Quảng Trạch: Chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

  • 08:14 | Thứ Năm, 24/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Quảng Trạch tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác đào tạo nghề (ĐTN), giải quyết việc làm (GQVL) cho lao động nông thôn (LĐNT). Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ), giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
 
Xác định công tác ĐTN, GQVL là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững tại địa phương, huyện Quảng Trạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ĐTN, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.
 
Huyện tập trung triển khai công tác ĐTN và GQVL cho LĐNT, nhất là ở các xã vùng núi thiếu đất sản xuất, tạo điều kiện cho LĐNT nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.
 
Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Quảng Trạch Trần Minh Đông cho biết, hàng năm đơn vị phối hợp với ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã rà soát số lượng lao động chưa qua đào tạo; tìm hiểu về nhu cầu học nghề của NLĐ để xây dựng kế hoạch ĐTN phù hợp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác ĐTN gắn với phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới. Đặc biệt, quan tâm đến công tác ĐTN gắn với nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên địa bàn và xuất khẩu lao động.
Lớp dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn do Phòng LĐ-TB-XH huyện Quảng Trạch tổ chức ở xã Quảng Kim.
Lớp dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn do Phòng LĐ-TB-XH huyện Quảng Trạch tổ chức ở xã Quảng Kim.
Bên cạnh đó, huyện tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các DN và cơ sở sản xuất-kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, đề xuất các sở, ngành liên quan phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với điều kiện địa phương, nhu cầu học nghề của NLĐ để tổ chức các lớp học.
 
Sự phối hợp hiệu quả đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động, chất lượng lao động ngày càng tăng, thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
 
Từ đầu năm đến nay, huyện Quảng Trạch đã phối hợp với chính quyền các cấp, tổ chức mở 16 lớp ĐTN về nông nghiệp và phi nông nghiệp, phù hợp điều kiện, nhu cầu thực tế nguồn nhân lực tại địa phương, như: Nghề may công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chế biến, nấu ăn... thu hút trên 550 lao động tham gia.
 
Chị Đinh Thị Hạnh ở xã miền núi Quảng Kim là học viên đang tham gia lớp học nghề may công nghiệp do Phòng LĐ-TB-XH huyện Quảng Trạch tổ chức chia sẻ: "Khi tham gia học may, được các cô giáo hướng dẫn rất kỹ lưỡng, sau 3 tháng tham gia lớp học, tôi nắm được một số kỹ năng cắt, may cơ bản. Giờ thì tôi và các học viên khác đều thực hành rất tốt. Tôi mong muốn, sau khi được ĐTN sẽ có việc làm tại các công ty may trong huyện, có thu nhập ổn định".
 
Trước đó, chị Trần Thị Hóa ở xã Quảng Hợp cũng được các cấp, các ngành tạo điều kiện cho tham gia học lớp ĐTN may công nghiệp và giúp chị có công làm ngay tại địa phương. Hiện, chị Hóa đang làm công nhân tại xưởng may Thái Phương (thôn Hợp Trung, xã Quảng Hợp) với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị ổn định, không phải đi làm thuê thời vụ, thu nhập không bấp bênh như trước nữa.
 
Huyện Quảng Trạch cũng đã thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ và giải pháp giúp NLĐ nhanh chóng quay lại thị trường lao động sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát; hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm, như: Giảm lãi suất, bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho NLĐ, đầu tư nguồn vốn hỗ trợ phát triển các mô hình, thu hút các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
Tại các địa phương có đặc thù diện tích đất nông nghiệp ít, huyện đã chú trọng khuyến khích người dân phát triển các ngành nghề truyền thống nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác đưa NLĐ đi làm việc tại thị trường lao động nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, huyện Quảng Trạch đã giải quyết việc làm cho trên 3.450 lao động, trong đó có 297 người tham gia lao động ở nước ngoài.
 
Ông Trần Minh Đông cho biết thêm: Thời gian tới, Phòng LĐ-TB-XH sẽ chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đào tạo và gắn kết với các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động trên để NLĐ sau khi đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm, để người dân nắm và hiểu đầy đủ các thông tin, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề cần học và có việc làm sau khi học nghề. Đặc biệt ưu tiên đặt hàng, ĐTN cho các đối tượng, như: Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, quân sự trở về địa phương; người có công, thân nhân người có công...
 
Huyện sẽ duy trì công tác điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của LĐNT để chọn các ngành nghề phù hợp cho từng loại đối tượng học và sát với nhu cầu của người dân, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng đến NLĐ thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các xã ít đất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế như Quảng Đông…
 
Phan Phương

tin liên quan

Giải pháp nào cho câu chuyện "người rơm"?

(QBĐT) - "Người rơm" là cách gọi những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh và châu Âu. 

Đường du lịch... không biển chỉ dẫn

(QBĐT) - Đó là tình trạng đã diễn ra nhiều năm nay tại ngã tư Cự Nẫm, xã Cự Nẫm (Bố Trạch), nơi lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông khá lớn.

Hội thảo phòng, chống tảo hôn và mua bán người

(QBĐT) - Sáng 23/11, Tỉnh đoàn Quảng Bình và Tổ chức quốc tế Plan tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường phối hợp để phòng, chống tảo hôn và phòng, chống mua bán người cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.