Chung tay bảo vệ động vật hoang dã

  • 08:59 | Chủ Nhật, 02/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm chung tay bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Ban Quản lý dự án VFBC tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB), địa phương vùng đệm thành lập các nhóm truyền thông bảo tồn cộng đồng. Nhờ đó đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ ĐVHD, chấm dứt vấn nạn liên quan đến săn bắt, buôn bán và tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD trái pháp luật.
 
VQG PN-KB nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn thuộc vùng sinh địa Indo-Malaya. Khu vực này có độ che phủ rừng cao nên được xem là ngôi nhà chung của nhiều loại ĐVHD. Hiện, trong lâm phận của vườn có gần 1.400 loài động vật, trong đó có đến 41 loài đặc hữu, 42 loài có tên trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
 
Thời gian qua, công tác bảo vệ ĐVHD tại vườn được các cấp, ngành quan tâm. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD trái pháp luật trên địa bàn vẫn còn xảy ra, nhất là các địa phương vùng đệm. Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB Nguyễn Quang Vĩnh cho biết: “Trong 20 năm qua, VQG PN-KB đã phát hiện và tháo gỡ hơn 42.500 sợi dây bẫy, bắt giữ 459 cá thể động vật rừng, 2.000kg bộ phận động vật rừng, 20 khẩu súng do người dân vận chuyển, tiêu thụ trái pháp luật. Đơn vị đã ra quyết định xử lý 2.400 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có nhiều vụ liên quan đến ĐVHD”.
Nhóm truyền thông bảo tồn cộng đồng xã Thượng Hóa tuyên truyền lưu động bảo vệ động vật hoang dã.
Nhóm truyền thông bảo tồn cộng đồng xã Thượng Hóa tuyên truyền lưu động bảo vệ động vật hoang dã.

Để bảo vệ ĐVHD trên địa bàn, Ban Quản lý VQG PN-KB đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó phối hợp dự án VFBC, Tiểu hợp phần 9 của dự án thành lập 7 nhóm truyền thông bảo tồn cộng đồng, gồm: Xã Phúc Trạch, Thượng Trạch, Xuân Trạch, thị trấn Phong Nha (Bố Trạch); Thượng Hóa, Dân Hóa (Minh Hóa); Trường Sơn (Quảng Ninh). Sau khi được thành lập, Tiểu hợp phần 9 đã phối hợp với các địa phương, chủ rừng triển khai nhiều hoạt động truyền thông nhắm đến nhóm đối tượng tiêu thụ ĐVHD, phát huy các sáng kiến của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học.

Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án VFBC Quảng Bình Nguyễn Văn Duẫn cho biết: “Xác định vai trò của cộng đồng rất quan trọng trong ngăn chặn hoạt động săn bắt, kinh doanh và tiêu thụ trái phép ĐVHD nên chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho bà con. Qua tuyên truyền, đa số người dân bày tỏ sự đồng thuận chung tay bảo tồn ĐVHD, ký cam kết không thực hiện các hành vi tiêu thụ, săn bắt, vận chuyển, mua bán, quảng cáo sản phẩm từ ĐVHD trái phép. Sau khi được tuyên truyền, nhiều người dân đã không đi rừng đặt bẫy, săn bắt, tiêu thụ ĐVHD nữa mà còn cung cấp nhiều nguồn tin cho lực lượng chức năng trong hoạt động bảo vệ ĐVHD”.

Nhóm truyền thông bảo tồn cộng đồng xã Thượng Hóa có 26 thành viên tự nguyện tham gia. Sau khi thành lập, nhóm đã thực hiện nhiều hoạt động truyền thông nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ ĐVHD trong cộng đồng địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, như: Bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, Phú Minh…
 
Anh Đinh Xuân Thanh, Trưởng nhóm truyền thông bảo tồn cộng đồng xã Thượng Hóa tâm sự: “Các thành viên trong nhóm chúng tôi đều xuất thân từ cộng đồng. Trước đây, một số người từng làm nghề săn bắt, buôn bán hay sử dụng ĐVHD để làm thức ăn, thuốc chữa bệnh. Sau khi được tuyên truyền, đa số các thành viên và bà con xã Thượng Hóa cơ bản đã hiểu được tác hại của việc săn bắt, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD. Từ đó, nhiều người đã không còn vào rừng đặt bẫy thú nữa, có người thì mang súng, nỏ đến giao nộp cho lực lượng chức năng. Các quán ăn trên địa bàn cũng đã ký cam kết không tiêu thụ, buôn bán ĐVHD trái phép”.
 
Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dự án VFBC do USAID tài trợ và đang được tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số đối tác khác thực hiện từ năm 2021-2026. Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai tại VQG PN-KB với mục tiêu tăng cường chất lượng rừng, bảo vệ và giữ ổn định số lượng quần thể các loài ĐVHD tại vườn. 

Anh Đinh Minh Khương, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa (Hạt Kiểm lâm Minh Hóa) cho biết: “Sau khi nhóm truyền thông đi vào hoạt động, tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD trên địa bàn đã giảm đáng kể. Nhiều người dân vào rừng gặp bẫy thú đã tự giác gỡ, phá. Không những thế, bà con còn cung cấp nhiều tin báo quan trọng, giúp chúng tôi ngăn chặn hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD. Mới đây, một người dân bắt được con culi (động vật rừng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB) đã chủ động giao nộp lại cho lực lượng chức năng”.

Xã Thượng Trạch (Bố Trạch) có diện tích rừng lớn, là nơi trú ngụ của nhiều loài ĐVHD, trong đó có nhiều loài quý hiếm nên tình trạng săn bắt, tiêu thụ ĐVHD vẫn còn diễn ra. Để bảo vệ ĐVHD, nhóm truyền thông bảo tồn cộng đồng xã Thượng Trạch đã được thành lập. Nhóm có 25 thành viên, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên tình nguyện. Sau khi được thành lập, nhóm được sự hỗ trợ của UBND xã, VQG PN-KB và dự án VFBC đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ ĐVHD, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển sinh kế... 

Chị Y Buốt, thành viên nhóm truyền thông bảo tồn cộng đồng xã Thượng Trạch tâm sự: “Để nhóm hoạt động hiệu quả, chúng tôi đã ban hành quy chế hoạt động rõ ràng. Mỗi tháng, nhóm sẽ tổ chức họp một lần. Còn hàng ngày, các thành viên đều tham gia hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở bà con không vào rừng săn bắt, tiêu thụ ĐVHD. Một số trường hợp vi phạm đã được chúng tôi phát hiện và báo lại các cơ quan chức năng xử lý”.
Nhờ sự nỗ lực của nhóm truyền thông bảo tồn cộng đồng xã Thượng Trạch và các nhóm trong vùng đệm, từ năm 2022 đến nay, Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB cùng với người dân vùng đệm đã tháo gỡ trên 3.500 sợi dây bẫy, tịch thu và xử lý theo quy định 3 cá thể động vật rừng; 31,5kg bộ phận động vật rừng... So với cùng kỳ những năm trước, số sợi dây bẫy được tháo gỡ, lượng người ra vào rừng trái phép, cá thể và các bộ phận của ĐVHD vi phạm đã giảm khá nhiều.
Xuân Vương

tin liên quan

Môtô nước hoạt động không phép: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

(QBĐT) - Thời gian qua, trên các bãi tắm biển ở TP. Đồng Hới xuất hiện loại hình dịch vụ môtô nước thu hút người dân, du khách sử dụng. Tuy nhiên, hoạt động của các môtô nước này không tuân thủ đúng quy định khi đón, trả và chở khách ở khu vực có đông người dân, du khách đang tắm biển, gây ảnh hưởng và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho mọi người.

Giá trị bền vững của di sản là mang lại ấm no cho người dân, thúc đẩy sự phát triển của địa phương

(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời phỏng vấn Báo Quảng Bình về những nội dung liên quan đến công tác bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị của di sản.

Hỗ trợ xây dựng 8 nhà "Nghĩa tình đồng đội"

(QBĐT) - Ông Hoàng Xuân Vĩnh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, Hội CCB tỉnh đã vận động cán bộ, hội viên đóng góp 508 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhà "Nghĩa tình đồng đội" cho CCB có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.