Vì sao ông Trần Phùng chưa được xác nhận liệt sỹ?
(QBĐT) - Đó là câu hỏi của không chỉ người thân, mà còn là nỗi day dứt, trăn trở của những nhân chứng đã trực tiếp chứng kiến thời điểm ông Trần Phùng (SN 1923), ở thôn Hồng Sơn (cũ), nay là thôn 2 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa) bị thương và mãi mãi ra đi trong đêm 15/5/1967, khi máy bay Mỹ ném bom xuống kho thóc của thôn.
Báo Quảng Bình vừa nhận được đơn của ông Trần Bá Lễ ở thôn 2 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa đề nghị xác nhận liệt sỹ cho ông Trần Phùng (có văn bản ghi là Trần Đình Phùng) bị máy bay Mỹ thả bom chết năm 1967 trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ kho thóc. Ông Trần Bá Lễ là người được gia đình ủy quyền làm hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền suy tôn liệt sỹ cho ông Trần Phùng.
Ông Phùng “hy sinh” như thế nào?
Nội dung đơn cho biết, ông Trần Phùng là đảng viên, tham gia cách mạng từ năm 1944-1967. Vào đêm 15/5/1967, máy bay địch bất ngờ ném bom bắn phá kho thóc, kho ngô của đội 3, thôn Hồng Sơn (thuộc Hợp tác xã (HTX) Thiết Sơn, xã Thạch Hóa). Để cứu kho thóc, ông Phùng đã anh dũng lao vào kho thóc rồi hô hoán nhân dân, dân quân đến dập lửa, cứu kho, bảo vệ tài sản cho nhân dân. Sau đó, ông không may bị trúng bom, bị thương nặng và tử vong. Thời điểm đó, ông Phùng là cấp ủy viên Chi bộ Thiết Sơn, Đội trưởng dân quân thôn Hồng Sơn, Đội trưởng sản xuất kiêm đại biểu HĐND xã Thạch Hóa.
Theo nội dung đơn, chúng tôi đã tìm đến những người từng chứng kiến sự kiện xảy ra vào đêm 15/5/1967 để hiểu rõ thêm sự việc. Bà Trần Thị Ngọc Lan (SN 1947, ở thôn 2 Thiết Sơn), nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Thiết Sơn thời kỳ đó cho biết, khoảng 22 giờ ngày 15/5/1967, khi nghe có tiếng máy bay gầm rú và ném bom xuống kho thóc, ngô của HTX, ông Phùng đã nhanh chóng có mặt, hô hào người dân dập lửa cứu kho. Khi bà có mặt đã thấy ông Phùng bị thương ở bụng, ruột lòi ra ngoài. Thấy ông Phùng bị thương nặng, người dân đã đưa ông Phùng đi cấp cứu nhưng trên đường đi, ông Phùng đã không qua khỏi.
Bà Lan còn nhớ rõ, những năm đế quốc Mỹ đưa máy bay bắn phá ra miền Bắc, hầu hết các cơ quan của Huyện ủy, UBND huyện Tuyên Hóa đều sơ tán về Thạch Hóa nên vùng đất này là trọng điểm bắn phá của máy bay địch.
Ông Mai Xuân Thưởng (SN 1932), một nhân chứng khác từng là dân quân địa phương thời điểm năm 1967 nhớ lại, khi kho thóc bị trúng bom, ông là một trong số những người đầu tiên có mặt tại đây. Vừa ra đến nơi, ông thấy ông Cao Ngọc Quỳnh và Cao Ngọc Duận đã tử vong, còn ông Trần Phùng bị thương ở bụng.
Ông Thưởng cho rằng, cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại sự việc đêm hôm đó, bản thân ông cảm thấy rất áy náy, day dứt về sự hy sinh của ông Trần Phùng, bởi ông đã vì trách nhiệm với công việc, vì cứu tài sản của nhân dân nên mới hy sinh. Thế nhưng không hiểu vì sao ông Phùng vẫn chưa được công nhận liệt sỹ?
Tiếp tục củng cố căn cứ pháp lý
Liên quan đến sự việc này, trước đó, tại phiên tiếp công dân tháng 9/2020 của lãnh đạo tỉnh, bà Nguyễn Thị Bình (con dâu của ông Trần Phùng) đã có ý kiến đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết chế độ liệt sỹ cho ông Trần Phùng. Thực hiện kết luận của lãnh đạo tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh có văn bản số 3301/VPUBND-TCD, ngày 21/9/2020 giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) kiểm tra, có văn bản hướng dẫn, trả lời công dân theo quy định.
Văn bản này nhấn mạnh, Sở LĐ-TB-XH phải báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/10/2020. Ngày 12/10/2020, Sở LĐ-TB-XH có văn bản đề nghị UBND huyện Tuyên Hóa chỉ đạo UBND xã Thạch Hóa kiểm tra trường hợp hy sinh của ông Trần Phùng, nếu đủ điều kiện suy tôn liệt sỹ thì hoàn tất thủ tục và cấp giấy báo tử theo Điều 4, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH, ngày 15/5/2013 của Bộ LĐ-TB-XH trước khi chuyển sở xem xét, giải quyết. Tuy nhiên đến nay, thân nhân ông Trần Phùng vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết của cấp có thẩm quyền.
Làm việc với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hóa Trần Kim Tuyến cho biết, căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH, ngày 15/5/2013 của Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, UBND xã Thạch Hóa đã hướng dẫn gia đình phối hợp bổ sung các loại giấy tờ theo quy định để trình cấp có thẩm quyền xét duyệt.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, thân nhân gia đình chưa cung cấp được giấy tờ theo quy định để xác nhận ông Trần Phùng hy sinh trong chiến đấu hay phục vụ chiến đấu. Vì vậy, đối chiếu với quy định nêu trên, hiện chưa có cơ sở để thiết lập hồ sơ đề nghị các cấp xem xét xác nhận liệt sỹ đối với ông Trần Phùng. Để có căn cứ lập hồ sơ công nhận liệt sỹ đối với ông Trần Phùng, thời gian tới, xã cũng đang đề nghị thân nhân gia đình phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục củng cố, bổ sung cơ sở pháp lý theo quy định tại Điều 72, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Tuyên Hóa Lương Công Đức: “Chúng tôi rất trăn trở về trường hợp ông Trần Phùng nhưng do hồ sơ, tài liệu liên quan không còn lưu trữ, nên rất khó xác minh. Thời gian tới, phòng đề nghị UBND xã Thạch Hóa tiếp tục phối hợp hướng dẫn gia đình củng cố hồ sơ bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý theo đúng quy định. Phải có căn cứ rõ ràng, chứ không chúng tôi rất khó để đề xuất lên cấp có thẩm quyền quyết định”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hóa Trần Kim Tuyến: “Liên quan đến sự hy sinh của ông Trần Phùng, cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm. Tuy nhiên, căn cứ các quy định hiện hành, hiện chưa đủ căn cứ và cơ sở để giải quyết. Chính quyền địa phương hiện cũng không lưu giữ các tài liệu, hồ sơ liên quan. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thành lập tổ xác minh lấy ý kiến xác nhận của các nhân chứng về sự kiện máy bay Mỹ ném bom bắn phá kho thóc, kho ngô của đội 3, thôn Hồng Sơn vào đêm 15/5/1967 hiện còn sống trên địa bàn để bổ sung hồ sơ, đề nghị lên cấp trên. Chúng tôi cam kết sẽ làm hết trách nhiệm của mình với các thế hệ cha ông đã cống hiến và hy sinh máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ quê hương, đất nước”. |
Dương Công Hợp