Bảo đảm an toàn giao thông từ khu dân cư
(QBĐT) - Các mô hình điểm “Khu dân cư thực hiện tốt an toàn giao thông” không những góp phần gìn giữ trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) ngay từ cơ sở mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, từng bước xây dựng văn hóa tham gia giao thông an toàn.
Khu dân cư Thượng Thôn, xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn) có 270 hộ dân với hơn 1.400 nhân khẩu. Đây là địa bàn có 2 tuyến tỉnh lộ đi qua và một số tuyến đường hẹp giao nhau với mật độ giao thông qua lại lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Những năm qua, người dân địa phương luôn tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, khu dân cư kiểu mẫu, đặc biệt là các hoạt động về bảo đảm TTATGT.
Nhiều mô hình, như: Đoạn đường tự quản, cung đường sáng-xanh-sạch-đẹp… được người dân ý thức tự giác chấp hành và xem đây là tiêu chí để bình xét danh hiệu thi đua đối với tập thể, hộ gia đình. Tuy vậy, công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn thôn vẫn còn nhiều tồn tại. Trên thực tế đã xảy ra những vụ tai nạn thương tâm làm thiệt hại về người và tài sản.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Thượng Thôn chia sẻ, trước đây, một số hộ dân khi xây dựng các công trình gia đình vẫn lấn chiếm lề đường để làm nơi tập kết vật liệu gây nguy hiểm cho người đi đường. Nhiều trường hợp vẫn uống rượu, bia khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành pháp luật về giao thông… Các văn bản pháp luật về ATGT, văn hóa giao thông chưa được phổ biến thường xuyên, đầy đủ trong các hoạt động, sinh hoạt của các tổ chức xã hội, đoàn thể, cộng đồng dân cư.
Năm 2024, khu dân cư thôn Thượng Thôn được Ủy ban MTTQVN TX. Ba Đồn chọn làm điểm ra mắt mô hình “Khu dân cư thực hiện tốt ATGT”. Sau buổi ra mắt, đại diện các tổ chức đoàn thể và các hộ gia đình trên địa bàn thôn Thượng Thôn đã ký cam kết không vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Người dân Thượng Thôn cũng nhất trí không lấn chiếm lòng đường gây cản trở, ách tắc giao thông; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện đều đội mũ bảo hiểm, có giấy tờ xe và giấy phép lái xe; không uống rượu, bia khi tham gia giao thông, không chạy xe lạng lách, đánh võng…
Theo Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Nguyễn Thị Kiều, các hộ dân trong thôn cũng thống nhất đưa chỉ tiêu về ATGT vào quy ước của khu dân cư và trở thành một trong những tiêu chí bắt buộc khi xếp loại, bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TX. Ba Đồn Trần Thị Tuyết Lan cho hay, việc ra mắt mô hình điểm “Khu dân cư thực hiện tốt ATGT” nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản pháp luật quy định về bảo đảm TTATGT đến cộng đồng khu dân cư, góp phần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về giao thông và văn hóa giao thông an toàn. Thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng trên cơ sở phù hợp với đặc điểm, tính chất, tình hình TTATGT của từng địa phương.
Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lê Văn Thủy, việc xây dựng các mô hình điểm “Khu dân cư thực hiện tốt ATGT” là giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong việc bảo đảm TTATGT ngay từ cơ sở. Thông qua việc xây dựng mô hình góp phần thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử văn hóa của người dân theo hướng tích cực thực hiện bảo đảm ATGT, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. |
Tại huyện Tuyên Hóa, mô hình điểm “Khu dân cư thực hiện tốt ATGT” được triển khai tại thôn Đức Phú 2, xã Đức Hóa. Ban Tổ chức ngay sau đó đã thông qua quyết định thành lập nhóm nòng cốt “tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt ATGT” gồm 5 thành viên; đồng thời tổ chức cho các hộ dân ký cam kết gia đình bảo đảm TTATGT. Cũng tại hội nghị, người dân được lực lượng Cảnh sát giao thông tuyên truyền những quy định về Luật Giao thông đường bộ, tình hình tai nạn giao thông, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn giao thông và nêu ra một số biện pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông trên địa bàn...
Sau khi ký cam kết không vi phạm pháp luật về TTATGT, anh Nguyễn Văn Cường chia sẻ, bà con trong thôn Đức Phú 2 thống nhất cao đưa tiêu chí này vào hương ước, trở thành một trong những tiêu chí bắt buộc khi xếp loại, bình xét danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm. Nếu gia đình nào có vi phạm về TTATGT, cuối năm sẽ không được bình bầu danh hiệu. Việc ký vào cam kết cũng là tự răn bản thân, làm gương cho con cháu mỗi khi tham gia giao thông, nhất là dịp cưới hỏi, giỗ chạp... bà con thường sử dụng bia, rượu nhưng sau đó vẫn lái xe về nhà.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đều xây dựng các mô hình điểm về “Khu dân cư thực hiện tốt ATGT” và bước đầu mang lại hiệu quả. Hy vọng, từ hiệu quả của mô hình điểm sẽ tiếp tục lan tỏa để giảm thiểu tối đa các hệ lụy từ tai nạn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong cộng đồng, giữ vững trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương.
X.Phú