Gắn giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững tại Quảng Bình:

Không nhanh, sẽ tụt hậu

  • 08:04 | Thứ Hai, 16/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một hội thảo về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gắn với thị trường lao động (LĐ) và việc làm (VL) bền vững vừa được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) tổ chức với sự tham gia của đông đủ các nhà quản lý, doanh nghiệp (DN), cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh. Tại diễn đàn này, những ý kiến tâm huyết đã thực sự mổ xẻ nhiều vấn đề của GDNN trong thời gian qua với mong muốn bức tranh GDNN và VL của Quảng Bình sẽ bớt đi những gam màu trầm.  
 
Quảng Bình hiện có 16 cơ sở GDNN, trong đó có 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 8 trung tâm GDTX-GDNN cấp huyện, 1 trung tâm GDNN và hỗ trợ nông dân-phụ nữ tỉnh, 1 cơ sở có hoạt động GDNN (của DN), 3 đơn vị khác có tham gia đào tạo nghề dưới 3 tháng.
 
Các ngành nghề đào tạo tương đối đa dạng, phong phú với 233 ngành nghề ở các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng, trong đó có 14 nghề trọng điểm (gồm 9 nghề trọng điểm quốc gia, 3 nghề trọng điểm ASEAN, 2 nghề trọng điểm quốc tế).
 
Với đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, tổng quy mô tuyển sinh, đào tạo theo năng lực của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh là 25.000 học sinh, sinh viên (HS, SV)/năm. So với năm 2010, con số này đã tăng gần 12.000 HS, SV/năm.
 
Xác định chất lượng nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động số 04-CTr/TU, ngày 9/12/2020 về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng cán bộ giai đoạn 2020-2025; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 463/KH-UBND, ngày 30/3/2021 thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU, ngày 9/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nội dung phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2020-2025.
 
Lần đầu tiên công tác phát triển nguồn nhân lực, đào tạo phát triển nguồn nhân lực được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm đặc biệt, tạo tiền đề cho sự phát triển của lĩnh vực GDNN. Sự nỗ lực của các cấp ngành, địa phương, các cơ sở GDNN suốt thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi nhận thức của nhân dân, người LĐ và người học về học nghề và đào tạo nghề.
 
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Đinh Thị Ngọc Lan, thời gian qua, các cơ sở GDNN bắt đầu quan tâm đến việc gắn kết với DN trong đào tạo, một số cơ sở thành lập bộ phận quan hệ DN trong nhà trường để nắm bắt nhu cầu của DN và thực hiện hợp tác với DN trong hoạt động đào tạo; đẩy mạnh việc ký hợp đồng đào tạo với DN.
 
Các trường: Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình, Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình, Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9 đã có quan hệ hợp tác, hợp tác đào tạo với 66 DN, trong đó có trên 2.200 HS, SV được tuyển dụng ngay sau khi ra trường và có trên 3.000 HS, SV được các DN đón nhận đến thực tập.
Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu thị trường lao động và việc làm.
Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu thị trường lao động và việc làm.
Tuy nhiên, tại hội thảo, từ thực tế đào tạo nghề thời gian qua, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập mà nếu không sớm được tháo gỡ thì công tác phát triển nguồn nhân lực sẽ còn mãi quẩn quanh. Thông qua các buổi tư vấn GDNN cho HS cuối cấp tại các trường THCS, THPT trên địa bàn thấy rõ, các em vẫn chưa thực sự quan tâm và coi học nghề là hướng đi phù hợp cho bản thân. Vì vậy, công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn, nguồn tuyển đầu vào chất lượng thấp. 
 
Có một nghịch lý là hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta nhiều DN đang rất cần lực lượng lớn LĐ có kỹ năng nghề nhưng luôn gặp khó khăn trong tuyển dụng LĐ. Nhiều DN phải thu hẹp sản xuất vì thiếu LĐ. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu VL hiện vẫn còn cao. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Đinh Thị Ngọc Lan thẳng thắn nhìn nhận: “Các DN FDI, DN ngoại tỉnh đầu tư vào tỉnh ta sẽ khó phát triển nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo trong thời gian tới. Tỉnh ta sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, mất dần lợi thế về chi phí LĐ thấp, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế cũng như dưới tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0”.
 
Vì sao dẫn đến tình trạng này? Nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi và khẳng định, do tâm lý cộng đồng, người dân, xã hội về học nghề chưa thay đổi nhiều, xu hướng chuộng đại học vẫn còn lớn, do vậy cơ sở GDNN gặp khó trong nguồn tuyển sinh. Chật vật trong tuyển sinh, đầu vào thấp nên chất lượng đầu ra chủ yếu là nguồn nhân lực kỹ thuật trình độ trung cấp. Điều này buộc các DN phải bắt tay vào đào tạo lại, vừa tốn thời gian, vừa mất thêm kinh phí.
 
Chị Nguyễn Thị Bảo Yến, đại diện Công ty Thaco Auto Quảng Bình chia sẻ: “Đơn vị thiếu nhân lực nhưng số lượng nhân sự đáp ứng được các tiêu chí tiêu chuẩn rất ít gây ra khó khăn trong công tác tuyển dụng. Ứng viên có bằng cấp chứng chỉ nhưng trái ngành, không có kiến thức, kỹ năng liên quan đến vị trí tuyển dụng. Ngoài ra một số bạn SV mới ra trường còn thiếu kỹ năng sống, kỹ năng mềm ở môi trường làm việc. Điều này cũng làm cho đơn vị mất rất nhiều thời gian để sàng lọc hay phỏng vấn ứng viên. Trên địa bàn hiện nay, các cơ sở đào tạo về ngành nghề ô tô còn hạn chế, đặc biệt là các cơ sở đào tạo về kinh doanh ô tô nên để giải quyết vấn đề nêu trên cũng là một rào cản cản trở sự phát triển của đơn vị”.
 
Những năm vừa qua, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã liên kết với các DN trong công tác hỗ trợ đào tạo, tạo VL cho học viên sau khi ra trường. Tuy nhiên, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra rằng hoạt động hợp tác chỉ dừng lại ở mức độ tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chương trình đào tạo, tiếp nhận SV đến thực tập tốt nghiệp trong thời gian ngắn và tham quan về quy trình hoạt động, nguyên tắc làm việc, mô hình sản xuất… chứ chưa thực hiện được hoạt động hợp tác đào tạo chuyên sâu.
 
“Nhà trường thì vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng “cung” của mình chứ chưa thực sự đào tạo theo “cầu” của DN. Trong khi đó, nhiều DN, đơn vị sử dụng LĐ phải dành một khoản tài chính và thời gian để đào tạo bổ sung cho SV mới tốt nghiệp ra trường”, đại diện Thaco Auto Quảng Bình chia sẻ thêm.
 
Với sự phát triển của các dự án động lực, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực đòi hỏi ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Điều đó càng đặt ra những yêu cầu cấp thiết về phát triển nguồn nhân lực gắn với thị trường LĐ và VL bền vững. Nhiều nhóm giải pháp đã được đưa ra, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tìm ra hướng đi phù hợp nhất để bức tranh GDNN thêm những gam màu sáng.
 
Ông Trần Viết Đán, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quảng Bình bày tỏ: “DN và cơ sở đào tạo nghề cần hợp tác theo nguyên tắc chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa các bên. Nhà trường cần xây dựng môi trường đào tạo gần với môi trường làm việc của DN. Trong đó, quan trọng nhất là các yếu tố bảo đảm chất lượng đầu ra, đáp ứng yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực cho xã hội, của DN”.
 
Đào tạo nghề-thị trường LĐ và VL có mối quan hệ chặt chẽ. Để công tác đào tạo nghề thực sự đi vào chiều sâu, gắn với nhu cầu thị trường LĐ, VL, ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cần huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
 
Theo bà Phạm Thị Thanh Tình, đại diện Công ty CP Toyota Quảng Bình, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách, quy định phù hợp đối với DN và các cơ sở GDNN. DN cũng cần chủ động đánh giá, lên kế hoạch tuyển dụng nhân lực của mình với các cơ sở đào tạo nghề, tích cực tham gia các hoạt động cùng cơ sở giáo dục. Các cơ sở GDNN cũng cần tăng cường các hoạt động thực hành thực tế tại DN cho HS, SV.
Diệu Hương

tin liên quan

Trao tiền hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo

(QBĐT) - Ngày 15/1, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh phối hợp với Chi đoàn Sở Tài chính và các nhà hảo tâm tổ chức trao tiền hỗ trợ Tết Nguyên đán năm 2023 cho các bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh.

"Tự tin là chính mình"

(QBĐT) - Ngày 15/1, diễn đàn đối thoại thúc đẩy vai trò của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe kinh nguyệt thanh, thiếu niên được tổ chức tại TP. Đồng Hới.

Cầu Gianh lại tắc vì tai nạn giao thông

(QBĐT) - Một vụ tại nạn giao thông xảy ra trên cầu Gianh khiến 1 người tử vong tại chỗ, Quốc lộ 1 bị ùn tắc cục bộ nhiều giờ.