Cạn kiệt chắt chắt sông Gianh

  • 15:18 | Chủ Nhật, 28/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã từ lâu con chắt chắt, một loài hến nhỏ của sông Gianh được xem là một món ăn đặc sản, được nhiều người ưa thích. Nghề cào chắt chắt nhờ vậy đã nuôi sống bao thế hệ người dân đôi bờ sông Gianh, đặc biệt là các xã Phù Hóa, Cảnh Hóa (Quảng Trạch). Vậy nhưng hiện nay, do nhiều nguyên nhân, con chắt chắt trên sông Gianh đang ngày càng đứng trước nguy cơ cạn kiệt, khiến nhiều người làm nghề không khỏi lo lắng…
 
Nghề "cứu cánh" cho quê nghèo
 
Sông Gianh có nhiều sản vật nhưng con chắt chắt thì chỉ có nhiều ở đoạn sông từ cồn Cưỡi (xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn) đến qua cầu Văn Hóa (Tuyên Hóa). Hàng năm, vào cuối tháng hai, đầu tháng ba âm lịch, sau một cơn mưa giông, nước ngọt từ thượng nguồn đổ về, hợp lưu làn nước lợ từ cửa biển dâng lên mà sinh ra hàng triệu triệu con chắt chắt nhỏ bé.
 
Chẳng biết nghề cào chắt chắt có từ bao giờ, ngay cả những bậc cao niên quanh vùng cũng chỉ nhớ từ thuở nhỏ đã theo cha mẹ lên thuyền đi “đãi lộc” sông Gianh. Chỉ biết rằng, từ bao đời nay, những cư dân nghèo ven sông Gianh như Phù Hóa, Cảnh Hóa, Quảng Tiên, Quảng Trung... vẫn dựa vào nghề cào chắt chắt để vượt qua thời kỳ giáp hạt, có thêm thu nhập ổn định cuộc sống, chăm lo cho con cái học hành.
 
Bà Hoàng Thị Duyên (thôn Trung Tiến, xã Phù Hóa) làm nghề cào chắt chắt trên dòng sông Gianh đã hơn 40 năm nay. Gắn bó với nghề này từ lúc còn thanh nữ, gia đình bà Duyên không chỉ đánh bắt mà còn biết sơ chế chắt chắt rồi bán sỉ cho thương lái đem đi tiêu thụ ở các nơi xa hơn, vào tận TP. Đồng Hới.
 
Bà Duyên cho biết, hàng ngày, vợ chồng bà thức dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị đồ nghề ra sông để cào chắt chắt, công việc kéo dài đến khoảng 11 giờ trưa thì trở về nhà sơ chế để kịp nhập cho thương lái mang đi. Trước đây, khi chắt chắt còn nhiều, làm nghề này, đồ nghề chỉ cần chiếc cào, cái rang lớn, bao buộc lưng đựng chắt chắt.
Đi cào chắt chắt thường đi đôi theo cặp, chồng cào vợ đãi. Còn bây giờ, con chắt chắt ít dần, người cào chắt chắt phải sắm thuyền to, cào lớn để hành nghề. Dù vậy, nghề cào chắt chắt thời nào cũng vất vả, cực nhọc, vì phải ngâm mình cả ngày dưới nước sông Gianh.
Cào và đãi chắt chắt trên sông Gianh đoạn qua xã Phù Hoá và Cảnh Hoá (Quảng Trạch).
Cào và đãi chắt chắt trên sông Gianh đoạn qua xã Phù Hóa và Cảnh Hóa (Quảng Trạch).
Theo bà Duyên, vì con chắt chắt sống lẫn trong cát sông Gianh, thế nên người làm nghề phải cào cả cát cùng chắt chắt rồi sàng cát xuống sông, chắt chắt thì bỏ vào bao mang theo. Xưa người dân nghèo sống ven bờ sông Gianh cào chắt chắt chỉ để ăn, dư ra thì đem đổi lấy gạo.
 
Vùng đất này thấp trũng, ruộng ít, thường xuyên mất mùa vì lũ lụt nên hạt gạo khó làm và quý lắm. Thật may, nhờ con chắt chắt mà người dân đổi gạo, nấu cháo, thêm rau, rồi cũng qua được bao mùa giáp hạt. Nhưng chắt chắt chế biến được nhiều món mà món nào cũng ngon.
 
Vậy nên, mỗi khi có khách đến chơi, người dân vùng này lại đem món ăn được chế biến từ chắt chắt ra đãi, mà ai cũng khen ngon. Dần dà, từ món ăn dân dã, chắt chắt trở thành món đặc sản, bán được giá cao. Cũng nhờ nghề cào chắt chắt mà bao gia đình có đồng vào, đồng ra, tất cả chi tiêu gia đình, nuôi con ăn học thành tài.
 
“Cũng nhờ con chắt chắt trên sông Gianh mà gia đình tôi có thu nhập, nuôi con cái ăn học. Không chỉ gia đình tôi mà nghề cào chắt chắt thực sự là “cứu cánh” cho nhiều gia đình nghèo quanh vùng. Tôi tâm niệm sẽ gắn bó với nghề cào chắt chắt cho đến khi không còn làm nổi nữa mới thôi. Tuy nhiên, hiện nay con chắt ngày càng khan hiếm, khiến chúng tôi không khỏi lo lắng”, bà Duyên bộc bạch.
 
Nguồn lợi cạn kiệt
 
Theo những người làm nghề cào chắt chắt ở xã Phù Hóa, ngày trước khi nguồn lợi chắt chắt còn dồi dào, họ chủ yếu làm bằng thủ công. Nhưng khoảng chừng 10 năm trở lại đây, việc đánh bắt thủ công dường như không còn nữa, người dân đầu tư thuyền máy kèm chiếc cào bằng sắt, có gắn lưới để cào chắt chắt. Mặc dù vậy, sản lượng chắt chắt cào được ngày càng giảm sút rõ rệt. Không chỉ sản lượng giảm sút, nhân chắt chắt bắt được cũng ngày càng nhỏ hơn, không còn béo múp như trước đây nữa.
 
Bà Hoàng Thị Vân (thôn Thượng Thọ, xã Cảnh Hóa) cho biết, trước đây, mặc dù cào thủ công nhưng mỗi ngày, vợ chồng bà cũng cào được từ 4-5 tạ chắt chắt; nhưng hiện nay tuy đã cào bằng máy nhưng sản lượng chỉ được khoảng 1 tạ là nhiều, thậm chỉ có ngày chỉ được khoảng vài yến.
Người dân sử dụng thuyền máy công suất lớn để cào chắt chắt trên sông Gianh.
Người dân sử dụng thuyền máy công suất lớn để cào chắt chắt trên sông Gianh.
“Ngày xưa đi bộ ra trước sông cách nhà vài bước chân là đã cào, đãi được chắt chắt rồi, còn bây giờ lòng sông sâu quá nên phải sắm thuyền và cào sắt to hơn mới cào nổi chắt chắt. So với trước đây thì hiện nay thu nhập của nghề làm chắt chắt giảm rất nhiều. Trước đây đi 2 vợ chồng, mỗi ngày thu nhập được hơn 500 nghìn đồng, còn bây giờ chỉ được khoảng 300 nghìn đồng, trong khi đó giá cả cái chi cũng tăng rất nhiều”, bà Vân chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Văn Thực, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa tỏ ra khá tường tận với nghề cào chắt chắt của người dân địa phương. Ông cho biết, trước đây toàn xã có trên 30 hộ làm nghề cào chắt chắt thì nay chỉ còn lại hơn 10 hộ, bởi nguồn lợi chắt chắt trên sông Gianh đã giảm sút, cạn kiệt, người làm nghề thu không bù được chi nên họ đã bỏ dần.
 

“Xưa chắt chắt là món ăn của người nghèo, nay chắt chắt đã trở thành món đặc sản, được các nhà hàng, quán nhậu khai thác để làm món tủ… hút khách. Khách phương xa đến Quảng Bình chơi thì chắt chắt cũng là một trong những món hay được người địa phương đem ra đãi đằng, giới thiệu như một món nghèo mà sang. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm xây dựng chắt chắt trở thành sản phẩm OCOP để góp phần bảo tồn nghề truyền thống và nâng cao thu nhập cho người dân. Chỉ tiếc rằng, với tình trạng nguồn lợi chắt chắt ngày càng cạn kiệt như hiện nay, việc xây dựng sản phẩm OCOP từ chắt chắt không biết có thành công hay không?”, Bí thư Đảng ủy xã Phù Hóa Nguyễn Văn Trung trăn trở.

Theo ông Thực, nguồn lợi chắt chắt cạn kiệt do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do tình trạng khai thác cát sạn trên dòng sông quá mức. Việc khai thác cát sạn làm cho đáy sông sụp sâu, không chỉ cát mà phù du, môi trường sống của chắt chắt không còn, nên chắt chắt không còn sản sinh. Chưa kể, việc hút cát vô tình hút luôn lượng lớn chắt chắt đang sinh trưởng. Ngoài ra, ngày trước, khi khai thác bằng thủ công, người dân chỉ bắt con to, chừa lại con nhỏ để chúng sinh trưởng và phát triển. Nhưng nay, khai thác bằng cào máy, to nhỏ gì cũng bắt nên chúng dần cạn kiệt.

Trong khi đó tại xã Phù Hóa, chính quyền địa phương đang xây dựng chắt chắt thành sản phẩm OCOP, bởi chắt chắt trên sông Gianh được xếp vào loại đặc sản, ngon nức tiếng. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Trung, Bí thư Đảng ủy xã Phù Hóa, hiện địa phương cũng đang gặp khó khăn do sản lượng chắt chắt ngày càng cạn kiệt, người làm nghề không còn mặn mà do thu nhập thấp.  
 
“Bản thân tôi cùng nhiều cư dân địa phương làm nghề rất trăn trở trước việc làm sao để bảo tồn và duy trì sự sinh trưởng của loài chắt chắt trên sông quê. Thời gian qua, bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân khai thác có chọn lọc, chúng tôi mong cơ chức năng quan tâm, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép để môi trường sống của các loài sinh vật, đặc biệt là loài chắt chắt trên sông Gianh được bảo đảm”, ông Trung bày tỏ.
 
Phan Phương

tin liên quan

Phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 1384/KH-UBND về phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2030.

Chất lượng nguồn nhân lực: Động lực phát triển bền vững

(QBĐT) - Xác định nguồn lực con người là yếu tố quan trọng, tạo động lực cho sự bứt phá đi lên của địa phương, Quảng Bình đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. 

Nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân các anh hùng liệt sỹ

(QBĐT)- Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng.