Cảnh giác trước những chiếc "bẫy người"

  • 14:24 | Thứ Hai, 06/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện các vụ việc mua bán người (MBN), tuy nhiên hoạt động đưa người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang một số nước châu Âu và châu Á vẫn diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn hành vi MBN và những hệ lụy, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.
 
Nguy cơ tiềm ẩn
 
Đã gần 3 năm trôi qua nhưng vụ việc 39 người tử vong trong xe tải đông lạnh tại nước Anh, trong đó có 3 người Quảng Bình vẫn còn là nỗi day dứt, ám ảnh. Vụ việc là tiếng chuông cảnh tỉnh để nhiều người dân cảnh giác hơn trước những “giấc mơ” xuất ngoại.
 
Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng người Việt Nam bị đưa đi lao động trái phép tại Campuchia với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” đã lan đến Quảng Bình. Theo thống kê bước đầu của cơ quan Công an, năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 12 trường hợp sang Campuchia và 1 trường hợp sang Trung Quốc lao động trái phép. Khi đến Campuchia, các đối tượng này được đưa đến những cơ sở lao động do người Trung Quốc làm chủ, được trang bị máy tính và bị ép buộc mời kết bạn qua mạng xã hội và nhắn tin dụ dỗ, lừa đảo người Việt Nam sang lao động hoặc nộp tiền vào các ứng dụng cờ bạc trực tuyến.
 
Trong số 12 lao động tại Campuchia có 10 đối tượng bị trục xuất về nước; 2 đối tượng liên lạc về gia đình để gửi tiền chuộc nhưng do gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên hiện tại vẫn tiếp tục lao động để trả các món nợ; 1 trường hợp sang Trung Quốc lao động trái phép nghi bị bán làm vợ. Tháng 9/2022, gia đình trường hợp này đã có đơn trình báo cơ quan chức năng, hiện Công an tỉnh Quảng Bình đã có văn bản gửi Bộ Công an để giải cứu các trường hợp nêu trên.
Hội LHPN xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) tham gia cuộc thi tiểu phẩm tuyên truyền phòng, chống MBN và thúc đẩy di cư an toàn.
Hội LHPN xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) tham gia cuộc thi tiểu phẩm tuyên truyền phòng, chống MBN và thúc đẩy di cư an toàn.
Dù chưa phát hiện các vụ MBN trên địa bàn tỉnh, nhưng đây là nguy cơ tiềm ẩn khi nhu cầu đi lao động tại nước ngoài tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh MBN trong khu vực và nhiều địa phương trong toàn quốc đang có nhiều diễn biến phức tạp.
 
Đâu là nguyên nhân?
 
Mặc dù so với trước đây, kiến thức của người dân về hành vi và hậu quả của MBN đã được nâng cao, nhưng “giấc mơ đổi đời” nhanh chóng vẫn thường trực trong suy nghĩ của nhiều lao động. Vì vậy, một số người lao động (NLĐ) tại các nước và vùng lãnh thổ, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc…, sau khi hết hạn hợp đồng, thậm chí chỉ mới sang đến nơi đã bỏ trốn ra ngoài, lao động bất hợp pháp, đối diện với nguy cơ bị lừa đảo, bóc lột, cưỡng bức lao động, vi phạm pháp luật của nước sở tại.
 
Đặc biệt, sau hơn hai năm đời sống sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, “cơn khát” việc làm càng trở nên cấp bách, trước những viễn cảnh đổi đời nhanh chóng khi lao động ở nước ngoài, nhiều người đã xiêu lòng mà thiếu sự tìm hiểu hoặc bỏ qua những quy định cơ bản của quy trình đưa NLĐ sang nước ngoài làm việc.
 
Xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) là địa phương có số lao động ra nước ngoài ngày một gia tăng. Việc di cư diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Đi lao động, thăm thân nhân, du lịch, định cư theo gia đình, kết hôn... Trong đó, đi lao động nước ngoài là con đường chủ yếu để giúp người dân tỉnh nhà nói chung và người dân Quang Phú nói riêng có việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, được tiếp cận môi trường làm việc quốc tế cũng như mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn sau khi về nước.
 
Trao đổi về nguyên nhân số lượng người dân của xã đi nước ngoài lao động tăng dần qua hàng năm, chị Đinh Thị Tuyết Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Quang Phú cho biết: Từ thực tế của địa phương, tư tưởng đi nước ngoài để cuộc sống được đầy đủ hơn, sung túc hơn vẫn luôn nung nấu trong nhiều người. Với suy nghĩ ở nước ngoài sẽ có công việc ổn định, thu nhập cao hơn, một bộ phận người dân đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, vướng các khoản nợ, thiếu việc làm... vẫn chọn đi lao động nước ngoài qua nhiều kênh, cả hợp pháp và không hợp pháp dù biết sẽ có những rủi ro nhất định. Trong đó, kênh không hợp pháp tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, nhẹ thì mất tiền vì vướng phải các đường dây lừa đảo, nặng thì bị giam cầm, ép buộc lao động hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đã phân tích ở trên.
Nguồn thu từ đi lao động ở nước ngoài góp phần thay đổi diện mạo và đời sống người dân xã Quang Phú (TP. Đồng Hới).
Nguồn thu từ đi lao động ở nước ngoài góp phần thay đổi diện mạo và đời sống người dân xã Quang Phú (TP. Đồng Hới).
Giải pháp đồng bộ
 
Xác định được những nguy cơ tiềm ẩn và qua nắm tình hình trong tỉnh, đặc biệt là ở các địa bàn trọng yếu, lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phối hợp nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi MBN.
 
Cùng với nắm bắt tình hình, theo dõi các đối tượng người Việt Nam làm ăn, sinh sống ở nước ngoài thường xuyên về nước có biểu hiện dụ dỗ, lôi kéo, dẫn dắt người dân qua biên giới; rà soát các trường hợp phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương không rõ lý do, nghi bị mua bán; số gia đình có NLĐ ở nước ngoài, thường xuyên qua lại biên giới… lực lượng Công an đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống MBN”, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” lồng ghép hoạt động phòng, chống MBN để đấu tranh hiệu quả.
 
Lực lượng Biên phòng tăng cường bám cơ sở, nhất là trên hai tuyến biên giới, nắm chắc tình hình và triển khai hiệu quả hoạt động quản lý, phòng ngừa các đối tượng có nguy cơ và địa bàn trọng điểm. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, cảng biển; kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc xuất, nhập cảnh trái phép, di cư tự do; đấu tranh hiệu quả với các đối tượng, đường dây đưa người xuất cảnh trái phép… Những hoạt động quan trọng này đã góp phần tạo “lá chắn” để bảo vệ người dân trước nguy cơ MBN.
 
Trong bối cảnh hiện nay, một trong những giải pháp quan trọng là truyền thông nâng cao ý thức của người dân. Những năm qua, các tổ chức đoàn thể như Hội LHPN, Đoàn Thanh niên đã phối hợp với các đơn vị, địa phương làm tốt công tác này. Nhiều dự án truyền thông đã được triển khai hiệu quả thông qua những cách thức tiếp cận phù hợp, góp phần nâng cao ý thức phòng ngừa cho NLĐ trước những chiếc “bẫy người”.
 
Bên cạnh đó, các giải pháp nhằm tạo việc làm bền vững cho NLĐ; đơn giản hóa và rút ngắn các thủ tục hồ sơ cần thiết để đi lao động nước ngoài; xem xét giảm chi phí và mở rộng đối tượng cho vay vốn khi tham gia lao động tại nước ngoài cũng đang được triển khai tích cực, được kỳ vọng sẽ góp phần đồng hành, hỗ trợ NLĐ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống trong môi trường lao động an toàn.
 Ngọc Mai

tin liên quan

Đề xuất 2 phương án khi rút BHXH một lần

Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ có bổ sung phương án chỉ cho rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng bảo hiểm khi rút bảo hiểm một lần. 

Việc thực hiện quy định về phát triển nhà ở xã hội ở Quảng Bình như thế nào?

(QBĐT) - Phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là một chủ trương nhân văn của nhà nước, dành cho nhiều đối tượng, trong đó có người thu nhập thấp ở đô thị. Phóng viên (PV) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng xung quanh việc thực hiện quy định này trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo phòng, chống tảo hôn và mua bán người

(QBĐT) - Ngày 4/3, Tỉnh đoàn và Tổ chức quốc tế Plan tổ chức hội thảo "Công bố kết quả khảo sát giữa kỳ và thảo luận về tính bền vững của nền tảng Em vui" và tọa đàm "Thanh thiếu niên nói không với tảo hôn và mua bán người".