Chuyện gia đình hồi hương được Bác Hồ tặng lụa
(QBĐT) - Trên chuyến tàu hồi hương cuối cùng của Việt kiều Thái Lan về cảng Hải Phòng những năm 60 của thế kỷ trước, gia đình bà được Bác Hồ ra tận bến cảng đón và tặng lụa. Những câu chuyện về Bác Hồ, về truyền thống cách mạng của gia đình hiện vẫn được con cháu lưu truyền, gìn giữ.
Chúng tôi đang nói đến câu chuyện của gia đình bà Nguyễn Thị Thiểu, ở thôn Chánh Hòa, xã Nam Trạch (Bố Trạch). Bà Thiểu là một trong những Việt kiều được Bác Hồ giác ngộ cách mạng sớm trong thời kỳ hoạt động tại Thái Lan (1928-1929). Sau đó, bà Thiểu làm liên lạc viên và che chở cho nhiều cán bộ tiền khởi. Năm 1964, để lại sản nghiệp ở đất người, gia đình bà quyết tâm hồi hương, cùng góp công, góp sức xây dựng Tổ quốc, đấu tranh thống nhất đất nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ vĩ đại.
“Lòng không hẹp thì nhà không chật”
Ngày 2/8/1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã ký tặng bằng có công với nước cho gia đình bà Nguyễn Thị Thiểu, ghi nhận những đóng góp vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. |
Thời gian dần lùi vào dĩ vãng, vợ chồng bà Thiểu đã là người thiên cổ, những kỷ vật cũng hư hao theo năm tháng. Nhưng những câu chuyện kỷ niệm về Bác của gia đình vẫn được con cháu bà Thiểu lưu giữ.
Những năm 20 của thế kỷ XX, một giai đoạn tao loạn của lịch sử, nhiều người đành ly hương cầu thực. Đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Thiểu và Lê Đình Thi cũng vậy. Ông bà quê gốc ở xóm Re, trấn Lý Ninh (nay là phường Bắc Lý, TP.Đồng Hới) lưu lạc sang định cư ở tỉnh Mục Đa Hán (vùng Đông Bắc Thái Lan). Ông Thi làm nghề thịt lợn thuê, còn bà Thiểu chèo đò qua lại giữa Mục Đa Hán và tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt (Lào) trên sông Mê Kông. Dọc bờ sông lúc đó có khoảng 20 gia đình người Việt sinh sống, vợ chồng bà Thiểu lúc này đã có với nhau 2 người con gái.
Một ngày cuối năm 1928, sau giờ chèo đò đưa khách buổi sáng, bà Thiểu về nhà thì ngạc nhiên thấy nhà cửa gọn gàng, sân vườn được phát cỏ quang đãng, hai con nhỏ được tắm rửa sạch sẽ, nằm ngủ ngon lành trên giường. Trước sân, 2 người khách lạ đang ngồi chờ sẵn, áo quần thợ nề, đồ nghề bay, thước để ngăn nắp bên cạnh. Nghe câu chào tiếng Việt, lại đậm giọng miền Trung, bà Thiểu vui lắm. Ở xứ người bao năm, gia đình bà cùng những người Việt quanh đây đùm bọc nhau mà sống. Bởi vậy, khi nghe 2 người khách ngỏ ý xin nghỉ lại, bà chỉ đáp rằng: “Lòng không hẹp thì nhà không chật” và tiếp đón rất chu đáo.
Sáng hôm sau, hai người khách rời đi và sau đó quay lại nhiều lần. Mãi sau này bà mới biết, một trong hai vị khách là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Giai đoạn này, Bác về Thái Lan và bắt đầu hành trình truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong cộng đồng người Việt. Người còn lại là ông Nguyễn Tài (tức Lê Ngôn) được Bác giao phụ trách vận động quần chúng Việt kiều ở Mục Đa Hán để xây dựng các cơ sở liên lạc trên bờ sông Mê Kông qua Lào về trong nước.
Bà Thiểu sau đó được giác ngộ sớm và kết nạp vào Hội Thân ái với mục đích tổ chức đoàn kết Việt kiều yêu nước ở Thái Lan. Nhiệm vụ được giao là làm giao liên từ Mục Đa Hán sang Sạ-vẳn-na-khệt, đồng thời tích cực bảo vệ, che chở cho các cán bộ hoạt động bí mật tại khu vực này.
Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, bà Thiểu được nhiều cán bộ đánh giá là quần chúng Việt kiều đảm đang, dũng cảm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được cách mạng giao. Nhiều cán bộ cốt cán được bà và gia đình che chở, bảo vệ thành công đến khi về nước hoạt động như đồng chí Nguyễn Tài, sau này là Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; đồng chí Nguyễn Trung Thiên tức là Trần Hữu Thiều, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời đầu tiên của Hà Tĩnh...
Hồi hương theo lời Bác gọi
Ở cái tuổi 85, bà Nguyễn Thị Gái, con dâu trưởng của bà Thiểu vẫn nhớ như in khung cảnh gần 60 năm về trước tại cảng Hải Phòng. Đó là chuyến tàu cuối cùng cập bến đưa những gia đình Việt kiều ở Thái Lan về nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Tiếng còi tàu kéo lên từng hồi, tiếng loa thông báo tàu sắp cập cảng. Cả gia đình bà cùng nhiều người khác quên hết mệt mỏi sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, lên boong tàu nhìn về đất liền quê hương.
Bà Gái quê gốc ở tỉnh Ninh Bình, lưu lạc từ nhỏ cùng gia đình qua Thái Lan. Bà về làm dâu và sinh con được 7 tháng thì theo gia đình chồng hồi hương. Lúc đó, bà cũng không hiểu sao nhà chồng dứt khoát bỏ lại cơ nghiệp đang ăn nên làm ra ở Thái Lan để về quê, cho đến lúc chứng kiến những giọt nước mắt đầy hạnh phúc của bố mẹ chồng khi tàu vào bờ và được Bác Hồ đón tận bến.
Bà Gái nhớ lại, gia đình bà có 5 người, lên bờ thì được đoàn công tác của Bác Hồ chờ đón sẵn. Bác tặng tận tay cho vợ chồng bà Thiểu một xấp lụa rồi ân cần hỏi thăm sức khỏe. Bà Thiểu xúc động lắm.
Sau nhiều năm, không ngờ vị “khách lạ” năm nào, nay đã là lãnh tụ của cả dân tộc, vẫn dành thời gian thăm hỏi, xuống tận bến cảng để tặng quà cho một người con xa xứ hồi hương. Sau khi sắp xếp chỗ nghỉ, Bác hỏi nguyện vọng của gia đình, nếu ở lại Hà Nội thì sẽ được cấp nhà nhưng gia đình quyết định về quê. Trước khi về, bà Thiểu tặng lại Bác chiếc nồi cơm từng nấu cơm cho Bác và rất nhiều chiến sĩ cách mạng hoạt động ở Mục Đa Hán từng ở trong nhà bà.
Những năm sau về quê, chiến tranh ngày càng ác liệt. Cuộc sống khó khăn, nhưng xấp lụa được Bác tặng gia đình bà Thiểu vẫn giữ gìn cẩn thận. Bà Gái kể, ngày nghe tin Bác mất, bà Thiểu khóc nhiều lắm. Xấp lụa sau đó, cùng với bức tượng Bác bằng đồng được một cán bộ cách mạng tặng lại cho gia đình luôn được đặt trang trọng trên bàn thờ Bác.
Chị Lê Thị Nga, cháu nội bà Thiểu chia sẻ, đến cuối đời, bà Thiểu vẫn thường tự hào kể về chuyện gặp Bác Hồ ở Thái Lan, chuyện Bác tặng lụa ở bến cảng, rồi chuyện làm giao liên, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Sau này khi bà mất, con cháu trong gia đình vẫn theo lời căn dặn của bà, gìn giữ kỷ vật Bác tặng mặc dù do thời gian đã hư hao.Những câu chuyện vẫn được lưu truyền để nhắc nhở thế hệ con cháu sau này như một niềm tự hào và sự biết ơn.
P. Vũ
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.