Nghĩa tình đồng đội
(QBĐT) - Nằm giữa cánh rừng bạt ngàn xanh ở xã Vạn Ninh (Quảng Ninh), Nghĩa trang liệt sỹ thanh niên xung phong (TNXP) Ban xây dựng 67 hàng ngày vẫn được những cựu TNXP đến chăm sóc hương khói. Ông Ngô Đức Trí, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Vạn Ninh chia sẻ: “Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng nghìn người con ưu tú của Ban xây dựng 67 đã anh dũng hy sinh. Riêng Quảng Bình có 3 nghĩa trang TNXP Ban xây dựng 67, trong đó một nghĩa trang ở xã Vạn Ninh. Các anh chị hy sinh khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi... mấy chục năm nay, quê hương Quảng Bình luôn đón nhận, chở che, hương khói”.
Mãi mãi tuổi thanh xuân
Lịch sử Ban xây dựng 67 (hiện nay là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ghi lại: Thực hiện Nghị quyết số 12 của Trung ương Đảng về công tác chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, chấp hành chủ trương bảo đảm giao thông, mở đường xuyên Trường Sơn, đưa vận tải cơ giới vận chuyển người, vũ khí, lương thực vào chiến trường của Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Bộ GTVT, ngày 23/4/1967, Ban xây dựng 67 được thành lập, cơ cấu như một cục công trình hoạt động song hành cùng Tổng cục Tiền phương, chịu sự lãnh đạo song trùng của Bộ GTVT và Tổng cục Tiền phương. Nhiệm vụ của Ban xây dựng 67 là cùng với lực lượng Quân đội, Đoàn 559 tổ chức mở đường, chiến đấu, phục vụ chiến đấu; bảo đảm giao thông trên các tuyến đường Trường Sơn; phục vụ vận tải chiến lược chi viện chiến trường miền Nam, chiến trường Lào.
Sau khi thành lập, Ban xây dựng 67 tiếp nhận lực lượng công binh, TNXP từ các binh trạm ở tuyến lửa Quảng Bình, chủ yếu là TNXP thuộc các tỉnh, thành miền Bắc. Quân số của ban duy trì từ 8.000-10.000 người, thời kỳ cao điểm năm 1971, quân số lên đến 24.000 người.
Trong giai đoạn 1967-1975, hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ, công binh, công nhân giao thông, TNXP luôn có mặt trên các trọng điểm, tọa độ ác liệt của hệ thống đường Hồ Chí Minh, làm tròn nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho hơn 1.000km đường vào chiến trường. Qua 8 năm chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, dấu ấn cán bộ, chiến sĩ, lực lượng TNXP Ban xây dựng 67 đã in đậm cùng tên núi, tên sông, tên địa danh vùng đất Quảng Bình, mãi mãi đi vào lịch sử: Ngầm Trạ Ang, ngầm Cà Roòng, Aki, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu la nhích (đường 20 Quyết thắng); Bãi Dinh, Cha Lo, Mụ Giạ (đường 12A); đèo Đá Đẽo, Bùng, phà Long Đại (đường 15); các trọng điểm trên đường 10, đường 16...
Những năm tháng chiến tranh ác liệt trên những tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, Ban xây dựng 67 có 1.088 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh; hơn 3.200 người là thương binh, bệnh binh; hàng nghìn nữ TNXP, dân công hỏa tuyến hiến trọn tuổi thanh xuân cho những con đường để rồi thời bình chịu cảnh lỡ làng, không chồng con...
Tại Quảng Bình, sau ngày đất nước thống nhất, các liệt sỹ Ban xây dựng 67 được tìm kiếm, quy tập về tại 3 nghĩa trang: Tân Ấp (Tuyên Hóa), Thọ Lộc (Bố Trạch), Vạn Ninh (Quảng Ninh)... Các anh chị ở lại với Quảng Bình mãi mãi lứa tuổi đôi mươi như ngày xưa “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Trọn nghĩa, vẹn tình với đồng đội
Trở lại với Nghĩa trang liệt sỹ TNXP xã Vạn Ninh vào một ngày tháng 7, tôi cùng ông Ngô Đức Trí thắp những nén hương tri ân lên từng ngôi mộ liệt sỹ. Giữa những dãy mộ ngăn nắp, chỉnh tề như những hàng quân năm xưa trước giờ ra trận, tôi “điểm danh” từng người: Hồ Hữu Quế, Nguyễn Xuân Dung (Hà Tĩnh); Ngô Văn Năm, Nguyễn Tấn Lộc (Quảng Bình); Hà Văn Quyền (Thái Bình); Trần Huy Trực (Thanh Hóa); Trần Văn Sáng (Hà Nam)... và nhiều tên tuổi liệt sỹ khác đến từ các tỉnh thành ở miền Bắc: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An... 300 liệt sỹ TNXP an nghỉ tại đây phần lớn hy sinh ở giai đoạn 1968-1972 trên đường 15, đường 16, đường 10 thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh, nhiều người trong số họ cho đến nay vẫn chưa xác định được danh tính.
Ông Ngô Đức Trí kể với tôi về một đồng đội của mình vừa mới qua đời, cựu TNXP Trần Sáng Tỏ, người từng có thời gian 17 năm canh giấc ngủ cho các liệt sỹ TNXP ở Nghĩa trang liệt sỹ TNXP xã Vạn Ninh. “Năm 2007, sau khi Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Bộ GTVT cùng với các cấp, ngành trong cả nước và tỉnh Quảng Bình tìm kiếm, quy tập liệt sỹ Ban xây dựng 67 đồng thời xây dựng, nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ TNXP xã Vạn Ninh thành nghĩa trang liệt sỹ cấp tỉnh, nhiệm vụ chăm sóc, hương khói được UBND xã Vạn Ninh giao cho Hội Cựu TNXP chúng tôi. Lúc này, anh Trần Sáng Tỏ tình nguyện làm quản trang. 17 năm không quản ngày đêm, mưa nắng, cựu TNXP Trần Sáng Tỏ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Cho đến lúc mất, anh Trần Sáng Tỏ vẫn đau đáu cùng chúng tôi là cố gắng lựa chọn ai đó có tâm, tình nguyện thay thế mình hương khói cho đồng đội”, ông Ngô Đức Trí chia sẻ.
“Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, 17 năm nay, Hội Cựu TNXP xã Vạn Ninh, đặc biệt là cựu TNXP Trần Sáng Tỏ, đã chăm sóc chu đáo các phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ TNXP xã Vạn Ninh. Trước hương hồn anh Trần Sáng Tỏ và anh linh các liệt sỹ, tôi cũng đã hứa rằng Hội Cựu TNXP xã sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao phó, để Nghĩa trang liệt sỹ TNXP xã Vạn Ninh trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục cách mạng cho thế hệ trẻ. Và hơn thế nữa, để những người ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đang an nghỉ trên quê hương mình cùng thân nhân của họ không phải chạnh lòng”, ông Ngô Đức Trí cho biết thêm.
Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh Nguyễn Hữu Lương cho biết: Đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Vạn Ninh có 139 liệt sỹ, 12 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 11 lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi, 128 thương binh, bệnh binh. Những năm qua, cùng với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong xã luôn quan tâm, chăm lo ngày càng tốt hơn cho các gia đình chính sách, thân nhân liệt sỹ. Đặc biệt trên địa bàn xã có Nghĩa trang liệt sỹ TNXP là nơi an nghỉ của 300 liệt sỹ TNXP Ban xây dựng 67 thời kỳ chống Mỹ, hàng năm, UBND xã trích một phần kinh phí cùng với Hội Cựu TNXP, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... huy động ngày công để sửa chữa, tôn tạo nghĩa trang; tổ chức chu đáo các hoạt động tri ân nhân các ngày lễ, Tết. |
Thanh Long