"Ươm mầm" hy vọng
(QBĐT) - Tại thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) có một ngôi trường đặc biệt dành cho những đứa trẻ có phận đời kém may mắn. Ở đó, các em không chỉ được học tập, dạy dỗ, chăm sóc, phục hồi chức năng bằng tất cả tình yêu thương, sự tận tâm của các bà sơ mà còn nhận được sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng, xã hội. Ngôi trường đặc biệt ấy mang tên Mái ấm Hy Vọng Vincent thuộc Cộng đoàn mến thánh giá Hướng Phương. Đúng như tên gọi, suốt nhiều năm qua, nơi ấy đã trở thành mái ấm tình thương ươm mầm hy vọng cho biết bao trẻ em thiệt thòi, yếu thế.
Chúng tôi đến Mái ấm Hy Vọng Vincent đúng vào giờ tập thể dục buổi sáng của các em. Thoạt nhìn qua, có lẽ chẳng ai nghĩ đây là lớp học của những đứa trẻ “không bình thường”. Nhìn những đứa trẻ ngây thơ, chưa ý thức, tiếp nhận được hết các hiệu lệnh, chỉ dẫn nhưng vẫn đứng thành từng hàng ngay ngắn, khuôn mặt rạng rỡ nụ cười, lắc lư theo từng điệu nhạc mới hiểu hết những nỗ lực của các sơ ở đây. Sau giờ thể dục, các cháu phân thành từng nhóm đi về lớp học của mình. Và cứ thế, một buổi học mới lại bắt đầu, như mọi ngày...
Theo chia sẻ của sơ Maria Cao Thị Minh Huệ, phụ trách Cộng đoàn mến thánh giá Hướng Phương, Mái ấm Hy Vọng Vincent được thành lập từ năm 2007. Ban đầu, mái ấm nhận chăm sóc, nuôi dưỡng một số cháu nhỏ hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn và các vùng lân cận. Đến nay, trải qua nhiều năm hoạt động, ngày càng có nhiều mảnh đời bất hạnh tìm đến nơi đây.
Hiện, mái ấm có 90 trẻ nội trú và 50 trẻ bán trú được phân theo 10 phòng, gồm: Phòng phục hồi chức năng, phòng dạy trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ rối loạn phổ tự kỷ, tăng động, trẻ bị down… Mỗi đứa trẻ đến với mái ấm đều là một hoàn cảnh đặc biệt, nhất là các trẻ nội trú. Có em là trẻ mồ côi, có em bị bỏ rơi, có em khuyết tật không nơi nương tựa…
Nuôi dạy các em là 14 sơ thuộc Cộng đoàn mến thánh giá Hướng Phương. Ngoài ra, mái ấm còn thuê thêm 6 giáo viên bên ngoài để dạy cho trẻ. Xuất phát từ lòng trắc ẩn, tình yêu thương đối với những đứa trẻ kém may mắn, họ không chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ các em bằng tinh thần trách nhiệm mà còn với cả tấm lòng, sự tận tâm như thể đang chăm lo cho những đứa con ruột thịt của mình.
Tại phòng phục hồi chức năng, sơ của mái ấm đang nhẹ nhàng nắn bóp đôi bàn tay co quắp cho bé Dâu Tây (10 tuổi). Mấy hôm nay trời trở gió, chân tay em lại đau nhức, khó chịu. Cảm nhận được sự yêu thương qua từng cử chỉ chăm sóc nhẹ nhàng của sơ, chốc chốc cô bé lại đưa mắt nhìn sơ, miệng cười tươi. 4 năm vào Mái ấm Hy Vọng là quãng thời gian sức khỏe Dâu Tây có những chuyển biến tích cực vượt xa mong đợi của các sơ. Số phận dường như quá khắc nghiệt với cô bé tật nguyền khi lấy đi của em một cơ thể lành lặn lại không cho em một gia đình trọn vẹn, đủ đầy. Thiếu vắng tình thương của cha, Dâu Tây sống với người mẹ nghèo đến lo mưu sinh còn khó, chưa nói đến thời gian chăm sóc em. Thế nên, năm 2020, mẹ gửi em vào Mái ấm Hy Vọng Vincent. Từ đó, em sống ở đây với các sơ, được các sơ tận tình chăm sóc.
Ngày mới vào, Dâu Tây chỉ biết ngồi một chỗ, chân tay co quắp không thể cử động, không cầm nắm được. Sau một thời gian được các sơ kiên trì chăm sóc, phục hồi chức năng, dần dần, cô bé đáng thương đã đi được một đoạn dài và có thể tự cầm thìa ăn cơm. Với em và với cả các sơ, đó là kết quả ngoài mong đợi. Bởi chừng ấy thôi nhưng là biết bao nỗ lực của các sơ. Chừng ấy thôi nhưng thắp lên trong cô bé tật nguyền biết bao tin yêu, hy vọng.
“Đến thăm Mái ấm Hy Vọng Vincent, nhìn cách các sơ ân cần chăm sóc cho trẻ, nhìn sự phát triển, tiến bộ từng ngày của các cháu, chúng tôi rất cảm phục tấm lòng của các sơ. Hiện tại, mái ấm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nên ngoài sự quan tâm của các cấp, ngành, rất cần sự chung tay của các nhà hảo tâm để mái ấm có thêm điều kiện chăm sóc tốt hơn cho các cháu...”, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hồ Tân Cảnh chia sẻ. |
Chăm sóc, nuôi dạy một đứa trẻ bình thường đã khó. Đối với trẻ khuyết tật lại càng khó khăn gấp bội phần. Bởi vậy, với hơn 100 trẻ khuyết tật các dạng, các sơ luôn phải nỗ lực hết mình để làm tròn vai một người mẹ, một người thầy. Chọn việc chăm sóc, nuôi dạy những đứa trẻ đặc biệt là xác định chấp nhận một công việc vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại. Và, ngoài sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, tình thương phải thật lớn mới đủ sức giữ họ với công việc vất vả, áp lực này.
Để bảo đảm tài chính cho mái ấm duy trì hoạt động, ngoài một phần kinh phí từ Cộng đoàn mến thánh giá Hướng Phương, nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, các sơ còn phải trích một phần tiền cá nhân đóng góp hàng tháng. Ngoài ra, các sơ còn tăng gia sản xuất, trồng lúa, rau màu, chăn nuôi lợn, gà… để vừa góp phần cải thiện bữa ăn cho trẻ vừa có thêm nguồn thu cho mái ấm.
Cứ thế, hơn 17 năm nay, mái ấm đã nuôi lớn biết bao mầm non bất hạnh. Được chăm sóc, nuôi dạy toàn diện, nhiều trẻ em khuyết tật, mồ côi, trẻ mất nguồn nuôi dưỡng… từng ngày lớn lên trong vòng tay nhân ái của các sơ và của cộng đồng. Tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia ấy trở thành điểm tựa, niềm tin cho ước mơ của những đứa trẻ bất hạnh được chắp cánh để các em có thêm niềm tin yêu, hy vọng vào tương lai, đúng như cái tên “Hy Vọng” mà các sơ đặt cho mái ấm.
Tâm An