Nơi tri ân trên quần đảo Trường Sa
(QBĐT) - Ai từng một lần đến với quần đảo Trường Sa đều luôn cố gắng lưu lại những hình ảnh về cột mốc chủ quyền ở từng điểm đảo. Mốc chủ quyền tạc vào sóng nước đại dương, khẳng định Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Ngoài mốc chủ quyền, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ (AHLS), Bia đá khắc bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, những ngôi chùa... đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho quân và dân trên quần đảo Trường Sa.
Bài thơ Thần... lời thề giữ đảo
Năm 2015, tôi ra quần đảo Trường Sa lần thứ nhất. Khi thăm đảo Đá Tây A, tôi thấy trong khuôn viên khu dịch vụ hậu cần nghề cá của Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) một am thờ nhỏ. Lại gần, tôi bất ngờ khi am không phải thờ nhân thần, nhiên thần mà thờ bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt. Những vần thơ tạc vào bia đá mạnh mẽ, rạch ròi: “Nam quốc sơn hà nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Am thờ không bao giờ ngớt khói hương.
Thấy tôi bần thần trước am thờ, một sĩ quan Hải quân chia sẻ: “Những người lính đảo chúng em, mỗi lần thắp hương lên am thờ, thầm đọc bài thơ Thần đều có các cung bậc cảm xúc khác nhau, không lần nào giống lần nào. Giữa biển, đảo tiền tiêu Tổ quốc, bài thơ như tiếp thêm sức mạnh thiêng liêng, giúp người lính chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ tiền nhân đấu tranh, gìn giữ hàng nghìn năm”.
Mười năm sau... tôi trở lại Trường Sa, lúc đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa), ngoài quần thể tâm linh tôi đã từng viếng thăm như chùa, Đền thờ Bác Hồ, Đài tưởng niệm các AHLS... thì có thêm một phiến đá lớn, dáng hiên ngang vút thẳng lên trời xanh. Phiến đá đặt trang trọng trong khuôn viên UBND thị trấn Trường Sa. Tâm hồn tôi bỗng dâng trào cảm xúc, khi thấy trên mặt phiến đá, bài thơ Thần hiện ra, rõ mồn một: “Nam quốc sơn hà nam đế cư...”. Bản tuyên ngôn đầu tiên của nước Việt cất lên giữa muôn trùng sóng nước Trường Sa, tựa như lời nhắn nhủ của tiền nhân với hậu thế. Như lời thề giữ đảo hậu thế khắc cốt ghi tâm trước tiền nhân.
Một lần viếng chùa... thêm một lần ân niệm
Đến với quần đảo Trường Sa, hoạt động đầu tiên của những người con đất Việt từ đất liền ra là thắp hương tri ân tại Đài tưởng niệm các AHLS, Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại thị trấn Trường Sa và sau đó đi viếng chùa. Tại quần đảo Trường Sa, những ngôi chùa trở thành cột mốc tinh thần đối với bao lớp người đi giữ gìn biển đảo, khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc. Tôi từng nghe những tiếng chuông chùa ngân vang ở rất nhiều điểm đảo. Tiếng chuông chùa hòa cùng gió biển mang theo những nguyện cầu “quốc thái, dân an”.
Chùa Trường Sa tọa lạc ở trung tâm thị trấn Trường Sa, trong quần thể cùng với Đài tưởng niệm các AHLS, Nhà tưởng niệm Bác Hồ và phiến đá ghi bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt. Chùa Song Tử Tây trên đảo Song Tử Tây là ngôi chùa lớn nhất quần đảo với lối kiến trúc truyền thống một gian, hai chái, mái cong vút giữa đất trời. Chùa Vinh Phúc tại đảo Phan Vinh xây gần sát biển, cạnh pho tượng Phật ngọc. Ở đảo Sinh Tồn Đông, chùa Sinh Tồn Đông ngoài thờ tượng Phật, trong chùa còn thờ bài vị 64 AHLS hy sinh khi giữ đảo Gạc Ma.
Sư thầy Thích Nhuận Đạt, trụ trì chùa Trường Sa chia sẻ với tôi: Một lần viếng chùa là thêm một lần ân niệm-tri ân và tưởng niệm! Truyền thống ngàn xưa của người Việt là nơi nào có dân thì ở đó có đình, chùa. Đình, chùa trở thành điểm tựa tâm linh, để người dân gửi gắm khát vọng hòa bình. Những ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho ngư dân trong những lần đi biển dài ngày, cho quân và dân đang sinh sống, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Mọi người từ đất liền ra thăm quần đảo Trường Sa, viếng chùa là hướng về nguồn cội, thắp nén hương tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng.
Sư thầy Thích Nhuận Đạt dẫn tôi lên tầng hai nhà thờ tổ nằm trong khuôn viên phía sau chùa Trường Sa. Ngay gian chính điện có bàn thờ tổ trang nghiêm, bên hữu là bàn thờ những người đã khuất tại vùng biển, đảo Trường Sa, bên tả là bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bức tượng bán thân làm bằng chất liệu đồng sáng bóng. “Từ ngày Đại tướng, Tổng Tư lệnh qua đời đến nay, bàn thờ Đại tướng trở thành nơi quân và dân thị trấn Trường Sa thắp hương tưởng niệm đại tướng mỗi lần đến viếng chùa”, sư thầy Thích Nhuận Đạt cho biết.
Trung tá Đỗ Văn Diễn, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông, một người con quê hương Lệ Thủy nói với chúng tôi: “Ở chùa Sinh Tồn Đông hiện đang thờ bài vị của 64 AHLS hy sinh ngày 14/3/1988 khi giữ đảo Gạc Ma. Nhớ về các anh, nhớ về đồng đội, đồng chí mình nằm lại giữa sóng nước Trường Sa, chúng tôi vào chùa thắp nén nhang bái vọng. Trước hương hồn các anh, những người lính chúng tôi như được tiếp thêm nguồn sức mạnh, ý chí, niềm tin để vững tâm, chắc tay súng canh giữ biển, đảo Tổ quốc”.
Trong chuyến hải trình thăm quần đảo Trường Sa, đoàn Quảng Bình có anh Nguyễn Đình Thế ở xã Ngư Thủy (Lệ Thủy), con trai duy nhất của liệt sỹ Gạc Ma Nguyễn Đình Doãn. Ngày con tàu HQ-561 thả neo giữa vùng biển thuộc các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma tiến hành lễ dâng hương, thả hoa tưởng niệm các AHLS hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, Nguyễn Đình Thế đã khóc, những giọt nước mắt tự hào.
Nguyễn Đình Thế cũng vào chùa Sinh Tồn Đông thắp hương cho bố và đồng đội của bố. Người con trai liệt sỹ Gạc Ma Nguyễn Đình Doãn tâm niệm: “Ba cùng đồng đội yên lòng an nghỉ ngàn thu cùng với biển, đảo thân yêu, hòa cùng với hồn thiêng sông núi, phù hộ cho non sông thái bình, biển đảo Tổ quốc thiêng liêng bất khả xâm phạm. Con nguyện một lòng giữ vững niềm tin ba gửi trao, tôi rèn ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, góp phần cùng cả nước bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển, giữ vững quần đảo Trường Sa thân yêu!”
Trên quần đảo Trường Sa hiện có 9 ngôi chùa tại 9 điểm đảo: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Đá Tây A, Phan Vinh, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông. Sư thầy Thích Nhuận Đạt từng có thời gian 8 năm trụ trì ở chùa Song Tử Tây và 4 năm ở chùa Trường Sa Lớn tâm niệm: Tên chùa, văn bia, hoành phi, các bức đại tự, câu đối đều sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Việt nhằm khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc, khẳng định chủ quyền và văn hóa Việt Nam. Tất cả các chùa đều có chính điện hướng Bắc, hướng về nơi Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến như hướng về nguồn cội. |
Ngô Thanh Long