9 tháng năm 2024, hệ thống các trung tâm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh đã tư vấn cho 30.000 lượt người, trong đó bao gồm cả tư vấn XKLĐ, du học; giới thiệu việc làm, cung ứng và kết nối việc làm thành công cho trên 5.000 người.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài vẫn thiên về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực dù đã được cải thiện song vẫn còn khá khiêm tốn, đa số là lao động phổ thông. Vẫn có một bộ phận không nhỏ NLĐ trình độ ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật và tay nghề hạn chế. Nguyên nhân của thực trạng này lao do công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho NLĐ còn thiếu chặt chẽ, chưa có sự gắn kết giữa hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với đơn vị tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài, dẫn đến tỷ lệ lao động có tay nghề cao thấp, làm giảm năng lực cạnh tranh cũng như ảnh hưởng đến vị thế NLĐ của tỉnh khi đi làm việc ở nước ngoài.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ LĐ-TB-XH, giai đoạn 2017-2023, tỉnh Quảng Bình có 1.267 lao động hết hạn hợp đồng phải về nước, tuy nhiên, có đến 595 lao động không về nước đúng hạn, cư trú bất hợp pháp, chiếm 46,96%. |
Ngoài ra, công tác XKLĐ của tỉnh còn gặp một số rào cản khác, như: Năng lực của một số tổ chức, doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu tính chuyên nghiệp. Việc xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về NLĐ của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài chưa thường xuyên; một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vẫn còn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Công tác hỗ trợ, khai thác, phát huy nguồn lực lao động sau thời gian NLĐ đi làm việc ở nước ngoài vẫn chưa thực sự hiệu quả...
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, ông Phạm Tiến Nam cho biết, thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng, chính sách, pháp luật của công tác XKLĐ; ưu tiên đưa lao động kỹ thuật có tay nghề đi làm việc ở những thị trường có thu nhập cao, an toàn và tiếp tục phát huy nguồn lực này sau khi về nước trên cơ sở bảo đảm cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực trong nước; lựa chọn những doanh nghiệp đủ tư cách pháp nhân, có năng lực, uy tín trong lĩnh vực XKLĐ để phối hợp về tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh.