Lệ Thủy tích cực trong hoạt động giảm nghèo bền vững

  • 14:38 | Thứ Ba, 21/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Lệ Thủy đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
 
Năm 2022, huyện Lệ Thủy tập trung nhiều hoạt động nhằm giải quyết các chế độ, chính sách thiết yếu cho hộ nghèo và cận nghèo. Công tác tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các xã, thị trấn được đẩy mạnh. Huyện đã tổ chức 12 lớp tập huấn, với hơn 800 lượt cán bộ tham gia.
 
Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo ở cơ sở đóng vai trò rất quan trọng, huyện đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, năng lực chuyên môn. Huyện còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo, cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện.
 
Trong năm, huyện đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ tiền điện cho 2.913 hộ nghèo với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, góp phần giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Huyện cũng đã phê duyệt phương án triển khai thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo tại xã Ngư Thủy Bắc và xã Ngư Thủy cho 43 đối tượng hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí 399 triệu đồng…
 
Nhờ tích cực chỉ đạo trong thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và đào tạo nghề, đến cuối năm 2022 toàn huyện đã giải quyết việc làm cho trên 4.700 lao động, trong đó xuất khẩu lao động là 465 người, đạt 155% kế hoạch và là năm có kết quả xuất khẩu lao động cao nhất từ trước tới nay.
Nhờ các chính sách giảm nghèo phù hợp, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã thoát nghèo bền vững.
Nhờ các chính sách giảm nghèo phù hợp, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã thoát nghèo bền vững.
Ngoài giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn, huyện Lệ Thủy còn tập trung tạo sinh kế cho người nghèo và người cận nghèo. Không ít hộ dân đã đầu tư mô hình kinh tế trang trại cho nguồn thu nhập ổn định. Nhiều sản phẩm địa phương xây dựng được thương hiệu, như: Gạo sạch Nga Hoàng, bột ngũ cốc Family, rượu sim An Mã, khoai deo Lâm Hường, hạt sen Mai Hạ... Các mô hình đó đã thu hút một lượng lao động nghèo, lao động nông nhàn có thêm thu nhập và nâng cao mức sống.
 
Gia đình chị Nguyễn Thị Lợi ở xã Phong Thủy (Lệ Thủy) được sự giúp đỡ từ các tổ chức hội, đoàn thể cũng như tổ tín dụng nên đã được vay với nguồn vốn ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và tạo được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
 
Chị Nguyễn Thị Lợi chia sẻ: "Trước đây đời sống kinh tế gia đình tôi rất vất vả, thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên, tôi được các tổ, hội kết nối cho vay vốn từ chương trình vay giải quyết việc làm để phát triển kinh tế hộ. Từ nguồn vốn có được, tôi đã đầu tư nuôi gà và nuôi dê nhưng sau đợt lụt năm 2020, toàn bộ gia súc, gia cầm đều bị trôi đi hết. May mắn được tổ chức tín dụng huyện tạo điều kiện cho vay lại vốn, tôi đã khôi phục sản xuất. Đến nay, trang trại tổng hợp của gia đình tôi có nuôi bò, dê, chim bồ câu và khoảng 100 con gà thả vườn, 900 con vịt ăn lúa tái sinh và hồ trồng sen rộng khoảng 1,5ha; mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình khoảng trên 100 triệu đồng. Với mô hình này, đã có gần 6 lao động được tạo việc làm thường xuyên, đem lại thu nhập ổn định".
 
Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, đến cuối năm 2022, số hộ nghèo toàn huyện Lệ Thủy còn 2.300 hộ, chiếm tỷ lệ hộ 5,46% (giảm 1,52%), số hộ cận nghèo 1.669 hộ, chiếm tỷ lệ 3,96%.
 
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, Phòng LĐ-TB-XH huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tặng quà Tết của Chủ tịch nước, lãnh đạo tỉnh cho 4.377 người có công trên địa bàn với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng; quà của lãnh đạo huyện cho 4.660 người có công…
 
Tuy đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhưng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện Lệ Thủy, như: Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy vẫn còn cao; nguồn vốn phân bổ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững còn hạn chế; việc triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và các chương trình hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
 
Huyện Lệ Thủy đang nỗ lực thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Để hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo, các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội của huyện; huy động và lồng ghép hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững.
 
Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Năm 2023, huyện sẽ phấn đấu giải quyết việc làm cho 4.600 lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo 70%, trong đó đào tạo có bằng cấp chứng chỉ 30%; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,7-1,0% theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2022-2025.
Hiền Phương

tin liên quan

Giới thiệu dự án "Truyền thông phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại"

(QBĐT) - Sáng 21/2, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu dự án "Truyền thông phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại".

TP. Đồng Hới: Nỗ lực giải "bài toán" an toàn giao thông

(QBĐT) - Với sự phát triển rất nhanh của các loại phương tiện giao thông, thời gian gần đây, an toàn giao thông trên địa bàn TP. Đồng Hới là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan chức năng, địa phương và người dân. Để giải quyết hiệu quả "bài toán" ATGT, TP. Đồng Hới đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và mang lại những hiệu quả tích cực.

"Phao cứu sinh" của người lao động khi gặp rủi ro

(QBĐT) - Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp là một trong những chính sách của hệ thống an sinh xã hội nước ta, nhằm chia sẻ gánh nặng, giúp người lao động vượt qua khó khăn khi không may gặp rủi ro trong quá trình lao động.