An toàn vệ sinh lao động: Còn đó nỗi lo!-Bài 1: Khi an toàn không đồng hành với người lao động
(QBĐT) - Tai nạn lao động (TNLĐ) là điều không ai mong muốn. Thế nhưng, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra hàng chục vụ TNLĐ lấy đi sinh mạng, sức khỏe của không ít người. Điều này cho thấy, nguy cơ mất an toàn LĐ luôn tiềm ẩn tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến... Khi không may xảy ra tai nạn, tổn thương, mất mát đối với NLĐ là rất lớn và để lại nhiều hệ lụy đau xót cho gia đình, xã hội.
Theo số liệu thống kê từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 63 vụ TNLĐ, làm 63 người chết và bị thương; trong đó có 13 người chết, 8 người bị thương nặng.
Đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng LĐ, theo báo cáo của các địa phương, trong năm, trên địa bàn TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn và các huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Minh Hóa không xảy ra vụ TNLĐ nào. Huyện Quảng Trạch xảy ra 1 vụ LĐ khai thác thủy sản nội địa bị mất tích và 5 LĐ bị thương tại nơi đánh bắt thủy sản. Huyện Quảng Ninh xảy ra 2 vụ TNLĐ khai thác đá khiến 2 người tử vong, tại địa bàn xã Trường Xuân (2 LĐ được thuê mướn) và Bố Trạch xảy ra 2 vụ TNLĐ.
Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ TNLĐ làm 6 người tử vong. Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh đã thanh tra, xử lý 4 vụ, còn 2 vụ đang tập hợp hồ sơ để tiến hành điều tra. Đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng LĐ, hiện chưa có báo cáo thống kê số vụ TNLĐ đã xảy ra.
Những con số này cho thấy công tác bảo đảm ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại không ít bất cập và TNLĐ luôn rình rập, đe dọa sức khỏe, tính mạng NLĐ bất cứ lúc nào. Chuyện NLĐ trong quá trình làm việc không may để xảy ra tai nạn gây thương tích thậm chí thiệt mạng không phải là chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, sức nóng của vấn đề cũ ấy chưa bao giờ giảm nhiệt, bởi hàng ngày, hàng giờ, tại các công trường xây dựng, các cơ sở sản xuất, hiểm nguy vẫn luôn rình rập NLĐ. Và chỉ cần một phút bất cẩn, TNLĐ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, để lại hậu quả khôn lường.
Con số 63 vụ TNLĐ (năm 2023) và 6 vụ (những tháng đầu năm 2024) mà Sở LĐ-TB-XH thống kê được thực chất vẫn là một con số chưa hoàn toàn đầy đủ. Bởi lẽ, không ít vụ TNLĐ xảy ra được các chủ doanh nghiệp, nhà thầu “ém nhẹm”, không khai báo, trở thành những vụ “tai nạn ngầm” mà cơ quan chức năng không hề hay biết. Mặc dù tại hầu hết các công trường xây dựng, các nhà máy, xí nghiệp đều đặt các biển báo, như: “An toàn là trên hết”, “Lao động phải an toàn”... nhưng không ai dám chắc phía sau những tấm biển ấy, điều kiện làm việc cũng như việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ của đơn vị sử dụng LĐ và NLĐ có bảo đảm hay không. Và thực tế cho thấy, rất nhiều vụ TNLĐ đã xảy ra, lãnh hậu quả không ai khác chính là NLĐ.
Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ ngày chồng mất do TNLĐ, chị N.T.H.Y. (SN 1977) ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau. Chồng chị, anh N.V.H. (SN 1972) là công nhân khai thác đá tại Chi nhánh Công ty CP Xây dựng 1369 Quảng Bình đóng tại thôn Cẩm Ly, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy).
Cuối tháng 2/2023, trong lúc đang làm việc tại mỏ đá Lèn Áng, xã Ngân Thủy, anh H. không may bị trượt chân ngã từ độ cao 32m so với mặt đất dẫn đến đa chấn thương tử vong. Gia đình anh chị vốn chẳng khá giả gì, nay mất đi trụ cột kinh tế nên càng khó khăn, chật vật. Một mình chị H. giờ phải bươn chải lo cho hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, đoàn điều tra TNLĐ tỉnh đã tiến hành thanh tra và đề nghị Chi nhánh Công ty CP Xây dựng 1369 Quảng Bình chi trả bồi thường tối thiểu 30 tháng tiền lương cho gia đình anh H. Mặc dù vậy, nỗi đau, mất mát mà gia đình anh phải gánh chịu rất khó để xoa dịu. “Trước đây, vợ chồng cùng bảo ban nhau chăm chỉ làm ăn lo cho các con. Giờ anh ấy đi rồi, chỉ còn một mình tôi với gánh nặng mưu sinh. Lắm lúc mệt mỏi, tủi thân đến bật khóc, nhưng rồi lại tự động viên bản thân cố gắng vì con cái”, chị H.Y. trải lòng.
Trên thực tế, có không ít vụ TNLĐ thương tâm như của anh N.V.H. đã xảy ra. Người nặng thì mất mạng, thương tật vĩnh viễn, người nhẹ thì bị thương, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế gia đình và khả năng làm việc. Tai nạn xảy ra, LĐ có hợp đồng đã khổ, LĐ tự do còn bi đát hơn. Cũng do không có hợp đồng LĐ, nên LĐ tự do không có cơ hội tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm TNLĐ-bệnh nghề nghiệp. Và khi không may sự cố xảy ra thì việc khắc phục hậu quả tùy vào… “lòng tốt” của chủ sử dụng LĐ, bởi gần như không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm đối với LĐ tự do.
Không may bị máy mài đá cắt đứt gân bàn tay trong quá trình làm việc, gần 2 tháng nay, anh Đào Văn Thông ở thôn Trung Nghĩa 5, xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) vẫn chưa thể đi làm trở lại. Là LĐ chính nên khi anh gặp vấn đề về sức khỏe phải nghỉ việc dài ngày, kinh tế gia đình trở nên bấp bênh, chật vật. Điều đáng nói, anh Thông là LĐ tự do, làm việc không có bất cứ hợp đồng hay giao kết LĐ nào. Vì vậy, khi anh không may bị tai nạn, mọi chi phí điều trị, thuốc men, gia đình anh phải gánh. Chủ cơ sở nơi anh làm việc chỉ động viên mấy câu lấy lệ chứ không hề có bất cứ sự trợ cấp, hỗ trợ nào.“Mình không có hợp đồng LĐ thì biết làm sao được. Cũng do mình bất cẩn. Giờ chỉ mong sức khỏe sớm ổn định để nhanh chóng đi làm trở lại, chứ bao nhiêu khoản phải chi tiêu”, anh Thông thở dài.
Rõ ràng, vì gánh nặng cơm áo, nhiều LĐ phải đặt cược tính mạng, sức khỏe của bản thân để làm việc trong môi trường thiếu an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Chỉ cần một chút lơ là, bất cẩn, nguy cơ ấy sẽ biết thành hiện thực với những hệ lụy đau lòng.
“Nguyên nhân của các vụ TNLĐ trong quá trình sản xuất chủ yếu do NLĐ không chấp hành tốt pháp luật giao thông đường bộ, nội quy, chưa tuân thủ nghiêm ngặt công tác ATVSLĐ trong sản xuất, bất cẩn, chủ quan…; một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng LĐ chưa chú trọng đến các công tác kiểm tra, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, phòng ngừa TNLĐ tại nơi sản xuất, chưa chú trọng việc tổ chức huấn luyện công tác ATVSLĐ cho NLĐ…”, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH Đoàn Xuân Toản cho biết. |
Tâm An
>>> Bài 2: Cần “cái bắt tay” từ nhiều phía