Nghề "sủi" trầm

  • 10:07 | Thứ Tư, 04/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đến thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) không khó để bắt gặp hình ảnh nhà nhà, người người đang ngồi miệt mài với việc làm trầm. Công việc này đã giúp nhiều người dân trong thôn giải quyết việc làm và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
 
Thôn Trúc Ly hiện có 807 hộ với 3.133 nhân khẩu. Trước đây, Trúc Ly được biết đến là thôn “xuất ngoại tìm trầm”, bằng hộ chiếu du lịch. Đã có hàng trăm người từ trai trẻ tới trung niên trong thôn sang các nước Lào, Thái Lan, Malaysia, Brunei… để đi tìm trầm với hy vọng được "đổi đời". Từ nghề tìm trầm đã giúp nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng, nhưng cũng không ít người phải bỏ mạng nơi xứ người. Những năm gần đây, người dân trong thôn đã chuyển sang buôn bán, sản xuất hương trầm tại nhà, góp phần thu hút nhân công, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
 
Theo người dân trong thôn, nguyên liệu phục vụ cho nghề chế tác trầm hương chủ yếu là từ trầm hương tự nhiên và từ thân cây dó bầu. Để có thể ra được một sản phẩm trầm hương, những chủ cơ sở trầm hương thu mua cây dó bầu có trầm tại nhiều địa phương, như: Hà Tĩnh, Nghệ An, có khi sang tận vườn của nước Lào, Thái Lan… Những cây dó bầu có trầm được mua về, trải qua nhiều công đoạn như cắt khúc, chẻ, đục, đẽo, sủi, soi, xỉa, phơi mới ra được sản phẩm như ý. Sau khi lấy được trầm, những phần thừa của cây trầm được người dân tận dụng xay ra làm hương.
Công việc sủi trầm yêu cầu người thợ phải tỉ mỉ, công phu, tay nghề cao.
Công việc sủi trầm yêu cầu người thợ phải tỉ mỉ, công phu, tay nghề cao.
Để lấy được đúng trầm hương, người làm phải kỳ công tỉ mỉ dùng tay đục rồi "sủi" cho đến khi thấy phần dầu màu đen thì dừng lại. Công việc "sủi" trầm đòi hỏi người làm phải khéo tay, tỉ mỉ, công phu, tay nghề cao, phải kiên nhẫn ngồi liên tục nhiều giờ đồng hồ và hết sức cẩn thận, bởi các vật dụng dùng để "sủi" trầm với nhiều kích thước khác nhau rất sắc. Việc "sủi" trầm được tính theo ca, ca sáng và ca chiều, với mức tiền công từ 200-500 nghìn đồng, tùy theo tay nghề.
 
Đến thăm cơ sở sản xuất trầm hương Thừa Chí của anh Hoàng Minh Chí (SN 1992) ở thôn Trúc Ly những ngày giáp Tết, chúng tôi được chứng kiến không khí khẩn trương, nhộn nhịp của những người thợ để cho ra những sản phẩm kịp bán Tết và giao cho thương lái. Hương trầm phảng phất dịu nhẹ, thoang thoảng.
 
Sản phẩm trầm hương của cơ sở Thừa Chí có rất nhiều loại từ đồ gỗ mỹ nghệ, tượng phong thủy, các loại hương cây, nụ trầm, tinh dầu đến chuỗi hạt, dây đeo tay, cây bonsai… Sản phẩm được các lao động có tay nghề tạo hình bắt mắt, bền, đẹp, giá cả hợp lý và có giá trị kinh tế cao, được các thương lái ưa chuộng, xuất bán ra nhiều thị trường, nhất là TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Có ngày cơ sở sản xuất của anh Chí cung cấp cả tấn trầm cho các thương lái. Nghề làm trầm hương mỗi năm đem đến cho gia đình anh nguồn lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 6-10 lao động thường xuyên với thu nhập từ 250-500 nghìn đồng/ngày.
 
Anh Trần Ngọc Trưởng (SN 1993), thợ kỹ thuật cao của cơ sở sản xuất trầm Thừa Chí cho biết, anh làm nghề "sủi" trầm từ năm 2008. Là thợ lâu năm nên tay nghề của anh bây giờ được coi là giỏi trong làng. Mỗi ngày công của anh trên 500 nghìn đồng. Theo anh, việc học nghề rất đơn giản, chỉ khoảng 2-3 tháng là có thể thạo việc, nghề nhẹ nhàng và đem lại thu nhập cao, ổn định cho bản thân và gia đình.
 
Là người trước kia cũng đã từng đi lên rừng, qua nước bạn để tìm, khai thác trầm, hiện nay anh Trần văn Đông (SN 1970) đã về "đầu quân" cho cơ sở sản xuất trầm của ông Hoàng Lâm ở xóm 4. Mỗi ngày công của anh từ 220-250 nghìn đồng. Theo anh, nghề "sủi" trầm không khó, tuy nhiên cần phải thận trọng, tỉ mỉ và kinh nghiệm để có thể nhận biết mạch trầm chạy trong thân gỗ.
 
Tại cơ sở của ông Hoàng Lâm, ngày thường có 6 lao động, khi vào thời vụ có khoảng 11 lao động. Mỗi người trong cơ sở được phân công một công đoạn khác nhau như chặt, phân loại, đục, nhưng nhiều nhất vẫn là "sủi" trầm. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, những gốc cây thô sơ, vô tri, vô giác trở thành những tác phẩm có hồn, có giá trị về thẩm mỹ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Theo ông Trần Văn Hiền, Trưởng thôn Trúc Ly thì toàn thôn hiện có hơn 30 cơ sở sản xuất, buôn bán, chế tác hương trầm và có trên 70% người dân trong thôn làm công việc liên quan đến trầm. Sản phẩm trầm hương của người dân trong thôn phong phú về mẫu mã, giá cả hợp lý và đã có mặt trên khắp thị trường trong nước với thu nhập hàng năm trên 30 tỷ đồng cho người dân nơi đây. Tính đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 65 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo toàn thôn giảm còn 2%.
 
"Nghề làm trầm ở thôn Trúc Ly đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với nhiều độ tuổi khác nhau, qua đó góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn", Chủ tịch UBND xã Võ Ninh Nguyễn Duy Tiễn cho biết thêm.
 
Phạm Hà

tin liên quan

Hướng tới sự hài lòng của người bệnh

(QBĐT) - Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, ngành Y tế đã đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp-an toàn.

Bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với các khu khai thác khoáng sản, đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử và công trình

(QBĐT) - Ngày 27/12, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 62/2022/QĐ-UBND về quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng các khu khai thác khoáng sản và khu khai thác tài nguyên thiên nhiên khác; khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; khu di tích lịch sử; điểm dân cư nông thôn và công trình trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện hiệu quả giải pháp tạo việc làm mới cho lao động

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Lệ Thủy đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tạo việc làm mới cho lao động, từng bước tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống…; trong đó xác định giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.