Đám cưới... "về làng"

  • 07:08 | Chủ Nhật, 29/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Họ không được sinh ra ở “ngôi làng” đặc biệt ấy nhưng đã lớn lên, trưởng thành và được chắp cánh ước mơ ở đó nhờ những chăm sóc ân cần cùng tình yêu thương của các mẹ, các dì, các bác. Ngày trọng đại của mình, họ chọn nơi ấy để quay về tổ chức, để được các thành viên trong làng chứng kiến những giây phút thiêng liêng, hạnh phúc của cuộc đời, cùng gửi lời chúc phúc chân tình, đầy yêu thương. Họ chính là những đứa trẻ từng được cưu mang, nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS Đồng Hới.
 
Niềm vui ngày trọng đại
 
Chiều mùa thu tháng 9, nắng vàng trải nhẹ khắp khoảng sân Làng trẻ em SOS Đồng Hới. Nơi đây thường ngày là chỗ vui chơi của các trẻ em, học sinh trong làng, nay được dựng lên một rạp lớn để tổ chức đám cưới cho Nguyễn Thị Phượng (SN 1998). Hôm nay, một thành viên của làng lên xe hoa về nhà chồng từ ngôi nhà lớn tràn đầy yêu thương này.
 
Hôm nay, tiếng ê a học bài, tiếng cười đùa của các em nhỏ và những thanh âm quen thuộc ngày thường của làng được thay bằng không khí đám cưới rộn ràng. Cô gái nhỏ của làng hạnh phúc khoác lên mình chiếc váy cô dâu, khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười luôn thường trực trên môi. Nhìn ánh mắt long lanh hạnh phúc của Phượng, ai cũng mừng cho cô gái giàu nghị lực đã tìm được bến đỗ của cuộc đời.
Mong muốn của Nguyễn Thị Phượng là được tất cả các thành viên trong Làng trẻ em SOS Đồng Hới vui chung với đám cưới của mình.
Mong muốn của Nguyễn Thị Phượng là được tất cả các thành viên trong Làng trẻ em SOS Đồng Hới vui chung với đám cưới của mình.
Từ nhỏ, thiếu vắng tình cha, Phượng và chị gái lớn lên trong vòng tay mẹ cùng những mâm cơm đạm bạc, bữa đói, bữa no. Người mẹ nghèo một mình gồng gánh mưu sinh, ai thuê gì làm nấy lại thêm sức khỏe yếu, đau ốm triền miên nên đói ăn, thiếu mặc là cảnh thường thấy của mấy mẹ con Phượng. Khi sức khỏe ngày càng yếu, không thể đủ sức chăm lo cho hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, bà Nguyễn Thị Thảo (SN 1959), mẹ Phượng, đành ngậm ngùi gửi con gái út vào Làng trẻ em SOS Đồng Hới. Năm đó, Nguyễn Thị Phượng tròn 9 tuổi, học lớp 4.
 
Thấm thoắt 17 năm trôi qua, cô bé rụt rè, nhút nhát ngày nào giờ đã trưởng thành, có việc làm ổn định và tìm được bến đỗ hạnh phúc. “Rời làng đã mấy năm nhưng chưa bao giờ em quên được những tháng ngày mình được cưu mang, chăm sóc, che chở cùng tình yêu thương mà bác Ninh (anh Nguyễn Ngọc Ninh, Giám đốc Làng trẻ em SOS Đồng Hới-P.V), các dì, các mẹ ở đây đã dành cho em. Những ân tình ấy là hành trang em sẽ mang theo suốt cuộc đời. Ngày cưới của mình, em muốn có sự chung vui của tất cả các thành viên trong làng. Nếu tổ chức ở quê thì chắc chắn mọi người sẽ không thể tham dự đông đủ nên em quyết định tổ chức ở đây, để một lần nữa được sống trọn vẹn từng cảm xúc trong vòng tay yêu thương của những người tuy không cùng dòng máu, nguồn cội nhưng chẳng khác nào người thân”, Phượng rưng rưng.
 
Giám đốc Làng trẻ em SOS Đồng Hới Nguyễn Ngọc Ninh bảo, đám cưới Phượng là ngày vui lớn của làng. Trước đám cưới một tháng, các thành viên trong làng được phân công chuẩn bị chu toàn mọi thứ từ liên hệ thuê loa đài, âm thanh, dựng sân khấu đến đặt mâm cỗ. Các cháu thiếu nhi tập trung tập luyện các tiết mục văn nghệ để biểu diễn tại đám cưới. Mọi người ai cũng háo hức, hồi hộp, mong chờ để được chung vui với ngày hạnh phúc của Phượng.
 
Ngày cưới, anh Ninh thay mặt nhà gái, dẫn cô dâu trao tận tay chú rể, không quên gửi gắm những lời nhắn nhủ ân tình của một người cha tiễn con gái về nhà chồng. Những giọt nước mắt lăn dài trên má cô dâu Nguyễn Thị Phượng và ai cũng hiểu, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc ngập tràn.
 
Nhân niềm hạnh phúc
 

Nguyễn Thị Phượng không phải là người con duy nhất trở về Làng trẻ em SOS Đồng Hới tổ chức đám cưới. Trước đó, Trương Thị Ngọc (SN 1997) cũng đã chọn nơi đây là nơi diễn ra sự kiện trọng đại của đời mình. Anh Nguyễn Ngọc Ninh chia sẻ, mỗi một đứa trẻ đến với làng đều có một hoàn cảnh đặc biệt và mỗi phận đời của các em đều có thể viết thành câu chuyện dài.

Với Ngọc cũng thế. Mồ côi mẹ từ nhỏ, bố là thương binh mất sức, nay ốm, mai đau, không thể lao động nặng, 4 chị em Ngọc lớn lên trong túng thiếu, cơ hàn. Ở xã An Ninh (Quảng Ninh), gia đình Ngọc thuộc diện đặc biệt khó khăn. Người cha ốm yếu, bệnh tật biết mình không đủ sức chăm lo cho 4 đứa con nên đành gửi đứa con gái út vào Làng trẻ em SOS Đồng Hới khi vừa tròn 9 tuổi. Từ đó, Ngọc học cách hòa nhập với cuộc sống cùng những đứa trẻ hoàn cảnh đặc biệt tại làng.  

Gia đình nhỏ hạnh phúc hiện tại của Trương Thị Ngọc.
Gia đình nhỏ hạnh phúc hiện tại của Trương Thị Ngọc.
Lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của các mẹ, các dì, các bác, Ngọc luôn là cô bé hiểu chuyện, biết nỗ lực vươn lên. Sự quan tâm, chăm sóc ân cần của các cán bộ, nhân viên trong làng và sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội đã tiếp thêm động lực cho cô bé vượt lên nghịch cảnh, theo đuổi ước mơ mà trước kia Ngọc không bao giờ dám nghĩ sẽ thành hiện thực. Tốt nghiệp đại học, ra trường được làm việc tại Làng trẻ em SOS Pleiku (Gia Lai) đúng như mong ước, hạnh phúc một lần nữa “mỉm cười” với Trương Thị Ngọc khi cô gặp được “một nửa” của mình ở đây.
 
Tháng 6/2022, Ngọc quyết định trở về Làng trẻ em SOS Đồng Hới tổ chức đám cưới với sự chứng kiến của gia đình, bạn bè, người thân và toàn thể các thành viên trong làng. “Ngày hạnh phúc nhất của mình, em muốn tổ chức ở làng, nơi em đã trải qua những năm tháng vui buồn, hạnh phúc, nơi cho em biết đến tình yêu thương, sự sẻ chia. Ở đây, em thật hạnh phúc khi có tới 12 người mẹ và rất nhiều anh, chị, em. Đặc biệt là bác Ninh. Dù chưa một lần gọi bác bằng tiếng “ba” nhưng những ân tình mà bác dành cho em và những đứa trẻ ở làng chẳng khác nào tình thương của một người cha. Suốt cuộc đời mình, em sẽ không bao giờ quên. Giờ đã có gia đình nhỏ của mình và làm mẹ, em càng thấy trân quý, biết ơn những năm tháng gắn bó dưới mái nhà ấm áp-Làng trẻ em SOS Đồng Hới”, Ngọc tâm tình.
 
Được thành lập từ năm 2006, đến nay, đã có biết bao lứa trẻ Làng trẻ em SOS Đồng Hới trưởng thành, tái đoàn tụ với gia đình, trong số đó có nhiều em đã “yên bề gia thất”. Không chỉ chăm lo cho các em từ ngày đầu vào làng cho đến khi tìm kiếm được công việc ổn định, làng vẫn luôn đồng hành cùng các em trong những sự kiện quan trọng của cuộc đời, trong đó, có lẽ ý nghĩa nhất là việc tổ chức đám cưới khi các em có nhu cầu, nguyện vọng.
 
“Tính đến nay, đã có 3 đám cưới của trẻ được tổ chức tại làng. Không rình rang, linh đình nhưng đám cưới của các cháu luôn diễn ra trọn vẹn, ấm áp với nhiều cảm xúc để lại. Chúng tôi luôn cố gắng chuẩn bị chu toàn mọi thứ để ngày trọng đại của các cháu diễn ra thật trọn vẹn, ý nghĩa…”, Giám đốc Làng trẻ em SOS Đồng Hới Nguyễn Ngọc Ninh chia sẻ.
 
Làng trẻ em SOS Đồng Hới hiện đang chăm sóc và nuôi dưỡng 107 trẻ; trong đó, 73 trẻ đang được nuôi dưỡng tại 12 nhà gia đình, 11 trẻ trai lớn đang sinh sống tại lưu xá thanh niên, 15 em đang theo học các trường đại học, cao đẳng và học nghề, 3 em đang trong chế độ 3 tháng tìm việc và 5 em đang hưởng chế độ bán tự lập. Trong 9 tháng năm 2024, làng có 24 em trưởng thành và 10 trẻ tái đoàn tụ với gia đình gốc.

Tâm An

tin liên quan

Nữ tổ trưởng tận tâm

(QBĐT) - Trách nhiệm, nhiệt huyết, hết lòng vì công việc là những nhận xét mà mọi người dành cho chị Phạm Thị Nhàn (SN 1962), Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Xuân Hải, xã Quảng Phú (Quảng Trạch). 

Tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ liều: Giải pháp phòng bệnh truyền nhiễm an toàn cho trẻ em

(QBĐT) - "Giải pháp hiệu quả phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ là: Tiêm đúng lịch, đủ liều các loại vắc-xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng", Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo.
 

Tặng quà cho học sinh các điểm trường ở bản Rào Con

(QBĐT) - Ngày 27/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đồng Hới phối hợp với Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận tổ chức chuyến công tác đến trao tặng tủ sách và tặng quà cho học sinh tại điểm trường TH số 2-THCS Phong Nha và điểm trường mầm non tại bản Rào Con.