Biến rác thải thành túi tái chế

  • 07:27 | Thứ Hai, 29/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm thay đổi thói quen sử dụng túi nilon và hạn chế rác thải ra môi trường, các đoàn viên, thanh niên (ĐV, TN) và phụ nữ (PN) xã Phù Hóa (Quảng Trạch) đã lên ý tưởng may túi tái chế và phát cho người dân tại các chợ. Hoạt động này đã truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường đến đông đảo người dân.
 
Chợ truyền thống là nơi phát sinh số lượng rác thải, nhất là túi nilon lớn mỗi ngày. Chính vì vậy, tuyên truyền để người dân hiểu và hạn chế thói quen sử dụng túi nilon là điều quan trọng. Xác định được điều đó, ĐV, TN và PN xã Phù Hóa đã có những hoạt động thiết thực và ý nghĩa.
 
Tại cổng chợ Lèn Rồng, xã Phù Hóa, rất đông ĐV, TN và PN xã đã có mặt để phát các túi vải và túi tái chế cho người dân. Nhìn những chiếc túi tái chế được may thời trang, đẹp mắt nhiều người dân nhận túi đều vui vẻ, hài lòng. Điểm đặc biệt là những chiếc túi tái chế này đều do chính tay các ĐV, TN và chị em PN xã làm ra.
Sử dụng túi tái chế giúp hạn chế rác thải ra môi trường.
Sử dụng túi tái chế giúp hạn chế rác thải ra môi trường.
Chị Trần Thị Viễn, Bí thư Đoàn xã Phù Hóa cho hay, nhằm chung tay bảo vệ môi trường, Huyện đoàn đã phát động nhiều hoạt động, trong đó Đoàn xã hưởng ứng với việc xây dựng mô hình “Chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa”. Mô hình được nhiều ĐV, TN và đông đảo người dân hưởng ứng thực hiện.
 
Nói về ý tưởng xây dựng mô hình, chị Trần Thị Viễn cho biết: “Hiện nay, hầu hết người dân khi đi chợ đều sử dụng túi nilon để đựng thực phẩm vì sự tiện dụng của nó. Bên cạnh đó, thức ăn chăn nuôi đang ngày càng thông dụng, kéo theo lượng bao bì đựng thức ăn thải ra môi trường rất lớn. Qua tìm hiểu và đọc các thông tin trên mạng xã hội, tôi được biết về việc sử dụng túi tái chế có thể hạn chế túi nilon thải ra môi trường. Tôi đã bắt đầu lên ý tưởng may những chiếc túi tái chế bằng các bao bì đã qua sử dụng để phát cho người dân ở các chợ truyền thống”.
 
“Mô hình thực hiện được là nhờ sự đóng góp của nhiều ĐV, TN trên địa bàn xã. Có khoảng 50 bạn tham gia thu gom và ngồi cắt may các bao bì đựng thức ăn thành các túi nhỏ gọn. Nhiều bạn dù chưa may vá lần nào nhưng khi cắt may lại làm rất đẹp và cẩn thận”, chị Trần Thị Viễn cho biết thêm.
 
Chị Trần Thị Viễn vui mừng chia sẻ: “Sau khi nhận được túi, nhiều bà con đã giữ gìn cẩn thận để sử dụng đi chợ thay thế cho túi nilon. Chiếc túi rất tiện và được chị em mang đi chợ thường xuyên khiến tôi rất vui và có động lực để có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường hơn nữa”.
Tham gia mô hình may túi tái chế còn có sự góp sức của chị em PN trong xã. Các chị cũng tích cực thu gom bao bì và cắt may thành các túi tái chế. Chị Nguyễn Thị Thúy Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Phù Hóa cho biết: “Chị em đã tiến hành thu gom bao bì và cùng các bạn ĐV, TN cắt may thành những chiếc túi không chỉ chắc chắn mà còn rất đẹp mắt. Ngoài túi tái chế, chúng tôi cũng đã trích một phần kinh phí để mua thêm 50 túi vải để phát cho bà con. Quá trình phát túi tái chế, túi vải cho bà con ở chợ, ĐV, TN và PN xã Phù Hóa đã kết hợp tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp.”
 
Nhận được những chiếc túi tái chế, bà con ở chợ rất vui mừng và thích thú. Bà Hoàng Thị Thế, thôn Trường Long cho hay: Túi được may rất chắc chắn, gọn và rất nhẹ. Sử dụng túi này đi chợ rất tiện và dễ xách, dễ vệ sinh để sử dụng lại nhiều lần.
 
Bí thư Huyện đoàn Quảng Trạch Trương Minh Tuấn cho biết: Huyện đoàn đã kêu gọi các đơn vị Đoàn xã triển khai các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình hay, ý nghĩa đã ra đời, trong đó có mô hình “Chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa” của Đoàn xã Phù Hóa. Những chiếc túi tái chế được làm ra có tính ứng dụng cao và ý nghĩa với môi trường. Sự sáng tạo này rất đáng để nhân rộng ra các địa phương khác qua đó giúp lan tỏa thông điệp chung tay bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải nilon.
Đ.Nguyệt

tin liên quan

Chất lượng nguồn nhân lực: Động lực phát triển bền vững

(QBĐT) - Xác định nguồn lực con người là yếu tố quan trọng, tạo động lực cho sự bứt phá đi lên của địa phương, Quảng Bình đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. 

Học đi đôi với hành

(QBĐT) - Học sinh, sinh viên có môi trường thực tế rèn luyện kỹ năng nghề và tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, đó là cơ hội quý được tạo ra từ chính mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo. Tuy nhiên, để mối liên kết này thêm bền chặt, cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Cạn kiệt chắt chắt sông Gianh

(QBĐT) - Đã từ lâu con chắt chắt, một loài hến nhỏ của sông Gianh được xem là một món ăn đặc sản, được nhiều người ưa thích. Nghề cào chắt chắt nhờ vậy đã nuôi sống bao thế hệ người dân đôi bờ sông Gianh, đặc biệt là các xã Phù Hóa, Cảnh Hóa (Quảng Trạch).