Trọn nghĩa tri ân

  • 08:07 | Thứ Bảy, 27/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng 7 về, hàng triệu trái tim người Việt lại hướng về tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì hòa bình, độc lập và tri ân những người trở về sau bom đạn, khói lửa chiến tranh với một phần máu xương đã để lại nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, nhân dân. Cùng với cả nước, các cấp, ngành, đoàn thể, đơn vị… trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động nghĩa tình, tri ân.
 
Nơi tri ân, gặp gỡ
 
Trung tâm Điều dưỡng luân phiên người có công (NCC) tỉnh một sáng tháng 7, mọi hoạt động vẫn diễn ra như thường lệ. Nơi khoảng sân hướng ra phía biển trước trung tâm, các cụ ông, cụ bà vừa tập thể dục vừa trò chuyện rôm rả, gương mặt ai cũng rạng rỡ nụ cười-họ là những thương binh, bệnh binh đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Sự khắc nghiệt của chiến tranh và thời gian đã hằn sâu trên gương mặt họ bao nếp nhăn cùng những vết thương chực chờ tái phát khi “trái gió trở trời”, nhưng ký ức về những tháng ngày khốc liệt mà hào hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc vẫn còn vẹn nguyên, chưa bao giờ xưa cũ trong tâm thức những con người nặng lòng với quá khứ.
 
Sau các buổi trị liệu, tập thể dục, sinh hoạt văn nghệ, thể dục-thể thao, họ ngồi lại bên nhau, kể chuyện quá khứ, chuyện tương lai và những tâm tình tuổi xế chiều. “Nơi đây đã thực sự gắn kết chúng tôi. Sau mỗi đợt điều dưỡng, tôi lại có thêm nhiều bạn già, lại được sống dậy cảm xúc một thời qua những câu chuyện chúng tôi kể cho nhau. Sức khỏe tôi cũng tiến triển rất tốt nhờ sự chăm sóc ân cần, chu đáo của cán bộ, nhân viên nơi đây”, thương binh Nguyễn Văn Thẫn (SN 1940) ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) chia sẻ.
 
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến Trung tâm Điều dưỡng luân phiên NCC tỉnh là không gian thoáng đãng. Khuôn viên xanh, sạch, các khu vực đều tập trung đông người nhưng tuyệt nhiên không hề xuất hiện một cọng rác, sàn nhà luôn sạch bóng. Đặc biệt, khu vực bếp được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, mọi đồ dùng, dụng cụ nấu bếp đều được lau chùi sạch sẽ, tinh tươm.
 
Theo Giám đốc trung tâm Phạm Khắc Mạnh, đơn vị được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cảnh quan môi trường và được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đánh giá là một trong những trung tâm điều dưỡng NCC tốt nhất cả nước. Ngoài văn phòng làm việc, các khu nhà ở, phục vụ ăn uống, trung tâm có khu vật lý trị liệu, gồm: Nhà tắm sục khí, phòng xông đá muối, phòng vật lý trị liệu. Mỗi đợt điều dưỡng thường kéo dài 6 ngày, mỗi năm có khoảng 16-22 đợt đối với người trong tỉnh và 5-6 đợt đối với người ngoại tỉnh. Riêng từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 5/2024, trung tâm đã thực hiện xong 3 đợt điều dưỡng cho 321 NCC trong tỉnh.
Các thương binh, bệnh binh điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng luân phiên người có công tỉnh.
Các thương binh, bệnh binh điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng luân phiên người có công tỉnh.
Với đặc điểm đối tượng đến điều dưỡng ở độ tuổi tương đối cao, bệnh tật nhiều, thói quen sinh hoạt khác nhau, trung tâm đặc biệt chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe. Các thương, bệnh binh được các y bác sĩ thăm khám, chăm sóc, điều trị, phục hồi sức khỏe theo chế độ đặc biệt. Ngoài việc quản lý, theo dõi, thăm khám cho đối tượng, nhân viên y tế còn thực hiện các bài tập nâng cao sức khỏe, kết hợp với các máy móc, thiết bị vật lý trị liệu hiện đại. Những bữa ăn cũng được trung tâm đặc biệt quan tâm chu đáo. Các món ăn hợp lý với độ tuổi, thực đơn cũng được thay đổi thường xuyên, bảo đảm chế độ dinh dưỡng, hợp khẩu vị…
 
Bằng những chăm sóc ân cần, chu đáo ấy, trung tâm đã “níu chân” các đối tượng NCC quay trở lại sau mỗi đợt điều dưỡng. Họ đến đây để được chăm sóc, phục hồi sức khỏe, được gặp gỡ, trao gửi tâm tình tuổi già cùng những ký ức của một thời vào sinh ra tử. Họ còn được lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH gặp gỡ, trò chuyện tri ân. Ai trong số họ đã một lần đến đây đều mong muốn được sớm quay trở lại. Bởi ở đó, họ được đối đãi không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng cả tấm lòng và sự tri ân sâu sắc.
 
Nghĩa tình tháng 7
 
Qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, mảnh đất Quảng Bình đã phải gánh chịu biết bao mưa bom bão đạn. Trong cuộc chiến một mất một còn ấy, đã có bao tấm gương dũng cảm quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc. Biết bao người ra đi giữa mùa xuân của cuộc đời để tên mình khắc vào đá núi, để những cái chết hóa thành bất tử, thành hồn thiêng sông núi. Ghi nhận công lao, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ NCC trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, tỉnh xác định việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với NCC là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn.
 
Hàng năm, tỉnh bố trí ngân sách địa phương thực hiện các hoạt động tri ân, thăm hỏi NCC với cách mạng, chi trên 15 tỷ đồng để thăm, quà tặng cho NCC và thân nhân liệt sỹ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chi trên 400 triệu đồng thực hiện công tác đón nhận và an táng hài cốt liệt sỹ được quy tập từ nước CHDCND Lào bàn giao về nước, chi hàng tỷ đồng thực hiện các hoạt động tri ân vào dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7)…
 
Ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Cùng với việc tiếp nhận, xét duyệt, xác nhận kịp thời hồ sơ của các đối tượng chưa được hưởng trợ cấp để giúp NCC không phải chịu thiệt thòi, hàng năm, tỉnh đều tổ chức cho NCC đi điều dưỡng tập trung, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% NCC và thân nhân NCC theo quy định. Các Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) đang còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Việc huy động các nguồn lực chăm sóc, ưu đãi NCC được các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và nguồn hỗ trợ của các địa phương, tỉnh đã phân bổ hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho NCC, tu bổ, nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ, hỗ trợ thăm hỏi, động viên gia đình NCC ốm đau, hoàn cảnh khó khăn...
 

Tỉnh hiện đang quản lý trên 150.000 hồ sơ NCC với cách mạng (chiếm hơn 17% dân số) với hơn 13.000 liệt sỹ, trên 110.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương, gần 20.000 thương binh, bệnh binh, trên 6.300 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, gần 2.000 NCC giúp đỡ cách mạng, trên 1.000 cán bộ lão thành-tiền khởi nghĩa, gần 1.000 người hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt tù đày, 1.335 Bà mẹ VNAH (hiện tại có 3 mẹ còn sống). Hàng tháng, chi trả trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho trên 19.500 NCC với số tiền hơn 40 tỷ đồng.

Viết tiếp truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, những ngày này, đi đến đâu cũng bắt gặp những hoạt động, nghĩa cử cao đẹp, ấm áp nghĩa tình hướng về NCC. Đó là những màu áo xanh tình nguyện tất bật tu sửa, chỉnh trang, làm vệ sinh các bia, đài tưởng niệm, các công trình ghi công, phần mộ, nghĩa trang liệt sỹ...; là áo blouse trắng thực hiện khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, các thương, bệnh binh, người già neo đơn, người hoàn cảnh khó khăn. Hay những đoàn thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ cho NCC, gia đình chính sách, phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ VNAH... Có thể khẳng định, các hoạt động tri ân hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ đã thật sự trở thành phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh với nhiều hình thức, hoạt động cụ thể, thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa đáng tự hào.

 
Tháng 7 về như một dấu ấn đi vào lịch sử đất nước, nhắc nhở mọi người về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Và rồi tháng 7 cũng đi qua, nhưng những nghĩa cử tri ân vẫn sẽ tiếp diễn theo dòng chảy thời gian, từ thế hệ này sang thế hệ khác, để giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sỹ không tiếc xương máu vì sự tồn vong của Tổ quốc, dân tộc.
Tâm An

tin liên quan

Đổi thay từ các chương trình mục tiêu quốc gia

(QBĐT) - Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn với đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thời gian qua, Minh Hóa đã có nhiều nỗ lực để đổi thay cuộc sống của bà con, nâng cao dân trí, tăng thu nhập, hướng đến kế sinh nhai bền vững.

Tuyên Hóa: Một học sinh đuối nước tử vong

(QBĐT) - Ngày 26/7, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Hóa (Tuyên Hóa) Nguyễn Duy Thịnh cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến một học sinh tử vong.

Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa đã được các địa phương, đơn vị tổ chức nhằm tri ân những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh.