Để trẻ em không còn bị đuối nước
(QBĐT) - Những năm vừa qua, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, cướp đi mạng sống của hàng chục em nhỏ. Để trẻ em, học sinh (HS) không còn bị đuối nước, huyện Tuyên Hóa đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống.
Nỗi đau đuối nước
Tuyên Hóa là huyện miền núi có nhiều sông, suối, hồ đập nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn đuối nước, nhất là đối với HS và trẻ em. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của 25 người, trong đó phần lớn là trẻ em, HS.
Riêng 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện đã xảy ra 4 vụ đuối nước, làm 5 HS, trẻ nhỏ tử vong. Vụ đuối nước mới đây nhất xảy ra ngày 20/4, tại xã Kim Hóa. Theo đó, cháu T.H.C. (SN 2021), ở thôn 3, xã Thạch Hóa cùng bà ngoại đi chơi tại thôn Kim Ninh, xã Kim Hóa. Trong lúc người lớn không để ý, cháu C. đã trượt chân xuống một ao nuôi cá tại một hộ dân trong thôn dẫn đến tử vong. Đau lòng nhất là vụ xảy ra ngày 10/4 tại thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa khiến hai HS nữ tử vong khi cả hai em đều đang là HS lớp 7, Trường THCS Đồng Hóa.
Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tuyên Hóa Lê Thị Mười cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước là do trên địa bàn có nhiều sông, ao, suối, khe. Khi mùa hè đến hoặc trong những ngày nghỉ học, các em thường rủ nhau đi tắm ở những khu vực nước sâu. Có nhiều trường hợp HS biết bơi nhưng thiếu kỹ năng phòng, chống đuối nước (PCĐN). Mặt khác, công tác dạy bơi, kỹ năng PCĐN trong các trường học trên địa bàn còn hạn chế. Các em nhỏ chưa đến tuổi đi học nhưng chơi ở nhà có vườn ao, hồ, kênh mương nhưng thiếu quan sát của người lớn cũng có thể xảy ra tai nạn”…
Chung tay phòng, chống đuối nước
Để PCĐN cho trẻ em, HS, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp dạy bơi cho HS trên địa bàn; yêu cầu nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý HS trong dịp hè, tuyệt đối không để các em tự ý đi tắm trên sông, suối, khu vực có nước sâu nhưng không có người lớn đi cùng; cắm các biển cảnh báo nguy hiểm ở những nơi nước sâu, nguy hiểm…
Bí thư Huyện đoàn Tuyên Hóa Nguyễn Ngọc Quân cho biết: “Nhằm hạn chế tình trạng đuối nước trong HS, Huyện đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn tổ chức nhiều hoạt động hè bổ ích, tạo sân chơi cho HS; chủ động quản lý thanh thiếu niên, nhi đồng tại các địa phương; khuyến khích các em đăng ký các lớp học bơi và tổ chức cắm gần 100 biển báo nguy hiểm ở các điểm xung yếu dễ xảy ra tai nạn đuối nước; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng PCĐN cho các em. Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư thêm bể bơi cho các trường, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động dạy bơi”.
Tại Trường tiểu học (TH) Bắc Sơn, xã Thanh Hóa có một điểm dạy bơi đặc biệt trong suốt 6 mùa hè qua. Để duy trì lớp học, nhà trường đã phối hợp với Đoàn xã, chính quyền địa phương tổ chức thuê xe đưa đón các HS nghèo, cận nghèo ở các xã: Thanh Hóa, Hương Hóa, Lâm Hóa và Thanh Thạch về học bơi miễn phí tại trường. Em Nguyễn Bảo Khánh, HS lớp 3B, Trường TH Bắc Sơn bộc bạch: “Từ khi tham gia lớp học bơi, em được các thầy giáo vừa dạy bơi vừa hướng dẫn các kỹ năng PCĐN nên em đã bơi thành thạo”.
Bể bơi Trường TH Bắc Sơn do một nhóm thiện nguyện tặng cho trường. Từ khi có bể bơi, nhà trường đã kêu gọi được 3 giáo viên dạy thể dục trên địa bàn tình nguyện dạy bơi cho các em. Thầy giáo Nguyễn Đình Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhờ có bể bơi này, mỗi năm có trên 300 HS được học bơi, trang bị kỹ năng PCĐN. Hiện khoảng 80% HS của trường đã biết bơi, số còn lại sẽ được nhà trường dạy trong dịp hè này. Từ khi được học bơi, trên địa bàn xã chưa xảy ra trường hợp HS bị đuối nước. Tuy nhiên, để tiếp tục vận hành bể bơi vẫn cần nguồn kinh phí khá lớn nên nhà trường rất mong sự chung tay góp sức của cộng đồng”.
Năm 2023, được sự hỗ trợ kinh phí của Công ty TNHH MTV Chua Me Đất, xã Cao Quảng đã tổ chức dạy bơi miễn phí trên sông cho 120 HS. Vì số lượng HS đăng ký đông nên mỗi ngày lớp học phải chia thành 4 kíp để dạy. Mỗi kíp học bơi khoảng 1 giờ đồng hồ, do giáo viên dạy thể dục của các trường trên địa bàn xã đảm nhận. Mặc dù khóa học diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng các em cơ bản bơi lội thành thục và trang bị các kỹ năng cơ bản về PCĐN.
Xã Cao Quảng có hơn 400 HS đang học TH và THCS, trong đó có trên 280 em chưa được học bơi. Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương cho biết: “Nhờ được học bơi và trang bị kỹ năng PCĐN nên trong 3 năm gần đây trên địa bàn xã không xảy ra tình trạng HS bị đuối nước. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục kêu gọi thêm các đơn vị để cùng tổ chức dạy bơi, kỹ năng PCĐN miễn phí cho HS trong đó ưu tiên cho những em có nhà gần sông, suối; yêu cầu các trường học trên địa bàn tiếp tục quan tâm, trang bị thêm những kỹ năng PCĐN và các kỹ năng sống khác cho HS”...
“Huyện Tuyên Hóa có 21 trường TH, 15 trường THCS, 5 trường TH và THCS với trên 13.400 HS nhưng cả huyện chỉ có 3 bể bơi hoạt động trong mùa hè. Hiện tỷ lệ HS biết bơi, có kỹ năng PCĐN còn rất thấp. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường học triển khai, hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCĐN cho HS. Trước kỳ nghỉ hè, các trường cũng sẽ phối hợp với gia đình, địa phương bàn giao HS, bảo đảm các em được giám sát, quản lý chặt chẽ trong thời gian nghỉ học”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuyên Hóa Hoàng Văn Phúc cho biết. |
Xuân Vương