Quy định mức học phí phải bảo đảm lợi ích của nhân dân và mục tiêu dạy tốt, học tốt:

Bài 2: Phương án tối ưu, hài hòa lợi ích

  • 08:25 | Thứ Sáu, 15/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sau ý kiến phản biện của Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cùng những nội dung đề xuất mới nhất của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), dự thảo Nghị quyết “Quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” đang được Sở GD-ĐT chỉnh sửa phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương nhằm giảm áp lực cho phụ huynh và học sinh, bảo đảm mục tiêu dạy tốt, học tốt.

   Bài 1: Tăng học phí và những nỗi lo

Nguồn thu học phí tăng với lộ trình phù hợp sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng dạy và học.
Nguồn thu học phí tăng với lộ trình phù hợp, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng dạy và học.

Lựa chọn phương án tối ưu

Trả lời các câu hỏi của cơ quan báo chí tại buổi họp báo về kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII, ông Nguyễn Công Huấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh: Nội dung dự thảo nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 đã nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh và các cơ quan, cá nhân liên quan. Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 9, việc ban hành nghị quyết với phương án tối ưu nhất, bảo đảm lợi ích nhân dân và mục tiêu dạy tốt, học tốt cũng đã được đề cập. Với quan điểm đồng hành, hỗ trợ tối đa cho phụ huynh và học sinh, giữ vững ổn định tình hình, Thường trực HĐND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản biện, góp ý, chỉnh sửa, lựa chọn phương án bảo đảm các quy định chung nhưng phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương để trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Ông Nguyễn Công Huấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh: Với quan điểm đồng hành, hỗ trợ tối đa cho phụ huynh và học sinh, giữ vững ổn định tình hình, Thường trực HĐND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan liên quan cân nhắc, lựa chọn phương án tối ưu nhất để HĐND tỉnh thông qua.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Công Huấn: Quan điểm Thường trực HĐND tỉnh là đồng hành, hỗ trợ tối đa cho phụ huynh và học sinh, giữ vững ổn định tình hình.

Bà Phạm Thị Hân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cũng cho biết, bên cạnh bảo lưu ý kiến phản biện của Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh, ý kiến cá nhân bà cũng đề cập đến lợi ích hài hòa của Nhà nước, nhân dân, tổ chức.

Theo đó, mức thu học phí được xây dựng trên nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế hàng năm, lộ trình tính giá dịch vụ GD-ĐT theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Do đó, việc xây dựng phương án tối ưu về mức và lộ trình tăng học phí cần căn cứ thực tiễn tình hình, ngân sách nhà nước có trách nhiệm cấp bù tiền miễn, giảm học phí để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên. Nguồn thu học phí được tăng lên sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng dạy và học.

Bà Phạm Thị Hân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh: Đề nghị HĐND không ban hành nghị quyết theo mức thu mới của Nghị định 81 mà áp dụng mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 và lộ trình tăng học phí phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho nhân dân.
Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Phạm Thị Hân: Đề nghị HĐND không ban hành nghị quyết theo mức thu mới của Nghị định 81 và có lộ trình tăng học phí phù hợp.

Qua trao đổi, ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT, cơ quan dự thảo nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 cho biết: Thực hiện Nghị định 81 của Chính phủ và các quy định liên quan, Sở GD-ĐT tiến hành dự thảo nghị quyết, trong đó áp dụng mức học phí tối thiểu của Nghị định 81 và tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh học sinh, các sở, ngành, địa phương liên quan. Tuy nhiên, mức học phí tối thiểu theo quy định của Nghị định 81 vẫn còn cao gấp nhiều lần so với mức học phí hiện hành do những năm gần đây tỉnh Quảng Bình không tăng học phí theo lộ trình của Nghị định 86 (nay đã được thay thế bởi Nghị định 81) nên nhiều phụ huynh học sinh đề nghị giữ nguyên mức học phí cũ hoặc tăng nhưng có lộ trình.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, nội dung phản biện của Ủy ban MTTQVN tỉnh, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy phương án hỗ trợ phụ huynh học sinh do điều chỉnh tăng mức học phí. Mới đây nhất, ngày 7/7/2022, Bộ GD-ĐT có Văn bản số 2903/BGDĐT-KHTC về việc lấy ý kiến đề xuất lộ trình học phí và chính sách miễn học phí đối với học sinh trung học cơ sở gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, đối với lộ trình học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT đề xuất điều chỉnh lộ trình học phí năm học 2022-2023 bằng mức học phí đã ban hành năm học 2021-2022 đối với từng cấp học và từng khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Từ năm học 2023-2024, HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức thu học phí mầm non, phổ thông công lập theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.

“Văn bản số 2903 của Bộ GD-ĐT với đề xuất điều chỉnh lộ trình học phí năm học 2022-2023 sẽ góp phần quan trọng tháo gỡ “điểm nghẽn” trước mắt và là cơ sở quan trọng cho lộ trình tăng học phí trong những năm học tiếp theo nhằm bảo đảm đáp ứng tình hình thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của phụ huynh học sinh. Về đề xuất thực hiện miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở từ năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT đang tiến hành cung cấp số liệu theo yêu cầu của Bộ để làm cơ sở đánh giá tác động của chính sách!”, ông Đặng Ngọc Tuấn khẳng định.

Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT: Đề xuất của Bộ GD-ĐT về điều chỉnh lộ trình học phí năm học 2022-2023 sẽ góp phần quan trọng tháo gỡ “điểm nghẽn” trước mắt và là cơ sở quan trọng cho lộ trình tăng học phí thời gian tới.
Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Ngọc Tuấn: Đề xuất của Bộ GD-ĐT về điều chỉnh lộ trình học phí năm học 2022-2023 sẽ góp phần quan trọng tháo gỡ “điểm nghẽn” trước mắt và là cơ sở quan trọng cho lộ trình tăng học phí thời gian tới.

Quyết sách vì nhân dân

Không chỉ đến thời điểm này, khi dự thảo nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh được thực hiện, câu chuyện về tăng học phí mới nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh và các cơ quan, cá nhân liên quan.

Trước đó, Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh ban hành với nội dung áp dụng kéo dài Nghị quyết số 67/2020/NQ-HĐND ngày 8/7/2020 để thu học phí năm học 2021-2022 đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh bằng mức thu học phí năm học 2020-2021 cũng nhằm mục đích chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính đối với phụ huynh, học sinh, người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các đợt thiên tai.

 Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Tiếp đó, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, ngày 29/10/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND quy định hỗ trợ học phí học kỳ I năm học 2021-2022 đối với trẻ bậc học mầm non và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sự quan tâm chia sẻ kịp thời của tỉnh đã nhận được sự đồng tình ủng hộ, tin tưởng của nhân dân, nhất là các bậc phụ huynh và học sinh, tạo động lực quan trọng lĩnh vực giáo dục và hành trình phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch.

Việc tập trung quan tâm chỉ đạo, phản biện, cân nhắc lộ trình và mức tăng học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ thông qua việc dự thảo và ban hành nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 một lần nữa khẳng định sự quan tâm, đồng hành của tỉnh đối với nhân dân nói chung, phụ huynh và học sinh nói riêng. Tin rằng, sự quan tâm thiết thực, kịp thời sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo.

Ngọc Mai

tin liên quan

Ba miền có mưa dông, đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi

Khu vực mưa lớn nhất tập trung tại khu vực Nam Sơn La, Hòa Bình, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, lượng mưa từ 20-40mm/24h, có nơi trên 70mm/24h.

Để không còn nỗi đau đuối nước

(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp chính quyền, đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch đã liên tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ đuối nước và cách phòng ngừa. Vậy nhưng từ đầu năm đến nay, số vụ tai nạn đuối nước (TNĐN) trên địa bàn huyện vẫn tăng cao, đặc biệt đối với trẻ em, để lại nỗi đau khôn cùng cho gia đình, người thân. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã và đang tăng cường triển khai các giải pháp cảnh báo, phòng ngừa.

Tôn vinh 9 "Công nhân ưu tú" giai đoạn 2017-2021

(QBĐT) - Ngày 14/7, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79 tổ chức hội nghị tôn vinh "Công nhân ưu tú" giai đoạn 2017-2022.